Cùng tham gia BHXH với tỷ lệ đóng góp như nhau, nhưng khi về hưu, người lao động làm trong khu vực nhà nước sẽ được tính bình quân lương cao hơn so với người lao động làm ngoài khu vực nhà nước
Theo Điều 62, Luật BHXH 2014, người lao động (NLĐ) đóng BHXH theo mức lương của người sử dụng lao động quy định (khu vực ngoài nhà nước), khi nghỉ hưu mức lương sẽ bằng mức bình quân tiền lương tháng của toàn bộ quá trình tham gia BHXH.
Lương hưu phụ thuộc thời điểm đóng BHXH
Trong khi đó, NLĐ đóng BHXH theo mức lương do nhà nước quy định (khu vực nhà nước) khi nghỉ hưu mức lương được tính theo lộ trình, cụ thể: Người tham gia BHXH trước 1-1-1995, lương hưu bằng mức bình quân lương đóng BHXH 4 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH từ 1-1-1995 tới 31-12-2000 tính bình quân lương đóng BHXH 6 năm cuối trước nghỉ hưu; tham gia BHXH từ 1-1-2001 tới 31-12-2006 tính bình quân lương đóng BHXH 8 năm cuối trước nghỉ hưu.
Người tham gia BHXH từ 1-1-2007 tới 31-12-2015 tính bình quân lương đóng BHXH 10 năm cuối trước nghỉ hưu còn người tham gia BHXH từ 1-1-2016 tới 31-12-2019 tính bình quân lương đóng BHXH 15 năm cuối trước nghỉ hưu. Những người tham gia BHXH từ 1-1-2020 tới 31-12-2024 tính bình quân lương đóng BHXH 20 năm cuối trước nghỉ hưu trong khi tham gia BHXH từ 1-1-2025 trở đi tính bình quân lương đóng BHXH của toàn bộ quá trình tham gia.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, đang có sự bất bình đẳng về tính lương hưu giữa NLĐ khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Trong khi người làm trong khu vực nhà nước được tính lương hưu bằng mức bình quân lương những năm cuối nên có lợi hơn, vì lương tăng theo thâm niên, làm lâu lương càng cao. Còn NLĐ khu vực ngoài nhà nước tính lương hưu bình quân cả quá trình, nên mức đóng sao sau này hưởng lương vậy. “Như vậy rõ ràng chưa có sự bình đẳng về tính lương hưu giữa 2 khu vực, khu vực nhà nước đang có lợi hơn, lương hưu cao hơn”, ông Quảng nói. Bất cập này khi góp ý xây dựng Luật BHXH năm 2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có ý kiến nhưng không được thay đổi. Theo ông Quảng, những bật cập này cũng ảnh hưởng tới tâm lý NLĐ tham gia BHXH, và cản trở việc khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia BHXH. “Khu vực có thể mở rộng thêm người tham gia BHXH là khu vực ngoài nhà nước, nhưng họ lại không được đối xử công bằng”, ông Quảng nói.
Buộc phải chấp nhận?
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện sự khác biệt về tính lương hưu chủ yếu giữa khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Còn NLĐ làm trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều có chính sách lương hưu như nhau. “Điều này buộc phải chấp nhận vì cơ quan hành chính nhà nước không nước nào xem là khu vực thuộc thị trường lao động. Do nhà nước định ra cơ chế tuyển dụng, áp đặt mức lương, định kỳ tăng lương, không phải đàm phán giữa NLĐ và người sử dụng lao động như doanh nghiệp. Dẫn tới lương cơ sở áp cho khu vực nhà nước thấp hơn lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp. Do có khác biệt nên phải có cách tính lương hưu khác nhau”, ông Diệp nói.
Ngoài ra, theo người phụ trách BHXH của Bộ LĐ-TB-XH, trước năm 1995, NLĐ bất kể hình thức nào đều làm trong khu vực nhà nước (cơ quan hành chính hoặc doanh nghiệp nhà nước). Do đó, cơ chế tiền lương, đóng BHXH do nhà nước thực hiện, chưa có sự tham gia của NLĐ, doanh nghiệp vào quá trình này. Nhưng khi có thay đổi, nên phải chấp nhận có sự khác biệt.
Cả nước có khoảng 54 triệu lao động, nhưng mới có 13 triệu người tham gia BHXH (chiếm khoảng 24% lực lượng lao động), trong đó có khoảng 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2020, khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Tuy vậy, người hưởng chế độ BHXH một lần tương đương người tham gia mới, giai đoạn 2007-2016 có gần 5 triệu người ra khỏi hệ thống BHXH.
Theo Báo Tiền Phong