Bàn về chế định miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015

03/04/2023 13:50

(Pháp Lý) - Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định đầy đủ các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trong quá trình vận dụng vào thực tiễn vẫn còn những quan điểm, cách hiểu khác nhau. Tạp chí điện tử Pháp lý trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu của Thạc sĩ Lê Đình Nghĩa (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5) về một số nội dung và điều kiện áp dụng miễn trách nhiệm hình sự được quy định trong Điều 29 BLHS năm 2015. Qua đó, chỉ ra những vướng mắc và có một số kiến nghị.

Vướng mắc khi thực thi Điều 29 BLHS

Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) mở rộng phạm vi miễn TNHS, quy định như sau:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Tại Điều 29 BLHS năm 2015 quy định hai trường hợp người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc và một số trường hợp có tính chất tùy nghi người phạm tội có thế được miễn trách nhiệm hình sự, sau đây tác giả xem xét lần lượt từng nội dung cụ thể:

Thứ nhất, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc được áp dụng cho tất cả các loại tội phạm được quy định tại Điều 9 BLHS khi có đủ căn cứ pháp lý. Căn cứ để xác định do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước bằng văn bản có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này phải có tính pháp quy.

Tuy nhiên, nội dung này cũng có một số quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng sự thay đổi chính sách là sự thay đổi về chính sách hình sự. Quan điểm thứ hai lại cho rằng sự thay đổi chính sách là sự thay đổi về chính sách kinh tế, chính sách xã hội làm cho hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội.

Tác giả cho rằng sự thay đổi chính sách để được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là sự thay đổi về chính sách hình sự. Ví dụ: Do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid 19, lập các chốt kiểm dịch, bắt buộc tất cả người dân phải chấp hành các biện pháp để phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc, cách ly tập trung, cách ly tại nhà…những hành vi chống đối như không chấp hành việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang khi đi qua các chốt kiểm dịch, không chấp hành cách ly tập trung. Những hành vi này trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 bùng phát sẽ bị xem là tội phạm và đều có thể bị xử lý, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng bị xử lý hình sự, tuy nhiên khi hết dịch bệnh những hành vi như không đeo khẩu trang, không chấp hành việc đo thân nhiệt, không chấp hành cách ly tập trung lại không bị xem là tội phạm, không bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, có sự thay đổi chính sách, pháp luật để được miễn trách nhiệm hình sự ở đây phải được hiểu là sự thay đổi chính sách, pháp luật hình sự, không phải là sự thay đổi chính sách xã hội, chính sách kinh tế.

Thứ hai, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.

Đây cũng là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc. Theo quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định đại xá (Khoản 11 Điều 70 Hiến pháp năm 2013). Cơ sở để Quốc hội ban hành quyết định đại xá nhân dịp có những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Văn bản đại xá do Quốc hội ban hành có hiệu lực đối với tất cả những hành vi phạm tội đã xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có tiền án.

Thứ ba, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính tùy nghi, không có tính chất bắt buộc, vì vậy có những quan điểm khác nhau khi áp dụng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi phạm tội họ là người nguy hiểm cho xã hội nhưng sau đó họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội thì được coi là do có sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Như vậy, theo quan điểm này thì chuyển biến tình hình ở đây chính là sự biến đổi cá nhân của người phạm tội chứ không phải chuyển biến của tình hình xã hội.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng cách hiểu như trên là không đúng, vì sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa không phải xem xét chuyển biến về ý thức của người phạm tội, mà phải hiểu rằng bản thân người phạm tội không có sự biến đổi nào, khi phạm tội họ là người như thế nào thì bây giờ họ vẫn như vậy. Nhưng do tình hình xã hội thay đổi nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội. Nguyên nhân họ không còn nguy hiểm cho xã hội chính là do tình hình thay đổi chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ. Chính do không nắm chắc yếu tố này nên trong thực tiễn có người lầm tưởng sự nỗ lực của bản thân người phạm tội nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ, hiểu và làm như thế là không đúng.

Thứ tư, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự do người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Đây là một điểm mới thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam. Người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc các bệnh dễ dẫn đến tử vong, bệnh hiểm nghèo do Hội đồng giám định y khoa xác định. Nếu người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ vẫn còn nguy hiểm cho xã hội thì họ không được miễn trách nhiệm hình sự. Việc đánh giá một người không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải căn cứ vào nhiều yếu tố, phải khách quan toàn diện và hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính tùy nghi, vì vậy có những quan điểm khác nhau khi áp dụng.

Có ý kiến cho rằng người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dù ở giai đoạn nào cũng được miễn trách nhiệm hình sự vì đã mắc bệnh hiểm nghèo thì hành vi phạm tội của họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Ý kiến khác lại cho rằng người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo nhưng phải ở giai đoạn cuối của bệnh, ví dụ: Nguyễn Văn A phạm tội ‘‘Trộm cắp tài sản’’ theo khoản 1 Điều 173 BLHS, A bị mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối hoặc Trần Văn B phạm tội ‘‘Cướp tài sản’’ theo khoản 1 Điều 168 BLHS và B bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Trong trường này Nguyễn Văn A và Trần Văn B do mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối nên hành vi phạm tội của A và B không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, vì vậy A và B được miễn trách nhiệm hình sự.

Tác giả cho rằng cách hiểu thứ hai phù hợp hơn, bởi vì dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng ở giai đoạn đầu của bệnh, người phạm tội sức khỏe vẫn còn tốt, vì vậy hành vi phạm tội của họ vẫn chưa hết nguy hiểm cho xã hội, họ vẫn còn có thể có hành vi khác gây nguy hiểm cho xã hội. Khi người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối, sức khỏe của họ đã suy kiệt đến mức không thể có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nữa nên mới miễn trách nhiệm hình sự, qua đó thể hiện chính sách hình sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Thứ năm, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự vì trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Trong trường hợp này người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau: Người phạm tội tự thú là đã đến cơ quan có thẩm quyền khai báo hành vi phạm tội của mình khi chưa bị phát hiện; khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm tức là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi của đồng phạm, không giấu giếm bất kỳ một tình tiết nào; người phạm tội cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như trả lại tài sản đã chiếm đoạt, thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản…; lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận, đây là trường hợp người phạm tội đã có hành động giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình trạng hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, cá nhân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thừa nhận.

Trong trường hợp này gặp một số vướng mắc khó khăn như: Việc lập công như thế nào được xác định là lập công lớn. Cống hiến như thế nào là cống hiến đặc biệt. Những nội dung này chưa có văn bản nào hướng dẫn. Việc được xã hội thừa nhận là một việc rất khó khăn, ai chứng minh cho điều này. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự không có tính bắt buộc, chỉ mang tính tùy nghi, vì vậy có những quan điểm khác nhau khi áp dụng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng chỉ cần người phạm tội “Có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận” là đã đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự. Quan điểm thứ hai lại cho rằng để được miễn trách nhiệm hình sự người phạm tội ngoài điều kiện “Có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận” phải cần có thêm điều kiện “Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm” thì mới được miễn trách nhiệm hình sự. Tác giả cho rằng quy định miễn trách nhiệm hình sự này quy định 3 trường hợp khác nhau để có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội đó là trường hợp thứ nhất ‘‘trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm’’; trường hợp thứ hai người phạm tội lập công lớn; trường hợp thứ ba người phạm tội có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Nếu rơi vào một trong ba trường hợp này người phạm tội sẽ được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Thứ sáu, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp này người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau: Thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù đến 03 năm hoặc tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 07 năm tù, do lỗi vô ý; gây ra hậu quả là làm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác; tự nguyện hòa giải và người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong thực tiễn không phải cứ có đủ các điều kiện nêu trên thì người thực hiện tội phạm được miễn trách nhiệm hình sự, mà tùy từng trường hợp, từng vụ án cụ thể người tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào nhân thân, tiền án, tiền sự, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, loại tội cụ thể…để xem xét miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Quy định này hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn có những cách hiểu, vận dụng khác nhau.

Miễn trách nhiệm hình sự thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với hành vi do người phạm tội thực hiện. Đồng thời qua đó nhằm động viên, khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, giải quyết tốt vấn đề trách nhiệm hình sự và áp dụng đúng đắn các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự sẽ tạo cơ sở pháp lý tốt cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Một số kiến nghị

Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định đầy đủ các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn bộc lộ nhiều vướng mắc, khó khăn như: Hiểu thế nào là sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Thế nào là chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn nào được xem là không còn nguy hiểm cho xã hội; Việc lập công như thế nào được xác định là lập công lớn. Cống hiến như thế nào là cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội công nhận?

Do đó, Tòa án nhân dân Tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng chế định về miễn trách nhiệm hình sự một cách chính xác, thống nhất giúp cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán…) nhận thức đầy đủ, đúng đắn, thống nhất về căn cứ, điều kiện áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, để ra các quyết định áp dụng hay không áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội chính xác, để không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thạc sĩ Lê Đình Nghĩa

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Bạn đang đọc bài viết "Bàn về chế định miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin