Ánh lửa chiều đông

12/02/2016 03:34

Đầu tiên là nhìn thấy những mớ củi. Trên vỉa hè, sẽ có những khúc củi khô kín đáo nép dưới những gốc cây. Củi đây là từ những đợt tỉa cành của cánh môi trường đô thị dọn dẹp vào cuối năm dương lịch mà cư dân sở tại “thó” được. Nhà chức trách thường làm ngơ đi, mất gì đâu, thậm chí còn được, đỡ phải hốt lên xe đưa ra bãi rác, quá tiện!

Những góc công viên cũng thấy những mớ củi lén lút như vậy. Ở đây củi nhiều nguồn hơn, nhìn qua đủ biết, cả những mảnh gỗ cốp pha người sửa nhà thải ra. Những mớ củi như là vô chủ nhưng thực ra chủ của chúng cũng quanh chung cư đây thôi. Rồi chúng sẽ được mang đi vào lúc nào đó không ai biết. Để chi? Xa thời bao cấp rồi, củi không còn để nấu cám cho “dây chuyền” sản xuất heo thịt trên ban công nhà nữa. Chắc chắn củi này sẽ lộ ra khi người ta bắt mấy viên gạch ở chỗ công cộng nào đó thuận tiện để nấu bánh chưng hay bánh tét.

55
Có thể hình dung các mẹ các chị ở thôn quê đã chuẩn bị củi như thế nào trong góc vườn. Hễ có chút vườn là có củi, những cành nhánh cây lưu niên gãy rụng được để dành. Cành nhãn, cành mít, cành hồng xiêm, cả những gộc tre già vô tích sự. Củi của người Bắc nhìn thấy cả sự dành dụm, chắt lót muôn thuở của người nông dân đất chật người đông, khó khổ. Ở miền Nam củi tha hồ nhiều, nhìn đâu cũng thấy cây và củi, vì vậy củi của họ được cưa thành khúc hẳn hoi và bằng ngăn ngắt.

Không có thời điểm nào mà cả nước như cử hành một việc như lúc chuẩn bị nổi lửa cho bánh chưng hay bánh tét. Hầu như chỉ diễn ra trong vòng có hai bữa tối áp tết mà thôi. Ở nông thôn gần như việc ấy trở thành bắt buộc, âm thầm và đồng loạt. Ở thành thị, dù dịch vụ tận răng cho Tết nhưng phần đông người ta vẫn chọn cách tự túc thứ bánh không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên ông bà.

Bánh chưng to và nấu lâu hơn nên việc nổi lửa thường bắt đầu từ xế. Vậy mà phải suốt đêm canh thức, bánh mới chín dền. Bánh tét miền Trung và miền Nam nhỏ nhắn gọn ghẽ hơn nên người ta cố tình rình rang việc nhóm lửa vào đầu hôm. Cũng là để ngọn lửa bập bùng thâu đêm. Ban đầu khói sẽ la đà tán cây, thơm thơm, ngậm ngùi. Rồi củi cháy giòn, khói ít thơm đi nhưng trong chiều chập choạng và đêm xuống đậm, ánh lửa sẽ chở người ta về với miền ký ức của mỗi người. Và cả niềm vui sum họp, quây quần, rốt ráo chuyện của giao thừa, năm mới và những

Nhớ chiều ba mươi Tết ở Hà Nội dạo nào. Bước đi miên man trong đêm muộn giữa ngoại ô Sài Gòn mà nhớ mùa đông đất Bắc. Nhớ một gia đình chắc chắn dân tạm cư “nhảy dù” vào sống bừa ở ven rìa đường Vành đai 3 còn mới là dự án treo. Nhà chức trách treo, người dưới đáy xã hội lợi dụng kẽ hở thời gian để “treo” mình ở bất kỳ chỗ nào treo được. Nhớ vì nơi đây ven một nghĩa địa đang giải tỏa, buổi chiều ở đây tạnh vắng u buồn. Và một bếp lửa chập chờn, người phụ nữ nghèo xanh rớt bỗng ửng hồng với lửa. Dừng lại một lát với chị ta, ngồi xuống và thấy quanh mình nhiều ván thôi người ta bốc mộ còn lăn lóc đó đây. Biết tôi đang nghĩ gì, người phụ nữ buột miệng: “Lát nữa em sẽ đốt chúng, ván ấy không làm củi được, ván thiêng!”

Trên đường quay về nhà với hiện tại của Sài Gòn, bỗng thấy mấy cô công nhân vệ sinh quen mặt cũng đang ngồi tụm vào nhau đốt lửa. Họ không bị rét để phải đốt củi, nhưng họ đốt lá khô cho nhẹ việc xúc đổ. Mùi lá khô và mùi của những người cần lao không khỏi khiến mình chạnh lòng nhớ nhung đủ thứ. Quê nhà, bà và má, chị và em, người đã xa mãi, người đã tuổi già chắc cũng đang ngồi bên lửa để nhớ thương như mình. Không rét nhưng Sài Gòn về khuya se sắt, đủ dùng cho việc đi và nghĩ.

Theo Dantri

Bạn đang đọc bài viết "Ánh lửa chiều đông" tại chuyên mục Góc tâm hồn. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin