“Một trong những điểm mới của Luật Ngân sách 2015 là từ năm 2017 sẽ cho phép chính quyền địa phương được bội chi ngân sách”, ông Hà – Trưởng Phòng Quản lý ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết.
Các địa phương được phép vay bội chi ngân sách
Tại buổi họp báo chuyên đề chiều 31.5 do Bộ Tài chính tổ chức, trước câu hỏi của phóng viên, về việc liệu có sự xung đột giữa Nghị định 52/2017/NĐ-CP và các Nghị định dự kiến sẽ ban hành về cơ chế đặc thù đối với việc vay lại vốn vay ODA đối của Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ?
Ông Hà – Trưởng Phòng Quản lý ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, việc các địa phương vay lại vay lại vốn vay ODA từ Chính phủ có mối liên hệ mật thiết với việc quản lý, điều hành ngân sách địa phương nói riêng. Song đồng thời, cũng liên quan trực tiếp tới hoạt động quản lý ngân sách quốc gia bao gồm cân đối thu chi ngân sách, kiểm soát nợ công của quốc gia.
“Luật Ngân sách 2015 đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ năm 2017. Tại điều 7 của Luật Ngân sách 2015 đã quy định rất rõ các nguyên tắc về cân đối cũng như bội chi ngân sách Nhà nước. Trong đó, một trong những điểm mới của Luật Ngân sách 2015 so với Luật Ngân sách 2002 là từ năm 2017 sẽ cho phép chính quyền địa phương được bội chi ngân sách.
Ngân sách địa phương cấp tỉnh được vay để bội chi ngân sách. Nguồn vay sẽ gồm vay trong nước bằng cách phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay các nguồn khác theo quy định pháp luật. Ngoài ra, một nguồn vay khác là vay nước ngoài từ nguồn vay Chính phủ cho chính quyền địa phương vay lại”, ông Hà nói.
Theo đó, hạn mức vay của chính quyền địa phương là hạn mức tổng thể, mang tính chất tối đa tại một thời điểm. Và khoản vay ODA, vay ưu đãi chỉ là một bộ phận cấu thành trong dư nợ hạn mức vay.
Cụ thể, với Hà Nội và TP.HCM, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp…
Ông Hà nói: “Câu chuyện ở đây là kiểm soát khả năng trả nợ nói chung của địa phương khi cho phép ngân sách địa phương được bội chi. Nghị định 52 chỉ điều chỉnh mối quan hệ và cơ cấu tỉ lệ được vay, được cấp phát của riêng nguồn vốn do Chính phủ vay về rồi cho địa phương vay lại chứ không điều chỉnh toàn bộ hạn mức dư nợ của địa phương. Vậy nên, tôi khẳng định không có mâu thuẫn hay sự chồng chéo giữa Nghị định 52 và Luật Ngân sách”.
Địa phương càng giàu, càng được vay nhiều
Lý giải vấn đề “Địa phương càng giàu, càng được vay nhiều”, như nâng mức dư nợ vay của Hà Nội và TP.HCM từ 60% lên 70%, từ 30% lên 40% với Đà Nẵng… Trong khi đó, các địa phương có tiềm lực kinh tế kém phát triển hơn lại không được vay nhiều. Dễ dẫn tới sự bất cập vì địa phương càng nghèo lại càng cần vay nhiều tiền, nhận nhiều ưu đã để phục vụ cho hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bà Nguyễn Xuân Thảo – Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) chia sẻ, mức vay của địa phương sẽ được xác định theo năng lực tài chính của địa phương. Địa phương có nguồn thu tốt hơn sẽ có năng lực vay nhiều hơn.
“Điều quan trọng nhất trong việc vay nợ là bảo đảm khả năng trả nợ và sự bền vững về tài chính”, bà Thảo nói.
Theo Danviet