Vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay là phải có một chính sách công bằng với tất cả các DNNN. Không thể có chuyện bán đi những DNNN có lợi nhuận lớn nhất và giữ lại những DNNN làm ăn kém cỏi nhất.
[caption id="attachment_141390" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh hoạ[/caption]
Tiếng trống cải cách nền kinh tế Việt Nam đã được gióng lên từ những ngày đầu tháng Năm, khi cuộc gặp giữ thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp diễn ra vào cuối tháng Tư và Nghị quyết 35/2016 và 19/2016 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được ban hành.
Nhưng nền tảng chủ đạo cho quá trình cải cách đã được đặt ra khi Nghị quyết đại hội Đảng XII chính thức tuyên bố khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành trụ cột và là động lực tăng trưởng chủ đạo trong nền kinh tế.
Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển từ đặt trọng tâm vào khu vực kinh tế quốc doanh sang khu vực kinh tế tư nhân. Song song với quá trình thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân (DNTN) phát triển sẽ là quá trình thoái vốn và thu nhỏ quy mô hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, nếu chỉ mới bán và thoái vốn các DNNN như hiện nay, thì chưa thể gọi là tái cơ cấu khu vực kinh tế quốc doanh được.
Về cơ bản, quá trình cải cách nền kinh tế Việt Nam đã chính thức được chính phủ khởi động, khi các nghị quyết đặt trọng tâm vào hỗ trợ và thúc đẩy các DNTN trong nước đã được ban hành, các bộ ngành cũng đã vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn cho các DN.
Tuy nhiên, tiến trình cải cách này mới đang diễn ra được phân nửa mà thôi. Qúa trình cải cách nền kinh tế ở Việt Nam thời điểm hiện tại trên thực tế là một quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng quy mô lớn, từ nền kinh tế dựa chủ yếu vào khu vực quốc doanh (nắm giữ khoảng 70% nguồn vốn và gần 100% tài nguyên trong nền kinh tế) sang nền kinh tế lấy khu vực tư nhân làm chủ đạo.
Vì thế, cải cách kinh tế đồng nghĩa với hai quá trình diễn ra song song, một mặt là thúc đẩy và tăng cường nguồn lực cho khu vực DNTN, mặt khác là rút vốn và thu nhỏ quy mô hoạt động của các tập đoàn và DNNN để chuyển sang cho các DNTN. Nhưng, hiện nay xu hướng cải cách vẫn chỉ tập trung chủ yếu cho việc tháo gỡ khó khăn cho các DNTN mà thôi.
Đánh giá quá trình thoái vốn và cổ phần hóa các DNNN kể từ khi đề án này được chính thức diễn ra từ năm 2011 đến nay, thì phần lớn các mục tiêu đề ra đều đã thất bại. Theo báo cáo của Vụ đổi mới doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ, trong ba năm 2011-2013 tỷ lệ cổ phần hóa đạt thấp, chỉ đạt 99 doanh nghiệp. Còn trong hai năm 2014-2015 cũng chỉ mới cổ phần hóa được 353 doanh nghiệp, không đạt chỉ tiêu đề ra trong hai năm này là tổng cộng 400 doanh nghiệp.
Ngoài ra, Vụ Đổi mới doanh nghiệp cũng cho biết thêm, rằng dù tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt vốn nhà nước tại các công ty cổ phần đã được đẩy nhanh, nhưng số vốn của các tập đoàn và tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực như: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng vẫn còn tới 60% tổng số vốn.
Trong khi đó, chất lượng các dự án cổ phần hóa những DNNN đã được tiến hành cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Trước hết là tình trạng hầu hết các DNNN làm ăn hiệu quả đều đang được đề xuất bán đứt cho nhà đầu tư tư nhân (trong số đó có không ít các nhà đầu tư nước ngoài) trong khi các DNNN làm ăn thua lỗ thì lại chưa có biện pháp xử lý.
Kết quả là, trong khi các tên tuổi lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk, FPTvà hàng loạt các DNNN khác đang làm ăn hiệu quả đều đang trong diện sẽ bán hẳn cho các nhà đầu tư tư nhân, thì các DNNN làm ăn thua lỗ không những không có kế hoạch cổ phần hóa mà lại tiếp tục vòi vĩnh các gói hỗ trợ tài chính ngàn tỷ, điển hình là dự án xơ sợi Đình Vũ-Hải Phòng hơn 7.000 tỷ, dự án gang thép Thái Nguyễn TISCO đề xuất đội vốn đầu tư lên 8.000-9.000 tỷ, và còn dự án phân đạm Ninh Bình, các nhà máy ethanol, vv…vv
Nói cách khác, chúng ta đang có sự phân biệt đối xử một cách vô cùng nguy hiểm: trong khi bán đi những DNNN làm ăn có lãi nhất thì chúng ta lại đang có xu hướng giữ lại những DNNN làm ăn kém cỏi nhất và liên tục vòi vĩnh những khoản tiền khổng lồ. Hiểu đơn giản, chúng ta đang đuổi ra khỏi nhà những đứa con chăm chỉ nhất để lấy tiền cung phụng những đứa con nghiện ngập và lười biếng nhất.
Vì thế, vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay là phải có một chính sách công bằng với tất cả các DNNN. Không thể có chuyện bán đi những DNNN có lợi nhuận lớn nhất và giữ lại những DNNN làm ăn kém cỏi nhất. Đó là điều đi ngược lại với chính sách cổ phần hóa khu vực kinh tế quốc doanh.
Về lý thuyết, đúng là những DNNN làm ăn kém hiệu quả sẽ khó cổ phần hóa hơn các DN làm ăn hiệu quả, khi mức độ hấp dẫn với các nhà đầu tư là sút kém hơn nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta tiếp tục giữ lại và cung phụng những ông quý tử nghiện ngập và phá hoại nền kinh tế này.
Đó là chưa kể đến một thực tế rằng, thoái vốn, bán và cổ phần hóa các DNNN chưa phải là tái cơ cấu khu vực kinh tế quốc doanh. Kể cả khi đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành và cổ phần hóa các DNNN, thì sự ưu ái dành cho khu vực kinh tế quốc doanh vẫn còn rất lớn, nhất là khi cơ chế bộ chủ quản và cơ chế “xin-cho” cố hữu vẫn đang tồn tại mà chưa được dẹp bỏ.
Một khi chưa dẹp bỏ được hai cơ chế vốn là nguyên nhân của sự trì trệ của khu vực kinh tế quốc doanh, thì nguồn lực vẫn chưa thể tập trung và dồn vào khu vực kinh tế tư nhân mà Nghị quyết đại hội Đảng XII đã tuyên bố.
Vì thế, yêu cầu cấp thiết đặt ra để tiến hành tái cơ cấu khu vực kinh tế quốc doanh của Việt Nam hiện nay là, ngoài việc cắt đứt các ưu đãi về nguồn vốn, tài nguyên và các mối quan hệ mật thiết với các bộ ngành vốn là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ và kém hiệu quả của các DNNN, thì còn phải tiến hành cơ cấu lại bộ máy hoạt động của tất cả các DNNN vẫn được Nhà nước giữ lại, kể cả các DNNN thiết yếu nhất.
Sự buông lỏng quản lý và giám sát, cũng như cơ chế “xin-cho” và cơ chế bộ chủ quản đã biến các DNNN trở thành trung tâm của những vấn đề trọng yếu trong nền kinh tế như lãng phí, đầu tư kém hiệu quả, vv…vv vốn đang là một trong những nguyên nhân tạo ra khối nợ công khổng lồ mà Việt Nam đang phải gánh chịu. Chỉ khi nào cắt hết mối liên hệ giữa các DNNN với các nguồn lực vốn có hạn trong nền kinh tế Việt Nam để chuyển sang cho khu vực kinh tế tư nhân, thì khi đó quá trình cải cách nền kinh tế Việt Nam mới được coi là thành công.
Theo Motthegioi