Bán rẻ đất công cho Quốc Cường Gia Lai và sự lạm quyền

08/05/2018 12:10

Trao đổi với “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt nhân sự việc bán rẻ 32 ha đất công cho Quốc Cường Gia Lai của nhà Cường đô la và ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM bị yêu cầu kiểm điểm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng sự lạm dụng quyền lực nhằm làm lợi cho nhóm lợi ích cần phải được xử lý.

Ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM bị yêu cầu kiểm điểm vì đã chấp nhận chủ trương bán 32 ha đất công giá rẻ cho Quốc Cường Gia Lai (Ảnh: IT)
Ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM bị yêu cầu kiểm điểm vì đã chấp nhận chủ trương bán 32 ha đất công giá rẻ cho Quốc Cường Gia Lai (Ảnh: IT))

Chiều 6.5, kết luận về việc Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán hơn 320.000 m2 đất tại huyện Nhà Bè cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai của nhà Cường đô la, Ban thường vụ Thành ủy TP HCM cho rằng, Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang đã chấp nhận chủ trương chuyển nhượng không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định. Ông Tất Thành Cang cũng bị cho là không báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định, khiến việc chuyển nhượng đất có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ Thành phố. Theo đó, Ban thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã yêu cầu kiểm điểm đối với ông Tất Thành Cang.

Mặc dù là cuối tuần, nhưng Ban thường vụ Thành ủy TPHCM đã họp xem xét trách nhiệm của ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thanh ủy vì "có trách nhiệm liên quan" tới việc chấp nhận chủ trương chuyển nhượng 32 ha đất công không đúng thẩm quyền cho Quốc Cường Gia Lai. Ông có bình luận gì về động thái này?

Tôi rất đồng tình việc Thường vụ thành ủy TP.HCM ra nghị quyết yêu cầu ông Tất Thành Cang, kiểm điểm về việc ký cho bán lô đất của Thành ủy với giá quá thấp, đồng thời, đình chỉ công tác của Giám đốc Công ty Tân Thuận.

Đây là vấn đề mà người dân và nhiều đảng viên rất quan tâm, chờ đợi câu trả lời. Đã có nhiều câu hỏi được nêu ra: Tại sao cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mua cái gì cũng đắt nhưng bán cái gì cũng rẻ? Tại sao doanh nghiệp nhà nước được ưu ái từ vị trí "chủ đạo" của nền kinh tế quốc dân, được bảo trợ, bảo lãnh từ dự án đến vay vốn... mà làm ăn thua lỗ nặng, còn ngược lại, các doanh nghiệp tư nhân vẫn thường bị coi là "con nuôi" của nền kinh tế, bị o ép, bị gây khó dễ trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phải dành nguồn lực để "bôi trơn", nhưng họ vẫn trỗi dậy làm ăn có lợi nhuận, vẫn phát triển?

Chúng ta đã và đang cố gắng triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm làm giàu cho đất nước, mưu cầu no ấm, hạnh phúc cho người dân. Bên cạnh những đảng viên, cán bộ, công chức hết lòng vì công việc, vì đảng, vì dân vẫn còn nhiều cán bộ thờ ơ, vô cảm với công việc nhưng vô cùng "xuất sắc" trong việc tạo bè, kết cánh nhằm giành giật chức tước, tài sản, để "vùng vẫy" trên tiền bạc, tìm mọi cách “sung đời này, sướng đời sau”.

Người cán bộ tốt phải là người "đa tài", "đa tình", "đa hướng"... có nghĩa là sẵn sàng lao vào công việc với tất cả tình cảm, trí tuệ, biết chia sẻ, yêu thương đồng loại, đồng bào, đồng chí. Nếu chỉ chăm chăm kiếm chác, đẽo gọt cho đầy "túi tham" rồi "bo bo" giữ của cho "muôn đời sau" thì thật chẳng đáng mặt anh hào, xét cho cùng, nói một cách không oan ức - chỉ là người ích kỷ, hại nhân mà thôi.

Những vụ mua bán tài sản công như Mobifone mua AVG, Vũ Nhôm - Út Trọc thâu tóm đất công Đà Nẵng, rồi mới đây là vụ Tân Thuận – Quốc Cường Gia Lai… xảy ra gần đây gây bức xúc trong dư luận. Theo ông, vì sao những việc này lại có thể diễn ra trong một thời gian dài mà không hề được ngăn chặn?

Có nhiều ý kiến từ người dân, cử tri cho rằng những sự việc này có nguồn gốc từ "lợi ích nhóm" hay "lợi ích có tính tập đoàn".

Người ta nói rất nhiều đến những “tổ chức”, “tập đoàn” quyền lực. Những “tổ chức”, “tập đoàn” này có sự "bảo hộ" đặc biệt, hưởng sự "đặc cách" về nhiều mặt. Nguy hại hơn có những cá nhân, tổ chức được trao vỏ bọc như áo giáp quyền lực.

 

 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: IT)
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: IT))

Có nhiều cán bộ tâm huyết, người dân bức xúc đã đấu tranh, tố giác không biết mệt mỏi nhưng cuối cùng cũng dần buông xuôi mặc kệ đến đâu thì đến. Bởi vì họ biết, nếu nói ra sợ sứt mẻ tâm can...

Có người nói, sợ nhất trên đời là "mộng du quyền lực". Bởi cái trạng thái nửa tỉnh, nửa mê của kẻ nắm quyền lực sẽ cho họ đặc quyền "tư hữu hóa" và sử dụng tùy tiện thanh gươm quyền lực, chỉ cần khua nhẹ là có thể khiến nhiều người phải khiếp sợ.

Sự "lạm quyền", biến tài sản công thành tài sản riêng của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay có phải bắt nguồn từ chính những kẽ hở pháp luật trong chính sách đất đai, thưa ông?

Một trong những nguyên nhân là ở hệ thống pháp luật và tư pháp. Pháp luật thiếu chặt chẽ lại được trao quyền thực thi cho một số cán bộ yếu kém phẩm chất, tham lam nên trong nhiều trường hợp đã tùy tiện quyết định từ chuyển đổi mục đích đến cấp dự án bất động sản, nhất là các dự án trên đất lúa "bờ xôi ruộng mật" đến cấp dự án trong đô thị.

Trên phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều ý kiến cho rằng hiện đang có sự cấu kết giữa chủ dự án với một số quan chức thoái hóa lý tưởng, thoái hóa đạo đức, tạo ra "dây" làm ăn, chia chác, ăn chơi. Những trường hợp này, khi có đơn thư khiếu nại lại cấu kết tìm cách xoa dịu dư luận.

Không chỉ khu vực dân sự, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh cũng bộc lộc nhiều tồn tại, cho thấy còn nhiều vấn đề cần quan tâm quyết liệt xử lý.

Vậy hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai cần phải được sửa đổi như thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Luật đất đai hiện nay về cơ bản đã quy định các quyền và nghĩa vụ của chủ các chủ thể. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung chưa bám sát chủ trương xây dựng "thị trường bất động sản", nhiều nơi, nhiều dự án vẫn còn sự can thiệp thái quá của chính quyền sở tại nhằm thu hồi đất của cá nhân, tổ chức.

Tính chất thỏa thuận, quyền tự định đoạt bị xâm hại nghiêm trọng, kể cả đất tư nhân lẫn đất của tập thể, nhà chung cư... Chiếc "khiên" quyền lực đã tạo thế che chắn cho các vi phạm lợi ích, dẫn đến tình trạng thu hồi đất trái nguyên tắc, phá dỡ nhà bất chấp điều kiện, hoàn cảnh, quyền lợi của người sở hữu nhà, tài sản trên đất, thu hồi đất với giá rẻ mạt để giao dự án "đánh màu" rồi bán giá đắt, thu lợi lớn.

Chính sách về đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sơ hở làm thất thoát vô cùng lớn tài sản, lợi ích của nhà nước vì không tính lợi thế đất đai doanh nghiệp nhà nước. Chính sách dồn điền, đổi thửa thiếu cơ chế dẫn đến khó triển khai, việc lấy hàng ngàn ha đất lúa màu mỡ làm doanh nghiệp, làm dự án nhà ở, không tính đến giá trị nhân văn lâu dài, giá trị kinh tế của quốc gia nông nghiệp , vì lọi ích trước mắt... Do đó, đặt ra vấn đề cần phải quy định được siết chặt để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của đất nước.

Theo nhận định của ông, kỳ họp Quốc hội tới đây, những vấn đề này liệu có làm "nóng' nghị trường?

Ở kỳ họp này, không chỉ vấn đề này, có thể còn nhiều nội dung khác cũng được quan tâm. Ví dụ như vấn đề chất lượng xây dựng pháp luật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vấn đề mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng, diện kê khai và cơ quan kiểm soát tài sản..

Xin cảm ơn ông!

Theo Danviet

Bạn đang đọc bài viết "Bán rẻ đất công cho Quốc Cường Gia Lai và sự lạm quyền" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin