Báo chí cách mạng Việt Nam 92 năm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(Pháp lý) - Với tầm nhìn xa, trông rộng, với đạo đức trong sáng, phong cách sống và làm việc khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương ngời sáng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta và làm theo. Ở lĩnh vực báo chí đương đại, Người được suy tôn là Nhà báo số 1 của làng báo cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 92 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017), xin được trao đổi đôi điều suy nghĩ về báo chí cách mạng Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

[caption id="attachment_166803" align="aligncenter" width="569"] Hội thảo “Báo chí 30 năm đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
Hội thảo “Báo chí 30 năm đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”[/caption]

Ngày 21/6/1925, báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chủ trì xuất bản số đầu tiên. Kể từ đó, ngày 21/6 hàng năm đã trở thành “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”.

Khi nói về nghề viết báo, Hồ Chí Minh cho rằng: “... Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra sức rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem ?

Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”

[caption id="attachment_166804" align="alignleft" width="211"] Bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, số 120, ngày 15/10/1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, số 120, ngày 15/10/1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh[/caption]

Sự chỉ bảo mộc mạc, ngắn gọn, ân cần và dễ hiểu của Bác cũng là sự căn dặn thấu tình, đạt lý của “Anh cả” dành cho những người làm báo cách mạng nước nhà.

Có thể nói, bài báo “Dân vận” viết ngày 15/10/1949 là một trong những bài báo tiêu biểu của Người khi nói về vai trò của quần chúng nhân dân. Khi học tập lại bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, thì thấy vai trò của nhân dân được khẳng định rõ nét hơn, đề cao hơn, nhận diện một cách đầy đủ hơn. Theo đó, mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa chính quyền với dân được gắn bó mật thiết hơn, “ý Đảng – lòng dân” không còn chỉ là những câu chuyện trên văn bản giấy tờ hay trong lời nói, mà nó đã biến thành một sức mạnh vật chất to lớn, mạnh mẽ, đáp ứng được đòi hỏi của thời đại cách mạng mới và sự kỳ vọng, mong mỏi chính đáng của nhân dân.

Hồ Chí Minh từng căn dặn những người làm báo rằng: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”. Đây cũng chính là cơ sở chính trị vững chắc để chúng ta đoàn kết, cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức cực kỳ khó khăn trong thời gian qua, cũng như sẵn sàng đón nhận những thách thức mới của thời kỳ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, trong thời gian gần đây, báo chí nước ta tiếp tục phanh phui, đưa ra ánh sáng pháp luật những đại án tham nhũng, gây thất thoát rất nghiêm trọng cho nền kinh tế nước nhà. Những vụ việc tiêu cực dính líu đến cán bộ, kể cả cán bộ ở cấp thượng tầng nay đã được báo chí nêu đích danh. Không như trước đây, chỉ dám nêu ông Y, đồng chí X... một cách dè dặt, vô hình trung tạo nên bức xúc cho dư luận, bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong những tình cảnh đất nước khó khăn, thì nhân dân cần lắm sự định hướng của Trung ương, của báo chí để ổn định dư luận. Khi cần thì báo chí phải vào cuộc ngay, nhanh chóng phân tích, đưa ra những nhận định, đánh giá đúng sự thật một cách khoa học, chính xác và sát với thực tiễn, khách quan, giải đáp, thông tin để người dân hiểu.

Báo cáo Chính trị do Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) trình tại Đại hội lần thứ XII của Đảng ta thông qua có đoạn: “... Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, phục vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên...”

Trong tình hình hiện nay, công tác thông tin truyền thông về chính sách, pháp luật, quản lý, điều hành và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền còn có những hạn chế. Ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu.... Làm thế nào để sớm khắc phục được những hạn chế, yếu kém này, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta ? Đây là câu hỏi đặt ra từ thực tiễn, mà những người làm báo cũng cần có trách nhiệm trả lời để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cùng các Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ai cũng rõ, báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng để làm công tác tư tưởng và là công cụ để thực hiện chuyên chính vô sản, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và diễn đàn thuận lợi hữu ích của các tầng lớp nhân dân. Báo chí có chức năng thông tin tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân và các thành phần kinh tế. Góp phần phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong cộng đồng, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, kiên quyết loại bỏ những quan điểm, hành vi sai trái.

Và nhìn thẳng vào sự thật thì chặng đường 92 năm đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo, quan tâm dìu dắt của Bác Hồ và Đảng ta, báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn ngàn gian lao, thử thách để đi đúng hướng, đúng tôn chỉ, mục đích, góp phần to lớn vào sự nghiệp đánh đuổi thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giải phóng nhân dân thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đem lại độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng và hạnh phúc cho nhân dân.

[caption id="attachment_166805" align="aligncenter" width="629"] Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện (ảnh minh họa)
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện (ảnh minh họa)[/caption]

Xin được trao đổi đôi điều nhân Kỷ niệm 92 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017), với hy vọng nền báo chí cách mạng nước ta tiếp tục có bước phát triển tốt đẹp trong giai đoạn cách mạng mới, với một đội ngũ những người làm báo chân chính quyết tâm thực hiện tốt Luật Báo chí (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và 10 Điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, thiết thực phục vụ đắc lực cho thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cùng các Nghị quyết, Kết luận tại các Hội nghị Trung ương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Mai Mộng Tưởng
(Nguyên Phó Trưởng Ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin