(Pháp lý) - Ngày 12/9, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi đại biểu nêu về những vụ tiêu cực trong thi cử của các tỉnh miền núi Phía Bắc, ông Lê Minh Trí (Viện trưởng VKS Tối cao) nêu thông tin “cơ quan điều tra, VKSND Tối cao dự kiến sẽ điều tra tội “đưa, nhận hối lộ”, đồng thời khởi tố bổ sung thêm 7 đối tượng, chứ không chỉ dừng lại ở mức như địa phương làm vừa qua”.
Điều đó cho thấy những hoài nghi, băn khoăn của dư luận đối với riêng những vụ tiêu cực ở các tỉnh miền núi phía Bắc là hoàn toàn có cơ sở. Vụ việc tưởng rằng bị “chìm” nhưng khi có sự lên tiếng của báo chí, có giám sát tối cao lại ngay lập tức chuyển biến khi ngày 13/9 Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố thêm nhiều cán bộ vi phạm ở Hòa Bình.
Nhiều bất cập khi địa phương tự điều tra…
Trong một bài viết trước đây, nhiều chuyên gia pháp lý trong trao đổi với phóng viên của Tạp chí Pháp lý đã cho rằng có dấu hiệu của tội đưa hối lộ, nhận hội lộ, môi giới hối lộ trong các vụ tiêu cực thi cử bị phát giác vừa qua. Và việc chỉ xem xét các vi phạm là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ thì có thể sẽ bỏ lọt tội phạm…
Các hành vi can thiệp, sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi đã gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục nói chung gây bất bình trong dư luận xã hội. Cần thiết phải được khởi tố, điều tra và xử lý thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trước khi có giám sát tối cao và điều tra của Bộ Công an thì Công an các địa phương chỉ khởi tố các cán bộ ngành giáo dục vi phạm với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Tại Hà Giang, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự để điều tra. Tại Sơn La, Thượng tá Lù Văn Lịch, Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La, đã ký quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự) để điều tra về việc nhiều bài thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La có dấu hiệu bị sửa điểm. Tại Hòa Bình, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 2 đối tượng là ông Nguyễn Khắc Tuấn và Đỗ Mạnh Tuấn đã bị bắt về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng nếu chỉ điều tra và truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thì e rằng sẽ bỏ lọt tội phạm. Việc xử lý theo tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” chỉ xử lý được chính cán bộ nâng điểm, mà bỏ lọt nhiều đối tượng khác.
BLHS quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là cấu thành tội nhận hối lộ. Đồng thời, Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ… là cấu thành tội đưa hối lộ.
Cụ thể, người thực hiện nâng điểm, sửa điểm là người có chức vụ, quyền hạn. Việc nâng điểm, chỉnh sửa điểm cho các thí sinh là có động cơ, mục đích rõ ràng. Có chọn lựa các thí sinh, hoặc là con em của các lãnh đạo tỉnh, những người qua thân quen, nhờ vả… Về mặt khách quan, không thể nói là không vì lợi ích mà tự nhiên nâng điểm. Như vậy là có yếu tố vụ lợi cho bản thân người nâng điểm và cho những người được nâng điểm. Bản thân người thực hiện hành vi cần bị xử lý, và những người có con em được nâng điểm cũng cần bị xử lý.
Theo quan điểm của Luật sư Bùi Đình Ứng thì cần điều tra các các phụ huynh, xem xét có các tin nhắn, cuộc gọi nhờ vả và những thỏa thuận và tiền bạc giữa các bên. Những người môi giới, dẫn dắt giữa người nhà phụ huynh và các cán bộ can thiệp điểm thi… Theo ông Bùi Đình Ứng thì có dấu hiệu của tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong trong các vụ án xảy ra ở 3 tỉnh trên.
Cần giám sát tối cao để “sửa lỗi” khi đấu tranh với tội phạm tham nhũng
Có nhiều quan diểm cho rằng, giám sát tối cao của Quốc hội không nên sa đà vào từng vụ việc cụ thể vì Quốc hội cần quan tâm đến những vấn đề tổng thể và lớn. Tuy nhiên người viết lại cho rằng, với những vụ việc cụ thể - nhất là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc nếu có việc bỏ lọt tội phạm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân đối với cơ quan pháp luật thì rất cần được giám sát tối cao. Giám sát tối cao và hoạt động điều tra từ cơ quan điều tra cấp trên sẽ khắc phục được những nể nang, né tránh của cơ quan địa phương khi đấu tranh với tội phạm tham nhũng.
Đối với vụ tiêu cực thi cử ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tháng 4/2019 Thủ tướng từng giao Bộ Công an vào cuộc xác minh những dấu hiệu tội phạm đưa, nhận, môi giới hối lộ như dư luận phản ánh. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kết quả phải được báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/5. Đến nay, đã quá thời hạn báo cáo từ rất lâu…
Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/9, đề cập đến vụ gian lận thi cử vừa qua, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, những người có trách nhiệm đã bị xử lý. Nhưng theo ông Bình, những người tham gia trong vụ việc này có “ba vai” là người hối lộ, người nhận hối lộ để làm hành vi đó và người thụ hưởng hành vi sai phạm đó.
“Chúng ta mới xử lý được những người có trách nhiệm làm sai. Còn những người đưa tiền có hay không cần phải làm rõ, bởi lẽ không thể chỉ vì chuyện tình cảm mà người ta lại dám làm như vậy”, ông Bình nêu.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, thực tế có nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, nếu để ở địa phương "thì có khi đến 1 – 2 nhiệm kỳ cũng không thể làm được". Thế nên các cơ quan đã thống nhất, nếu dưới không làm được thì chuyển lên trung ương. Thực tế cho thấy các vụ án mà Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo làm rất hiệu quả. Ông Trí nêu ví dụ điển hình, vụ gian lận thi cử ở Sơn La vào năm 2018, tỉnh chỉ điều tra ra tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Nhưng trung ương tính chuyển về, cơ quan điều tra, VKSND Tối cao dự kiến sẽ điều tra tội “đưa, nhận hối lộ”, đồng thời khởi tố bổ sung thêm 7 đối tượng, chứ không chỉ dừng lại ở mức như địa phương làm vừa qua.
“Trong thực tế, rất khó khăn để địa phương điều tra án tham nhũng thành công, hầu như không làm được. Vì ở dưới địa phương tham nhũng dính đến cán bộ, mà cán bộ không phải nhỏ, muốn điều tra buộc phải điều lên trung ương mới làm được. Với những vụ to, nếu không bắt đối tượng không bao giờ nhận, phải “cho vô” người ta mới nhận ”, ông Trí nhấn mạnh.
Dư luận đồng thuận và thấy tin tưởng nhiều hơn sau những thông báo, của phiên họp của Ủy ban thường vụ. Và ngay sau khi Quốc hội, công khai giám sát tại một phiên họp thì đã có những thông báo của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) về việc khởi tố bổ sung trong vụ việc ở Hòa Bình.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh từng nêu: Tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ nằm trong nhóm tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ và là nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, công chức, viên chức.
Theo lẽ thường có việc đưa thì ắt sẽ có việc nhận hối lộ, thế nhưng nhiều vụ rất lạ là các cơ quan tố tụng đã không tìm ra được người nhận hối lộ. Có vụ tiền hối lộ hiển hiện rõ nhưng đến lúc truy tìm người nhận thì lại không rõ như thể đó là đồng tiền từ trên trời rơi xuống.
Ngoài vụ tiêu cực thi cử trên, còn rất nhiều vụ việc khác gây băn khoăn vì những bất cập trong việc điều tra, xử lý các tội phạm chức vụ, nhất là tội đưa và nhận hối lộ trong nhiều vụ án tham nhũng. Điều đó cho thấy cần thiết có một cuộc giám sát chuyên đề của các Ủy ban của Quốc hội có chức trách về vấn đề này. Về mặt chính sách, giám sát chuyên đề về vấn đề điều tra, truy tố và xét xử tội đưa hối lộ, nhận hối lộ sẽ đưa ra những khuyến nghị, sửa đổi pháp luật cần thiết để đấu tranh với loại tội phạm này.
Phan Phan