Cấp 6 tỉ đồng chống hạn, để thất thoát đến 5,2 tỉ

Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa chỉ đạo cấp dưới thông đồng với nhiều doanh nghiệp lập khống hồ sơ, chống hạn… trên giấy, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của Nhà nước.

Ngày 12-4, một nguồn tin cho biết Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa đang điều tra mở rộng vụ án tham ô tài sản tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa, 100% vốn Nhà nước).

Trước đó, ngày 5-4, PC46 Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Hồng Hải, nguyên giám đốc công ty này, để điều tra về tội danh trên.

"Lập khống A đến Z"

Vụ tham ô tài sản tại Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa bước đầu lộ diện sau khi Sở Tài chính tiến hành thanh tra theo đơn thư tố cáo. Theo kết quả thanh tra này, trong hai năm 2014-2015, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa lập hồ sơ nạo vét, tu bổ, sửa chữa 24 công trình thủy lợi với tổng dự toán được duyệt hơn 6 tỉ đồng từ nguồn vốn chống hạn và được quyết toán tương đương số tiền này.

Tuy nhiên, trong số này chỉ duy nhất một công trình có thi công thực hiện chống hạn với chi phí 100% giá trị thanh quyết toán. Đó là lắp đặt trạm bơm dã chiến cấp nước sinh hoạt cho TP Cam Ranh với giá trị 182 triệu đồng. Còn lại có đến 10 công trình không hề thực hiện, 13 công trình chỉ làm 13% nhưng tất cả đều được quyết toán, thanh toán đủ. Trong 6 tỉ đồng mà ngân sách chi để thực hiện 24 công trình trên, có đến 5,2 tỉ đồng bị thất thoát.

 Hồ Suối Hành ở TP Cam Ranh, một công trình do Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa quản lý, bị hư hỏng nặng chỉ sau một thời gian sửa chữa. Ảnh: TL
Hồ Suối Hành ở TP Cam Ranh, một công trình do Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa quản lý, bị hư hỏng nặng chỉ sau một thời gian sửa chữa. Ảnh: TL)

Theo kết quả Thanh tra Sở Tài chính, để rút tiền ngân sách, ông Đỗ Hồng Hải đã chỉ đạo cấp dưới thông đồng với nhiều doanh nghiệp lập khống từ khâu khảo sát, lập thiết kế dự toán, phê duyệt thiết kế dự toán đến nghiệm thu, lập chứng từ, hồ sơ thanh toán. Nhiều công trình trên đều không có số liệu đo đạc cụ thể mà chỉ căn cứ vào mức vốn để tính toán, rồi dựa tài liệu cũ để vẽ thiết kế.

Hồ sơ thiết kế chủ yếu căn cứ vào chỉ đạo của giám đốc, phó giám đốc Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa với yêu cầu sao cho giá trị không vượt quá 300 triệu đồng - giới hạn thuộc thẩm quyền do công ty tự phê duyệt thiết kế, dự toán theo quy định của Bộ NN&PTNT. Chính vì thế, hầu hết thiết kế nạo vét các công trình thủy lợi đều giống nhau. Thậm chí có công trình đã không còn sử dụng từ năm 2011, không có nhu cầu tưới vẫn nạo vét chống hạn. Khi cơ quan chức năng đến thanh tra, giám đốc Đỗ Hồng Hải chỉ đạo cán bộ thiết kế, làm lại bảy hồ sơ để đối phó.

Để rút tiền chi phí thi công, ông Hải chỉ đạo kế toán làm giả hợp đồng lao động giữa giám đốc công ty với một người được phong là tổ trưởng phụ trách thi công. Sau đó, lập khống danh sách nhân công, bảng chấm công, thanh toán tiền lương nhân công, giả chữ ký nhận lương nhân công…

Mặt khác, kết luận thanh tra cho hay Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa thông đồng với một số doanh nghiệp lập khống hợp đồng thi công. Không ít công trình làm giả hồ sơ, tài liệu nghiệm thu. Các cán bộ ký biên bản nghiệm thu đều do giám đốc Đỗ Hồng Hải và một phó giám đốc yêu cầu.

Đụng chỗ nào là thấy “rút” chỗ đó

“Trong quá trình thanh tra tài chính tại Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa, hễ đoàn thanh tra đụng đến bất cứ lĩnh vực nào thì đều phát hiện họ bòn rút ở lĩnh vực ấy. Thứ gì họ cũng làm giả chứng từ để rút ruột ngân sách!” - một thành viên đoàn thanh tra nói với PV Pháp Luật TP.HCM như vậy. Theo kết luận thanh tra, chỉ riêng năm 2015, khi thực hiện sửa chữa thường xuyên 23 công trình với quyết toán hơn 1 tỉ đồng, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa đã thanh toán khống 280 triệu đồng.

Lợi dụng chủ trương hỗ trợ bơm dầu chống hạn, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa lập hồ sơ, chứng từ rút gần 1,2 tỉ đồng từ ngân sách. Trong đó, giá trị số dầu chống hạn thực tế chỉ 290 triệu đồng vì nhiều xã chỉ bơm nước bằng điện, không sử dụng máy bơm nước chạy bằng dầu. Chỉ riêng việc hỗ trợ bơm dầu chống hạn, cơ quan chức năng xác định ngân sách bị thất thoát gần 940 triệu đồng.

Đoàn thanh tra cũng phát hiện giám đốc Hải sử dụng xe công với thanh toán tiền xăng vô tội vạ. “Giám đốc Hải có chìa khóa xe riêng nên tự lái xe, muốn đi đâu thì đi. Sau những ngày giám đốc tự lái xe, tài xế của công ty ghi lệnh điều xe với nội dung đi công tác theo chỉ đạo của giám đốc để thanh toán tiền xăng xe mà giám đốc đã đi tất cả ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Chính vì thế, số tiền thanh toán xăng xe năm 2014 gấp ba lần, năm 2015 gấp bốn lần so với năm 2013” - vị thành viên đoàn thanh tra cho hay.

Nhiều cán bộ, doanh nghiệp thông đồng

Một điều tra viên cho biết cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vai trò đồng phạm của nhiều cán bộ, doanh nghiệp trong vụ án tham ô tài sản trên. Theo kết luận của Sở Tài chính, có năm doanh nghiệp đã tiếp tay để ông Đỗ Hồng Hải lập hồ sơ khống, thanh toán ngân sách nhà nước 4,5 tỉ đồng. Trong đó, ba doanh nghiệp ký hợp đồng, xuất hóa đơn khống thanh toán 3,5 tỉ đồng, gồm Công ty TNHH TMXD TKQ, Công ty TNHH MTV LP, Công ty TNHH VTTM LH. Hai doanh nghiệp đã cung cấp hóa đơn dầu cho ông Hải chuyển tiền thanh toán khống với ngân sách 856 triệu đồng gồm Công ty Xăng dầu PK, Công ty TNHH LB.

Cũng theo kết luận thanh tra, nhiều cán bộ Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa chịu trách nhiệm trực tiếp, liên đới trong vụ tham ô trên. Đó là hai phó giám đốc Công ty Ngô Mạnh, Đoàn Phi Dũng đã ký 27 biên bản kiểm tra hiện trường xác định nhu cầu, quy mô nạo vét, ký 26 biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành, ký hàng chục bảng chấm công, thanh toán tiền thuê nhân công khống của 18 công trình để rút ngân sách… Ngoài ra còn có sáu cán bộ khác tiếp tay, thông đồng với các sai phạm của ông Hải. Sau khi bị phát hiện sai phạm, ông Hải đã nộp lại ngân sách nhà nước hơn 6,3 tỉ đồng để khắc phục.

Theo Plo

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin