(Pháp lý) - Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng GDP đạt 6.2%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm và khá ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã đạt được nhiều thỏa thuận kinh tế toàn diện về tiến trình tự do hóa nền kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu… Cùng với những chuyển biến, phục hồi kinh tế cả nước, hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh đối ngoại năm 2016 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận; tự tin tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của NHTM Nhà nước trong hoạt động kinh doanh đối ngoại.
Ngân hàng dẫn đầu trong Thanh toán quốc tế
Với những nỗ lực của cả hệ thống Agribank trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế (TTQT) cho khách hàng như thanh toán bằng thư tín dụng, thanh toán nhờ thu, chuyển tiền…phục vụ cho các mục đích kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa hay đáp ứng nhu cầu cá nhân như du học, du lịch, khám chữa bệnh… ở nước ngoài, tính đến 31/12/2016, hoạt động TTQT của Agribank đã có dấu hiệu khởi sắc và phục hồi, doanh số TTQT năm 2016 đạt 10.8 tỷ USD tăng 16% so với năm 2015, thu phí TTQT đạt 254.8 tỷ VNĐ tăng 10% so với năm 2015.
Ngoài ra, chất lượng hoạt động TTQT của Agribank cũng vẫn được duy trì khi trong năm 2016, Agribank đã liên tiếp được các ngân hàng nước ngoài lớn, có uy tín trên toàn thế giới như Wells Fargo, Bank of New York Mellon, Standard Charter Bank, JP Morgan Chase tặng thưởng về chất lượng điện chuẩn cao. Đây chính là một sự công nhận khách quan về chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế của Agribank, cũng như thể hiện sự tin tưởng của khách hàng và các đối tác lớn đối với Agribank.
Để có được những thành công như trên, Agribank đã chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ TTQT bằng việc triển khai chính thức dịch vụ chuyển tiền đa tệ trong hệ thống; điều chỉnh hạn mức giao dịch hối đoái trên hệ thống Realtime; tiếp tục khai thác các lợi ích của sản phẩm UPAS L/C, bổ sung tính năng mới thông qua triển khai Thỏa thuận “Tài trợ thương mại thông qua nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng” với Wells Fargo. Đến nay, Agribank được đánh giá là một trong những ngân hàng sử dụng sản phẩm UPAS L/C hiệu quả, năm 2016, Agribank đã mở 70 món UPAS L/C, trị giá 14.8 triệu USD, tăng mạnh về số món so với năm 2015. Tích cực làm việc với các ngân hàng nước ngoài để phát triển sản phẩm mới và bổ sung các tính năng mới của sản phẩm TTQT hiện có như: ngân hàng Wells Fargo (Trade Flatform, UPAS L/C), BNY Mellon (Chuyển tiền đa tệ), ICBC, Maybank, CTBC, JP Morgan (UPAS L/C),…
Cầu nối thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước
Với sự nỗ lực của các chi nhánh trong toàn hệ thống Agribank cũng như chủ trương, chính sách điều hành đúng đắn của Nhà nước và Agribank, Agribank vẫn duy trì được tổng doanh số thanh toán biên mậu (TTBM) ở mức cao và tiếp tục mang lại lợi nhuận cho Agribank nói chung và các chi nhánh nói riêng.
Doanh số TTBM năm 2016 với Trung Quốc đạt 39,576 tỷ VND, tăng 96% so với năm 2015; tổng thu phí dịch vụ TTBM 12 tháng năm 2016 đạt 26 tỷ VND, tăng 18% so với năm 2015; thu từ kinh doanh ngoại tệ trong TTBM đạt 21 tỷ VND, tăng 110% so với năm 2015. Trong năm qua, Agribank đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực TTBM: Hỗ trợ Agribank chi nhánh Móng Cái ký kết Thỏa thuận hợp tác TTBM với Ngân hàng Quế Lâm Trung Quốc; hỗ trợ Agribank chi nhánh Lai Châu ký Thỏa thuận hợp tác TTBM với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Đồng thời hỗ trợ chi nhánh Hà Giang nghiên cứu, rà soát Thỏa thuận hợp tác xuất nhập khẩu ngoại tệ mặt (đồng CNY) với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Agribank cũng tiếp tục triển khai hệ thống TTBM với Trung Quốc thông qua hệ thống CBPS.
Bên cạnh đó, doanh số TTBM năm 2016 với Lào đạt 1,117 tỷ VND, tăng 169% so với năm 2015; tổng thu phí dịch vụ TTBM 12 tháng năm 2016 với Lào đạt 1.7 tỷ VND, tăng 467% so với năm 2015; thu từ kinh doanh ngoại tệ trong TTBM đạt 0.6 tỷ VND bằng với năm 2015. Đến nay, Agribank là ngân hàng Việt Nam duy nhất cung ứng dịch vụ TTBM với Lào, và cũng tích cực trong việc giúp các đối tác xây dựng, phát triển và triển khai thành công sản phẩm TTBM qua Internet, hỗ trợ xử lý giao dịch ngày càng nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tạo được uy tín đối với khách hàng.
Tín nhiệm, ủy thác triển khai Dự án tín dụng phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn
Để phát huy hoạt động kinh doanh đối ngoại, Agribank đã chủ động tăng cường mối quan hệ hợp tác, phối hợp có hiệu quả với Nhà tài trợ, NHNN, Bộ ngành, Ban Quản lý Dự án để tranh thủ sự ủng hộ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo đó, tính đến 31/12/2016, Agribank đã tiếp nhận, triển khai thực hiện lũy kế 40 Dự án tín dụng nước ngoài thông qua Chính phủ, trong đó 28 Dự án đang hoạt động với tổng hạn mức tương đương 13,657 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Agribank được tăng hạn mức Dự án Tài chính Nông thôn II, III/WB của Ngân hàng Thế giới thêm 200 tỷ đồng và tiếp tục là Định chế tài chính có hạn mức tín dụng cao nhất trong số các Định chế tài chính tham gia Dự án. Đồng thời, Agribank thành công nâng cao hạn mức cho vay Dự án KFW; mở rộng điều kiện cho vay Dự án LCASP, các vấn đề liên quan đến lựa chọn Chi nhánh phục vụ Dự án; giải quyết vướng mắc về mở tài khoản Dự án KFW 8, 10. Agribank đồng thời đã tham gia thảo luận, trao đổi với NHNN, Nhà tài trợ về Dự án năng lượng tái tạo (KFW), Chương trình tín dụng NIB (Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu), Dự án tín dụng xanh (AFD)… Đây chính là kết quả của sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa Trụ sở chính, chi nhánh trên toàn hệ thống với NHNN và các Bộ ngành.
Bên cạnh đó, chỉ tính riêng trong năm 2016, Agribank đã được giao phục vụ 07 Dự án tổng trị giá 270 triệu USD; qua đây, nâng số Dự án ngân hàng phục vụ mà Agribank đã tiếp nhận và triển khai lũy kế lên 141 Dự án với tổng số vốn là 6,8 tỷ USD. Đặc biệt, Agribank đã được NHNN đưa vào danh sách các ngân hàng đủ điều kiện phục vụ các chương trình, Dự án ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Đây là nhóm Dự án quan trọng vì thông qua đó, Agribank được tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng lớn, thời hạn dài, lãi suất ưu đãi để cho vay lại các đối tượng hưởng lợi từ khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các dự án được triển khai hiệu quả đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, vùng, kinh tế hộ gia đình, tài chính vi mô, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao vai trò của người dân… Agribank đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân, tích cực xóa đói giảm nghèo và đổi mới đất nước.
Khẳng định vị thế trên thị trường thế giới
Từng bước thực hiện định hướng của Agribank trong việc phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác tại thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, trong năm 2016, Agribank đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện có ý nghĩa trong nước và quốc tế như: ký kết Biên bản ghi nhớ với ICBC trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc-ASEAN; tiếp Đoàn Đặc phái viên của Đảng Cộng sản và Nhà nước Cuba; tiếp đón Đoàn chủ tịch Nonghyup Bank, tổ chức chương trình đạo tạo cho cán bộ Nonghyup Bank; tham dự kỳ họp 13 Tổ công tác liên chính phủ Việt Nga;…
Agribank tiếp tục ghi dấu ấn là thành viên tích cực trong quan hệ hợp tác đa phương thông qua các diễn đàn quốc tế lớn như: Hội nghị thường niên ADB tại Đức, Hội nghị thường niên SIBOS tại Thụy Sỹ, Hội nghị Đại hội đồng APRACA tại Nepal, Hội nghị CICA tại Senegal, Kỳ họp Hiệp hội Ngân hàng Châu Á và APRACA tại Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh…
Đến 31/12/2016, Agribank đã ký kết 104 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với đối tác nước ngoài, trong đó có 40 thỏa thuận chung, 13 thỏa thuận TTTM, 36 thỏa thuận cung cấp Sản phẩm dịch vụ, 15 thỏa thuận Chia sẻ phí, tạo cơ sở khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường tiềm năng và khung pháp lý cho việc hợp tác phát triển sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng hoàn thiện Đề án Phát triển quan hệ đối tác chiến lược tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong năm 2016, bước sang năm 2017, Agribank tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước. Chủ động xây dựng các chương trình, Dự án để vận động, thu hút nguồn vốn tài trợ của nước ngoài; Duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với các Bộ ngành chuyên quản để tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác, tạo cơ hội tiếp cận, thực hiện triển khai Dự án đối với các Bộ ngành và các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế. Có giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống đi kèm với kiểm soát và quản trị rủi ro; nâng cao chất lượng thẩm định, cho vay đặc biệt là cho vay tài trợ dự án.
Để tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh đối ngoại nói riêng, Agribank chủ động xây dựng các gói sản phẩm dịch vụ đồng bộ dành cho từng đối tượng khách hàng; Ban hành cơ chế chính sách khách hàng rõ ràng với tiêu chí phân loại khách hàng và cơ chế cấp tín dụng, ưu đãi phí, lãi suất với từng đối tượng khách hàng riêng biệt; xây dựng chính sách lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn linh hoạt theo từng vùng miền và từng thời kỳ nhằm tạo điều kiện cho chi nhánh tăng trưởng cho vay ngoại tệ, từ đó tăng doanh số TTQT.
Trong năm 2016, Agribank đạt được nhiều giải thưởng quốc tế như: Tỷ lệ điện thanh toán đạt chuẩn cao, Chất lượng Thanh toán quốc tế xuất sắc, Ngân hàng có dịch vụ tài chính vi mô tốt nhất Việt Nam, Sao Khuê 2016, Ngân hàng tốt nhất Đông Nam Á đầu tư phát triển nông thôn, Ngân hàng có mạng lưới ATM và dịch vụ tốt nhất Việt Nam 2016 (Global Banking and Finance Review)… Agribank được vào danh sách các ngân hàng lớn, thương hiệu uy tín như: Xếp hạng 446/1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới (The Banker); Tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch giữ nguyên xếp hạng của Agribank mức “B+” với triển vọng tương lai phát triển ổn định; Top 10 Doanh nghiệp mạnh Đông Nam Á, Top 10 Thương hiệu danh tiếng Đông Nam Á; TOP50 Doanh nghiệp thành tựu theo bảng xếp hạng VNR500;…
PV