Bản án về sự cố chạy thận ở Hòa Bình liệu có bị kháng nghị?

21/08/2019 06:57

(Pháp lý) - Viện Trang thiết bị và Công trình y tế đã dựng lại toàn bộ hiện trường hệ thống RO1 và RO2 để tiến hành thực nghiệm con đường đi của chất độc vào người 08 nạn nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Họ khẳng định các nạn nhân chết do nhiễm đa chất, khác với kết luận của cơ quan pháp y cho rằng nạn nạn nhân chết do nhiễm đơn chất… Liệu bản án phúc thẩm có bị kháng nghị để xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm?

Bộ Y tế cho rằng đã phát hiện ra tình tiết khoa học

Theo ông Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế - sau khi phân tích tỉ mỉ, các chuyên gia đã tìm ra tình tiết mới trong vụ tai biến chạy thận làm 8 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình hồi tháng 5/2017.

Viện Trang thiết bị và Công trình y tế đã dựng lại toàn bộ hiện trường hệ thống RO1 và RO2 bằng những gì còn lại để có thể tiến hành thực nghiệm con đường đi của chất độc vào người 08 nạn nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Trong buổi thực nghiệm, TS. Hải đã thực hiện tất cả các chuỗi hành động của Bùi Mạnh Quốc trong trang 6 của Kết luận điều tra; trang 6 của Cáo trạng và trang 12-13 của Bản án số 08/2019/HSST cùng với lời khai của Bùi Mạnh Quốc trước tòa sơ thẩm.

TS. Lê Thanh Hải và hệ thống lọc nước
TS. Lê Thanh Hải và hệ thống lọc nước)

TS. Lê Thanh Hải đã 03 gói thuốc tím thay cho Javen để tiệt trùng đường ống và chứng minh con đường đi của hóa chất vào người bệnh nhân có liên quan tới 03 van (K1; K2; K3) thuộc hệ thống RO1 bị hỏng đồng thời trên cùng một con đường là việc rất hy hữu. Do hệ thống RO1 hỏng 03 van nước đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo là nguyên nhân khiến 08 người bệnh tử vong.

Trong suốt quá trình xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong được xác định là do bị ngộ độc Florua trong quá trình làm sạch hệ thống. Tuy nhiên theo ông Hải, kết quả phân tích cho thấy hệ thống RO1 hỏng 3 van nước, đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo, đây mới là nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong.

Do đó, Bộ Y tế đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ đã phát hiện ra tình tiết khoa học có liên quan tới vụ án và tìm ra nguyên nhân tử vong của 8 nạn nhân chạy thận. Bộ Y tế cho rằng bản án phúc thẩm sự cố chạy thận tại Hòa Bình làm 8 người chết, tòa đã tuyên với tội danh cho các bị cáo "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là thiếu tính khách quan và thiếu khoa học.

Những “điểm vấp” trong hành trình tố tụng

Vụ án sự cố chạy thận tại Hòa Bình là một trong những vụ án nổi tiếng, được dư luận đặc biệt quan tâm, được các đại biểu Quốc hội lên tiếng, được Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thể hiện quan điểm về xét xử khách quan, đúng pháp luật khi trả lời báo chí.

Tuy nhiên, nhìn lại hành trình tố tụng vụ án này, có thể thấy có những “điểm vấp” cần được xem xét lại một cách khách quan và toàn diện hơn để làm sáng tỏ bản chất của vụ án, xác định đúng nguyên nhân gây tử vong cho các bệnh nhân để xác định đúng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thứ nhất, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/6/2019, đại diện Bộ Y tế là ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã đưa ra quan điểm, nguyên nhân chết của 08 nạn nhân chạy thận là do nhiễm đa chất, trong đó có HF. Con đường ô nhiễm là do nước dùng cho máy chạy thận từ hệ thống RO1 hỏng (3 van), đã mở thông con đường gây ô nhiễm đa chất là nguyên nhân gây sự cố y khoa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi ông Vũ Huy Quang nhắc tới 3 van hỏng trước tòa đã bị HĐXX ngắt lời và cho kết thúc phần trình bày quan điểm. Trong khi đó, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an chưa làm rõ được tử vong do ô nhiễm đơn chất hay đa chất; chưa luận giải được một số nội dung về các kết quả giám định mẫu nước, dung dịch, hóa chất đã thu giữ, quy trình và thực thi quy trình lấy mẫu... nhưng Hội đồng xét xử lại nhận định "Điều này bác bỏ hoàn toàn các lập luận, giả thiết mà Bộ Y tế nêu ra trong các văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng".

Thứ hai, Cơ quan Cảnh sát điều tra cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình dỡ bỏ vật chứng quan trọng của vụ án là hệ thống RO1, RO2 là sai với quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Theo quy định tại Điều 89, Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự thì vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm... Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng… và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về xử lý vật chứng "Việc xử lý vật chứng do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử…". Toàn bộ hệ thống lọc nước RO, máy chạy thận, các trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao trong đơn nguyên thận nhân tạo là các vật chứng của vụ án, trong đó có những vật chứng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, những vật chứng quan trọng đã không “hiện diện” trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Thứ ba, việc xác định trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương vì thế cũng không khách quan, đúng pháp luật.

Bác sĩ Hoàng Công Lương ký vào biên bản do phòng vật tư lập từ ngày 20/4/2017. Biên bản này chỉ có ý nghĩa ghi nhận tình trạng kỹ thuật ở thời điểm hiện tại (ngày 20/4), sau đó hệ thống RO này vẫn hoạt động cho đến ngày 28/5/2017 mới sửa chữa. Việc sửa chữa tiến hành vào ngày chủ nhật, bác sĩ Lương không có mặt, không buộc phải có mặt tại đó, không hề biết họ sửa chữa những gì, không biết quy trình thay thế, xét nghiệm mẫu nước như thế nào… Hơn nữa, nội dung sửa chữa này nằm trong hợp đồng được ký giữa Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Giám đốc Công ty Thiên Sơn. Bác sĩ Lương không có trách nhiệm và cũng không được biết nội dung của hợp đồng như thế nào.

Bác sĩ Hoàng Công Lương và hai bị cáo khác trong vụ án
Bác sĩ Hoàng Công Lương và hai bị cáo khác trong vụ án)

Vậy thực chất nguyên nhân dẫn đến hậu quả phần nhiều là do lỗi thiết bị và việc để các thiết bị kém chất lượng, hư hỏng như vậy lỗi thuộc về người quản lý hay thuộc về bác sĩ điều trị? Bác sĩ có trách nhiệm trong việc quản lý, sửa chữa trang thiết bị hay không?

Bác sĩ Lương đã thăm khám và cho ra y lệnh với 18 bệnh nhân là hoàn toàn đúng luật. Cáo buộc bác sĩ Hoàng Công Lương phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước và chỉ được ra y lệnh khi chắc chắn rằng nguồn nước đó phải đảm bảo an toàn là một cáo buộc chưa khách quan.

Liệu có bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm?

Viện Trang thiết bị và Công trình y tế dựng lại toàn bộ hiện trường hệ thống RO1 và RO2 bằng những gì còn lại để có thể tiến hành thực nghiệm con đường đi của chất độc vào người 08 nạn nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và đưa ra kết luận của mình là một sự cố gắng lớn. Tìm ra được nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân để ngăn ngừa những trường hợp tương tự trong hoạt động lọc máu, chạy thận; không làm oan sai hay bỏ lọt tội phạm trong giải quyết vụ án.

Do đó, kiến nghị của Bộ Y tế cần được TANDCC và VKSNDCC tại Hà Nội, cũng như TANDTC, VKSNDTC xem xét một cách khách quan, thận trọng nhưng khẩn trương.
Trong Công văn số 41/BYT-PC ngày 06/03/2019 của Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã nêu rất chi tiết các luận cứ khoa học liên quan đến tình trạng ngộ độc, các triệu chứng lâm sàng của người bệnh. Với những tài liệu và chứng cứ đã thu thập, đối chiếu với các diễn biến lâm sàng khi cấp cứu thì cả 8 nạn nhân đều tử vong do nhiễm đa chất. Tuy nhiên, những nhận định đó lại ngược lại với kết luận của cơ quan giám định pháp y, cho rằng các bệnh nhân chết do nhiễm đơn chất.

Viện Trang thiết bị và Công trình y tế đã mất nhiều công sức đi thu gom lại toàn bộ hiện trường hệ thống RO1 và RO2 đã được bán phế liệu để phục hồi và tiến hành thực nghiệm. Trên cơ sở này, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể thực nghiệm điều tra, giám định lại để tìm ra nguyên nhân chết người do nhiễm đa chất hay đơn chất nhằm đến một quyết định khách quan và khoa học.

Kết quả giám định dấu vết, vật chứng là bằng chứng khoa học duy nhất giúp cơ quan điều tra có định hướng đúng đắn khi phá án cũng như củng cố chặt chẽ nguồn chứng cứ, truy nguyên thủ phạm… Do đó, kỹ thuật hình sự được coi là “chìa khóa vàng” cho việc giải quyết các vụ án.

Tuy nhiên, một vấn đề không thể không nói đến, đó chính là tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật và tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh của những người tiến hành tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu những nguyên tắc đó không được tôn trọng thì những kết quả thực nghiệm, giám định cũng khó được sử dụng đúng mức để có được bản án khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.

Dư luận đang chờ quyết định từ phía người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án được dư luận quan tâm này.

    Minh Khôi

 

Bạn đang đọc bài viết "Bản án về sự cố chạy thận ở Hòa Bình liệu có bị kháng nghị?" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin