Trong nhiều năm, cái gọi là “sản phẩm” của du lịch Việt Nam chỉ là những gì sẵn có, những di sản hương đồng gió nội giữ chân khách được đôi ba ngày. Chứng kiến những đổi thay của Đà Nẵng mới thấy, làm du lịch, muốn bứt phá thì phải nghĩ cách để du khách tiêu tiền, giải trí.
Cầu Vàng và bia đen
“Chúng tôi không đi nữa, sợ lắm”, hơn 20 khách du lịch đến từ Phú Yên nói với người tài xế, trên lưng chừng đường lên núi Bà Nà. Anh Dũng tìm chỗ cua, vòng cho xe quay lại. Đây không phải là đoàn khách duy nhất bỏ dở hành trình trên cung đường khó đi này.
Những ai dũng cảm ngồi lại trên xe đến cuối hành trình sẽ được hít thở không khí trong lành trên đỉnh Bà Nà, ăn ngô luộc, uống trà đá trong mấy quán nước có mái che bằng bạt nilon. Họ lên xe quay về thành phố sau cuộc du ngoạn 5 giờ đồng hồ và 4 giờ trong số đó dùng cho việc đi và về.
***
“Tôi cảm thấy như đang ở chính hội chợ của miền quê nước mình vậy”, Melanie Scheider cùng nhóm bạn đến từ Đức vừa nâng cao cốc bia đen trong tay, vừa hát vang theo điệu nhạc “Hey good looking” của Hank William. Trên sân khấu lễ hội bia B’estival tại khu vực Beer Plaza mới khai trương của Sun World Ba Na Hills, các nghệ sĩ châu Âu khiến khán giả không thể không cùng đứng dậy nhảy múa.
Melanie và 6 người bạn đến đây chỉ vì cây Cầu Vàng, nơi gần đây được nhắc đến trên hàng trăm tờ báo lớn khắp thế giới. Cuối cùng, họ quyết định ở lại chơi thêm một ngày trên đỉnh Bà Nà. “Có quá nhiều trải nghiệm, một ngày thôi chưa đủ. Mọi thứ rẻ và tuyệt vời, tôi không thể nghĩ đây là một công trình của người Việt làm nữa”, cô hào hứng.
***
Hai câu chuyện trên diễn ra ở cùng một địa điểm là núi Bà Nà của Đà Nẵng, nhưng cách nhau khoảng 10 năm.
Hơn mười năm trước, không chỉ riêng Bà Nà mà bản thân Đà Nẵng cũng gần như... không có điểm đến. Du lịch giải trí vẫn là một khái niệm hoàn toàn xa lạ.
“Đà Nẵng không có lăng tẩm, phố cổ, chỉ có biển thôi”, lái xe du lịch Trần Văn Dũng kể lại thời điểm 10 năm về trước. Những khách du lịch nội địa và quốc tế mà anh từng dẫn đều chỉ chọn Huế và Hội An làm điểm đến. Số ít khách du lịch chọn ngủ lại thành phố này, sau khi tắm biển họ cũng không có nhiều lựa chọn để giải trí ngoài đi thăm các chợ.
Con số 1 triệu khách du lịch Đà Nẵng trong năm 2007 được coi là kỷ lục khi ấy. Nhưng thực tế, số ngày lưu trú của khách còn quá thấp: 1,67 ngày đối với khách quốc tế, còn khách nội địa là 1,62. Chi tiêu bình quân của khách nội địa là 470.000 đồng/người/ngày, khách quốc tế là 50USD/người/ngày, chủ yếu tiêu vào dịch vụ lưu trú, đi lại và và ăn uống. Đà Nẵng không có gì khiến họ ở lại và mở hầu bao nhiều hơn. Đỉnh Bà Nà khi ấy hoang vu, dẫu rằng thành phố rất muốn làm một điều gì đó, để đưa nó trở lại thời kỳ thịnh vượng dưới thời Pháp thuộc.
Cuộc lột xác 420 ngày
Năm 2007, Sun Group khởi công xây dựng quần thể du lịch Sun World Ba Na Hills, với kinh phí đầu tư thuộc hàng “khủng” nhất Việt Nam lúc đó. Không mấy ai tin một Tập đoàn vừa chân ướt chân ráo về Việt Nam, với số nhân công eo hẹp, có thể làm nên điều gì đó cho Bà Nà. Trước đó, đã có quá nhiều doanh nghiệp muốn bỏ vốn đầu tư, nhưng khi thực hiện xong hành trình lên tới đỉnh Bà Nà, qua con đường mà quá nửa du khách trên chuyến xe của anh Dũng muốn từ bỏ, họ đã không quay trở lại.
Hành trình đưa Bà Nà trở lại thời hoàng kim của một thế kỷ trước không hề đơn giản. Gian khó những ngày đầu xây dựng đại công trình khiến những người trực tiếp tham gia như anh Võ Quý Tươi – giờ là Trưởng phòng hành chính nhân sự của khu du lịch- cũng thấy nản.
Con đường khiến các du khách Phú Yên trên xe của anh Dũng nản chí bỏ cuộc cũng chính là hành trình vận chuyển thủ công từng viên gạch, bao sỏi, phiến đá... lên độ cao hơn 1500m. “Không khác gì đội đá vá trời”, anh Tươi hồi tưởng.
“Ngày đầu tiên đi làm, thực sự sốc vì căn phòng làm việc 10m2 hôi hám, đầy côn trùng, ngổn ngang máy móc, hồ sơ...”. Kết thúc ngày làm việc lúc 17 giờ chiều, 22 người cùng nín thở, leo lên chiếc xe 16 chỗ bắt đầu hành trình 2 tiếng về thành phố.
420 ngày đều đặn như vậy, và một khu vui chơi giải trí quy mô lớn nhất Việt Nam ra đời. Năm 2009, Đà Nẵng khai trương Sun World Ba Na Hills với công trình cáp treo đạt 4 Kỷ lục Guinness, mở ra một thập niên rực rỡ của loại hình du lịch giải trí ở thành phố sông Hàn và trên cả nước nói chung. Đường lên núi được mở rộng, trồng cây xanh và nhựa hóa. Anh Dũng giờ chỉ tốn chưa đầy một tiếng đồng hồ lái xe lên đỉnh núi. Không còn ai muốn bỏ dở hành trình giữa chừng, bởi ở cuối hành trình ấy là một Bà Nà rất khác, không còn hoang lạnh, chỉ có những điều bất ngờ thú vị chờ đón mỗi ngày, mỗi mùa.
Năm 2012, số lượt khách đến khu du lịch là 761,6 nghìn lượt. Bốn năm sau, năm 2016, khách du lịch đến Bà Nà đã cán mốc 2 triệu lượt. Và dấu mốc này được rút ngắn lại, chỉ nửa đầu năm 2017, khu du lịch đã đạt mức kỷ lục của năm trước. Năm 2018, Sun World Ba Na Hills trở thành một “hiện tượng”, một điểm phải đến ở Đà Nẵng của nhiều du khách quốc tế, khi ra mắt Cầu Vàng – một trong những cây cầu đi bộ trên không đẹp nhất thế giới.
Không ngoa khi nói, Bà Nà Hills đã trở thành một trong nhiều cái cớ để khách du lịch ở lại và mở hầu bao nhiều hơn ở Đà Nẵng. Theo thống kê năm 2017, mỗi khách nội địa lưu trú trung bình 2,9 ngày ở Đà Nẵng và mỗi khách quốc tế khoảng 3,9 ngày. Mức chi tiêu trung bình tương ứng là 2,8 và 6,2 triệu đồng. Số ngày lưu trú của du khách đã tăng gần gấp đôi, và mức chi tiêu trung bình đã tăng gấp gần 6 lần đối với cả khách nội địa lẫn quốc tế, so với năm 2007.
Sau thành công của Bà Nà Hills, một đại lộ thênh thang mở ra cho những dự án vui chơi giải trí lớn tại Đà Nẵng như Sun World Danang Wonders, Helio Center, Cocobay... Từ chỗ gần như... không có điểm đến, giờ thì Đà Nẵng không chỉ dẫn đầu về du lịch nói chung mà còn là thành phố có nhiều điểm vui chơi giải trí đẳng cấp, hấp dẫn nhất cả nước.
Chứng kiến những đổi thay của Đà Nẵng, từ một Bà Nà Hills thôi, mới thấy, làm du lịch, muốn bứt phá thì phải nghĩ cách để du khách tiêu tiền, giải trí.
PV