Chiều 12/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã dự và phát biểu khai mạc Hội nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Cùng dự có đại diện tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đại diện Sở Tư pháp, các cơ quan nghiên cứu, truyền thông, báo chí, các hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Bắc, đại diện các Sở, ngành trên địa bàn TP Hà Nội và đại biểu một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp
Cần tăng ít nhất 2 bậc trong năm 2019
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã xây dựng Tài liệu hướng dẫn bước đầu các bộ, cơ quan, địa phương về nâng xếp hạng chỉ số B1 (chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật). Tài liệu hướng dẫn này cũng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Để tạo thuận lợi và giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần cải thiện chỉ số B1, cải thiện năng lực cạnh tranh theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) thì Thứ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo Thứ trưởng, mục đích tổ chức Hội nghị là nhằm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp: Chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý; chi phí không chính thức.
Từ đó, hướng đến mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2021 lên từ 5 – 10 bậc, trong đó năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc, góp phần nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Thứ trưởng mong Hội nghị cũng là diễn đàn để các chuyên gia, đại biểu trao đổi, thảo luận những thông tin liên quan, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã, đang và sẽ gặp phải trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật. Qua đây, cùng nhau trao đổi, đề xuất các giải pháp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn thực thi pháp luật của doanh nghiệp.
2 câu hỏi cần trả lời khi soạn thảo 1 quy định pháp luật
Trên cơ sở gợi mở của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Hội nghị đã tập trung giới thiệu, phổ biến, quán triệt về Tài liệu hướng các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp; lắng nghe các chuyên gia phân tích, đánh giá về việc nhận diện và phương thức cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp…
Giới thiệu Tài liệu hướng dẫn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật chia sẻ sâu hơn về mục tiêu thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Cụ thể là cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp; thông qua cải thiện chỉ số B1, các bộ, ngành, địa phương sẽ có điều kiện xem xét, đánh giá đúng thực trạng về các chi phí tuân thủ pháp luật hiện nay…
Ông Sơn cũng cho hay một số định hướng giải pháp cần thực hiện để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Các giải pháp đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật trên tinh thần hướng đến ngày càng giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.
Qua Hội nghị, ông Sơn đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan, địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời, chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp mới nâng xếp hạng chỉ số B1 về Bộ Tư pháp.
Nêu các chi phí có thể phát sinh từ quy định pháp luật, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu liệt kê 5 loại gồm chi phí thủ tục hành chính; chi phí đầu tư; phí và lệ phí; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức. Quan điểm của ông Hiếu là ủng hộ giảm gánh nặng chi phí tuân thủ theo nghĩa rộng, nghĩa là gồm cả 5 loại này, chứ không phải theo nghĩa hẹp là chỉ có 3 loại chi phí đầu tiên.
Ông Hiếu cho rằng, khi soạn thảo quy định pháp luật, các cơ quan nhà nước cần luôn tư duy rằng luật pháp rất đắt đỏ, một chữ viết ra có thể gây tốn kém hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Vì vậy để cắt giảm thì có hai câu hỏi cần trả lời: “Liệu có cách thức nào rẻ hơn mà vẫn đạt mục tiêu quản lý không?” và “Liệu có cách thực hiện nào nhanh hơn mà đỡ tốn kém hơn không?”
Chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, đại diện Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự khuyến nghị một số vấn đề cần chú trọng. Chẳng hạn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để loại bỏ các thủ tục, điều kiện không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng xây dựng các báo cáo đánh giá tác động đối với các chính sách đề xuất ban hành quy phạm pháp luật.
“Chính phủ, Bộ Tư pháp cần quyết liệt hơn nữa yêu cầu các cơ quan soạn thảo phải có những đánh giá tác động thực chất, có chất lượng để giúp cho công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo quy định pháp luật. Ngoài ra, các báo cáo rà soát, thẩm định, thẩm tra dự thảo cần phải chú ý tới các chi phí tuân thủ pháp luật tiềm ẩn trong các dự thảo như các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, thuế và các khoản có tính chất thuế, chi phí thời gian, chi phí cơ hội…” – vị đại diện Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự nói.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/tu-phap/ban-giai-phap-giam-ganh-nang-tuan-thu-phap-luat-cho-doanh-nghiep-447823.html