3 vấn đề “nóng” đặt lên bàn nghị sự

12/05/2016 03:53

(Pháp lý) - Trong những ngày qua, dư luận cả nước nóng lên việc xử lý tình trạng cá biển chết hàng loạt ở bốn tỉnh duyên hải miền Trung; chuyện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp; chuyện ông Huỳnh Văn Nén, người mang hai bản án giết người oan được quan tâm chỉ đạo giải quyết bồi thường…

Đó là 3 vấn đề “nóng” mà người dân, doanh nghiệp và báo chí đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội, liên quan đến sinh mệnh con người. 3 vấn đề này đã và đang được Thủ tướng, các thành viên Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao .

Chỉ có 42% doanh nghiệp có lãi, thuế phí chiếm 40,8% lợi nhuận

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 diễn ra vừa qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số trên đây cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn. Tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng lên, song chênh lệch giữa số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang thu hẹp lại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn.

Ông Lộc đề nghị bỏ thuế khoán thay vào đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh. "Mặc dù ngân sách hiện nay đang khó khăn, nhưng chủ yếu là do chi thường xuyên tăng mạnh, chứ không phải do mức thu thuế thấp. Các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực", Chủ tịch VCCI nói.

[caption id="attachment_140194" align="aligncenter" width="400"]Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại diện các Doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại diện các Doanh nghiệp[/caption]

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp. Theo đó, có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp. Thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp và khẳng định quan điểm Chính phủ coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế của đất nước... Cũng theo lời người đứng đầu Chính phủ, việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để doanh nghiệp phải chờ đợi, có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề.

Bên cạnh tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp, thực tế triển khai công tác cải cách chưa đạt như mục tiêu đề ra... Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số doanh nghiệp an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. “Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, không sớm nắng chiều mưa về chính sách”, Thủ tướng khẳng định.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ bảo đảm kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Phải bỏ hết những quy định cũ trái với quy định của luật đã được Quốc hội thông qua...

Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ đưa ra nhiều nhóm giải pháp thời gian tới, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Việt Nam coi doanh nghiệp FDI là những người bạn, Thủ tướng khẳng định.

Có thể nói, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ có tác động khích lệ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Các doanh nghiệp cũng mong rằng, từ những quan điểm chỉ đạo thông thoáng của Thủ tướng, các cơ quan chức năng biến thành những hành động cụ thể để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và thuận lợi hơn để doanh nghiệp phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Vụ cá chết hàng loạt – phải tìm ra thủ phạm

Trong những ngày qua, hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế gây ra nỗi hoang mang, lo lắng đối với nhân dân các địa phương ven biển trên đây và với người tiêu dùng cả nước. Nghi phạm được dư luận chú ý nhất là hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh. Đặc biệt là khi đại diện của Formosa tại Hà Nội nói: “Không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm, nhưng khi được cái này thì phải mất cái kia” khiến nhiều người dân phẫn nộ.

Hậu quả nhãn tiền là các bãi biển vắng khách du lịch, ngư dân đánh bắt hải sản ven bờ thì sản lượng rất thấp, ngược lại cá biển đánh bắt từ những vùng biển xa về cũng không ai dám tiêu thụ.

Tại Đà Nẵng, quan chức thành phố đã tắm biển, ăn hải sản để động viên ngư dân và người tiêu dùng. Đây là một động thái có ý nghĩa tích cực, nhưng chưa đủ để người dân yên tâm, vì còn thiếu những đánh giá khách quan và khoa học. Có người nêu khẩu hiệu trên facebook cá nhân rằng: “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”. Có thể nói đó là một nhu cầu rất chính đáng và rõ ràng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã chỉ đạo nhiều nội dung nhằm khắc phục tình hình, ổn định đời sống nhân dân và đặc biết nhấn mạnh đến nhiệm vụ nhanh chóng kết luận một cách khách quan, khoa học, độc lập nguyên nhân về sự cố môi trường nêu trên.

Trên tinh thần đó, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực hải dương học, địa chất ven biển, kỹ thuật bờ biển và môi trường bền vững đến từ các quốc gia Đức, Mỹ, Israel đã được mời đến để cùng với các nhà khoa học Việt Nam tìm ra nguyên nhân hải sản chết bất thường, xác định nguyên nhân của việc có hay không sự cố ô nhiễm môi trường dẫn đến hiện tượng này.

GS Roberto Mayerle, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ Đại học Kiel - CHLB Đức đề xuất: “Sau khi làm việc với Bộ TN&MT, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu được các Bộ, ngành của Việt Nam đồng ý, chúng tôi sẽ đưa thêm chuyên gia, mang thêm các trang thiết bị để giúp Việt Nam điều tra nguyên nhân sự cố vừa qua".

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước ở nhiều lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản, địa chất, hóa, công nghệ vũ trụ... vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung. Các chuyên gia đã lấy hàng trăm mẫu cá chết trên biển và trong lồng, mẫu nước, trầm tích, sinh vật phù du từ ngày 7/4 để phân tích độc tố, dịch bệnh thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số môi trường. Họ cũng lấy số liệu về động đất để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt, ảnh hưởng của hiện tượng này; số liệu về viễn thám để tìm hiểu dòng chảy, dầu loang. Các mẫu được phân tích tại phòng thí nghiệm với hệ thống máy móc hiện đại của Mỹ, Nhật, Thuỵ Sĩ đã loại trừ nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra.

Có thể nói đây là sự cố bất thường, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta, nên ban đầu việc xử lý còn thiếu thông tin, bị động, lúng túng, nhưng cho đến nay vụ việc đang dần được xử lý phù hợp, đặc biệt là yêu cầu tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục đang được tiến hành khẩn trương và nghiêm túc. Người dân cảm thấy yên lòng hơn khi Thủ tướng chỉ đạo: “Xem xét xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Khẩn trương bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén

Đó là thông điệp mà Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đưa ra khi làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận và Cục Bồi thường Nhà nước, chỉ đạo giải quyết bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén.
Chánh án TANDTC nhận xét, việc Tòa án tỉnh Bình Thuận đòi gia đình ông Nén cung cấp chứng từ, hóa đơn... là gây khó và đề nghị nên giải quyết theo hướng có lợi cho đương sự hơn là thuận lợi cho cơ quan Nhà nước. Có những khoản không cần phải đòi hỏi hóa đơn, nếu xét thấy hợp lý nên thỏa thuận. Chánh án cũng đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận lập tổ chuyên trách xử lý việc này, có kế hoạch cụ thể cho từng khoản đàm phán.

"Các cơ quan tố tụng đã xin lỗi công khai thì việc bồi thường thiệt hại cần được làm một cách khẩn trương", ông Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo và cho hay, nếu cần thiết TANDTC sẽ đề nghị Bộ Tài chính cử chuyên gia giỏi vào Bình Thuận hỗ trợ giải quyết hồ sơ, đẩy nhanh công tác thẩm định các khoản yêu cầu bồi thường oan sai cho ông Nén.

Trước đó, ngày 11/4, ông Nén cùng gia đình đã đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường số tiền 18 tỷ đồng do bị kết án oan trong hai bản án. Ông đã phải ngồi tù oan hơn 17 năm với cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ (năm 1993 còn gọi là kỳ án vườn điều) và vụ sát hại bà Bông. Khi toà yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ, ông Nén gửi đơn đến TAND tỉnh Bình Thuận nói rằng toà "đánh đố", gia đình ông không thể cung cấp bởi không nghĩ có ngày được giải oan để giữ lại những hoá đơn chi phí.

Ngày 26/4, TAND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với ông Nén và một số người liên quan. Ông Nguyễn Thận, người đại diện của ông Nén cho biết, gia đình ông Nén đã chứng minh được các chi phí hợp lý mà pháp luật qui định. Trong buổi làm việc, tòa không yêu cầu ông Nén phải đảm bảo có đầy đủ tất cả các chứng cứ, hóa đơn, liệt kê cụ thể, nhưng yêu cầu phải cung cấp được những giấy tờ, tài liệu tối thiểu mà gia đình ông hiện có để việc thương lượng sắp tới diễn ra được thuận lợi.

Là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang hai bản án oan về tội Giết người, ông Nén được TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương vào cuối năm ngoái. Đây là trường hợp oan khuất đau khổ nhất mà dư luận được biết nên việc đòi bồi thường, được bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng không chỉ phần nào trả lại công bằng cho người bị oan mà còn có ý nghĩa nâng cao niềm tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện nay. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khiến những ai quan tâm đến vụ án này rất hoan nghênh, chia sẻ.

Thực tế cho thấy công tác xin lỗi, bồi thường oan sai những năm qua đã diễn ra khá nhiều, tuy nhiên vẫn có những vụ cách thức xin lỗi còn sơ sài, chưa thực sự cầu thị, chưa khiến cho người được xin lỗi cảm thấy hài lòng, bên cạnh đó là công tác thương lượng mức bồi thường nhiều trường hợp chưa thật sự thông cảm, dành phần có lợi cho người bị oan. Do đó, với quan điểm chỉ đạo rất nhân văn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình lần này, người dân có quyền tin tưởng công tác bồi thường oan sai sẽ có những chuyển biến tích cực.

 Thái Vũ

Bạn đang đọc bài viết "3 vấn đề “nóng” đặt lên bàn nghị sự" tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin