Thà cô chết không để trò chết - Những tài sản nhân văn vô giá

18/12/2016 10:06

“Động lực nào mà cô cứu cháu ư? Lúc đó trong suy nghĩ chỉ là phải cứu cho được các cháu thôi, phải làm mọi cách.

Mình mà lo cho mình thì các cháu nhỏ làm sao sống được. Bốn cô giáo chúng tôi cứ bảo nhau thà cô chết chứ không để trò chết”.

Câu nói đó của những cô giáo Trường mẫu giáo An Hiệp (Tuy An, Phú Yên) khiến hàng triệu người xúc động và khâm phục.

Bởi đó không hề là một tuyên ngôn lý thuyết, câu nói đó được bảo chứng bởi sinh mạng của các cô trong những giờ phút sinh tử.

Câu nói đó được làm chứng bởi rất nhiều phụ huynh chỉ bất lực đứng ngoài con lộ nhìn về ngôi trường mỏng manh trước cuồn cuộn nước dâng và sinh mạng con cái mình đang trông cậy vào bốn cô giáo không còn trẻ nữa.

Anh minh hoa (Nguon Internet)
Anh minh hoa (Nguon Internet))

Cứ hình dung cảnh nước đang dâng lên, cô dầm trong nước cho trò bám vào cổ, trò đứng lên vai, run rẩy trong nước lạnh, cảnh đứa bé rơi xuống nước và cô giáo may mắn kịp cứu lên, rồi cô giáo khác cho cháu lên nóc tủ để một cô giáo khác ủ ấm, xung quanh trường vẫn cuồn cuộn nước - quả là nghẹt thở và rất nhiều bạn đọc đã khóc cùng câu chuyện của các cô giáo.

Chỉ hơn một tháng trước, trong cơn lũ bất ngờ và dâng nhanh với tốc độ chưa từng thấy ở Cam Lộ (Quảng Trị), khi thấy một em học sinh bị nước xiết cuốn đi, thầy Thái Bình Giảng (Trường tiểu học Trần Quốc Toản) cũng đã lao vào dòng lũ dìu em học sinh vào một ngọn cây cao giữa biển nước mênh mông rồi đu bám vào đó chờ lực lượng cứu hộ.

Hôm đó, nếu thầy Giảng không lao ra, chắc chắn em học sinh kia đã bị cuốn phăng ra giữa sông Hiếu.

Thầy Giảng năm nay cũng đã 48 tuổi, cũng như những cô mẫu giáo ở An Hiệp không còn trẻ, không còn khỏe, nhưng thiên chức cao đẹp đã thúc giục thầy hành động.

Nhắc lại chuyện các cô mẫu giáo ở Phú Yên lại nhớ cô giáo Trần Thị Nở, giáo viên trường mầm non ở Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Hơn mười năm trước, trong lúc các cháu đang nghỉ trưa thì một con rắn hổ mang dài gần hai mét từ ngoài vườn bò vào lớp học, chuẩn bị luồn vào tấm chăn các cháu đang đắp.

Chỉ cần một cháu bị rắn cắn thét lên, các cháu khác sẽ thức dậy nhốn nháo và không biết hậu quả sẽ kinh khủng thế nào.

Trong lằn ranh sinh tử ấy, cô Nở đã không kịp nghĩ gì cả, chụp lấy cái đuôi con rắn và ném ra ngoài. Con rắn bị tống ra sân nhưng cũng kịp đớp cô Nở một vết cắn khiến cô phải nhập viện cấp cứu với vết thương hoại tử, suýt cướp mất sinh mạng của cô.

Năm ấy, khi được hỏi lúc đó cô có sợ rắn cắn chết, cô Nở nói: “Không kịp nghĩ gì đâu, chỉ sợ nó cắn chết mấy cháu”. Cũng như thầy Giảng hôm trước đã nói với các nhà báo: “Ai trong trường hợp này cũng 
nhảy ra cứu như tôi thôi!”.

Câu chuyện đẹp và ấm áp của bốn cô giáo Phú Yên, hay chuyện thầy Giảng, cô Nở... và hàng ngàn câu chuyện khác từ chính các thầy giáo, cô giáo là những tài sản nhân văn vô giá cần được cộng đồng tôn vinh và quan tâm.

Vì cái quý nhất của con người là cuộc sống và trong những giờ khắc sinh tử ấy, các thầy các cô đã lấy chính cuộc sống của mình để trao thêm cho chúng ta những tin yêu với cuộc đời!

Theo Tuoitre

Bạn đang đọc bài viết "Thà cô chết không để trò chết - Những tài sản nhân văn vô giá" tại chuyên mục Góc tâm hồn. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin