(Pháp lý) - Phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm. Diễn biến tại phiên tòa bộc lộ một số vấn đề pháp luật đáng lưu ý. Đó là vấn đề chi lãi suất ngoài; trách nhiệm pháp lý của Ngân hàng nhà nước, vấn đề cần điều tra làm rõ hành vi tham ô, số tiền tham ô chiếm đoạt của một số bị cáo đầu vụ. Và để giải quyết triệt để, khách quan vụ án, tiếp theo ở giai đoạn 2, những đối tượng nào cần phải xử lý?
Chi lãi suất ngoài
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng: Số tiền chi lãi ngoài 1.576 tỷ của Oceanbank là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trần lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ theo từng thời kỳ. Số tiền chi sai nói trên đã bị hạch toán trái quy định của Nhà nước, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ... Hậu quả của việc chi trái pháp luật là 1.576 tỷ đã không có khả năng thu hồi.
1.576 tỷ thất thoát cũng là một trong những thiệt hại góp phần đẩy nợ xấu của Oceanbank tại thời điểm 31/3/2014 là hơn 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của ngân hàng này; lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.188 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần).
Trong vụ án này, có 34 giám đốc chi nhánh phải hầu tòa về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với cáo buộc đã tiếp nhận chủ trương chi lãi suất ngoài của chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm đề ra, gây thất thoát cho OceanBank trên 1.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, các giám đốc chi nhánh này không nhận thức hành vi chi lãi ngoài là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho OceanBank mà cho rằng đó là chi phí bỏ ra để huy động vốn, đảm bảo tính thanh khoản cho ngân hàng. Nguyên trưởng Ban Tài chính kế hoạch OceanBank Nguyễn Thị Nga cho rằng: “Chúng tôi không làm gì sai về đạo đức nghề nghiệp, không sai về đạo đức con người. Về mặt nghiệp vụ kế toán, đây là khoản chi hợp lệ”. Thời điểm trước đây, OceanBank lâm vào cảnh khó khăn, nếu không chi tiền lãi ngoài thì ngân hàng tê liệt, không ai đến gửi tiền. Chính vì vậy, OceanBank phải có chủ trương chi lãi ngoài để giữ chân khách.
Nguyên trưởng Ban Tài chính kế hoạch OceanBank Nguyễn Thị Nga lập luận: “Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 02 quy định các tổ chức tín dụng không được huy động lãi suất vượt quá 14%/năm. Đây là cái phanh quá gấp cho các ngân hàng. Bị cáo muốn hỏi cơ quan chức năng ở đâu, ngân hàng Nhà nước ở đâu mà tạo ra một cái bẫy đẩy các bị cáo, đẩy ngân hàng vào cảnh như vậy?” - Bị cáo Nga nói.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba (Giám đốc khối bán lẻ OceaBank) đã đặt câu hỏi: Việc chi lãi ngoài của OceanBank diễn ra trong thời gian dài, vậy hệ thống kiểm soát nội bộ, thanh tra thuế, thanh tra Ngân hàng nhà nước, kiểm toán độc lập ở đâu, sao không thanh tra, giám sát?
Bị cáo Lê Thu Thủy - nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank cho rằng việc chi lãi ngoài là trái quy định của pháp luật nhưng trong suốt một thời gian dài (từ năm 2009 đến 2014), không có bất cứ cơ quan nào cảnh báo các giám đốc OceanBank. “Nếu có cảnh báo thì 34 người chúng tôi không bao giờ đánh đổi để phải đứng đây ngày hôm nay”- bị cáo Thủy nói.
Bị cáo Nguyễn Lưu Nam, nguyên Giám đốc Chi nhánh Quy Nhơn, còn cho biết chi nhánh của mình trong 27 tháng được 5 lần thanh tra. Trong đó hai lần có nội dung liên quan đến hoạt động chi lãi ngoài.
Hỏi tới vị đại diện của NHNN về việc trách nhiệm của NHNN ở đâu trong việc để OceanBank chi lãi ngoài thì đại diện NHNN cho biết NHNN là cơ quan trung ương, cơ quan có trách nhiệm trực tiếp đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng là NHNN các tỉnh thành phố. Trong trường hợp của OceanBank, các đơn vị này cũng đã thực hiện trách nhiệm của mình trong việc ban hành các kết luận thanh tra. Do đó, NHNN không có trách nhiệm trong việc này.
Cũng tại phiên tòa, đối với hoạt động giám sát, NHNN tỉnh, thành phố đã có 3 kết luận thanh tra đối với OceanBank. Tuy nhiên, theo bị cáo Hà Văn Thắm, các kết luận thanh tra này đều không nhắc tới việc chi lãi ngoài. Phải chăng việc thanh tra là thanh tra thiếu trách nhiệm? Hay trình độ các thanh tra còn hạn chế chưa phát hiện sai phạm, hay có sai phạm nhưng cố tình bỏ qua?
Ngoài hoạt động giám sát của NHNN, khâu kiểm toán nội bộ của ngân hàng cũng chưa từng báo cáo về hành vi chi lãi ngoài của các cán bộ ngân hàng. Theo cán bộ Hội sở, Giám đốc chi nhánh OceanBank, họ đã không nhận được lời cảnh báo từ các cơ quan thanh tra hay bộ phận Kiểm soát nội bộ của ngân hàng.
Cần điều tra làm rõ hơn hành vi và số tiền tham ô của Nguyễn Xuân Sơn
Trong đại án này, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố về 3 tội danh: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Tham ô tài sản”.
Tuy nhiên, diễn biến tại phiên tòa và đặc biệt sau khi Nguyễn Xuân Sơn khai báo nhiều tình tiết quan trọng để chứng minh bị cáo không chiếm đoạt tiền, kết hợp với những phân tích của Luật sư, thiết nghĩ, cần trả hồ sơ điều tra làm rõ hơn hành vi tham ô chiếm đoạt tiền, số tiền tham ô mà các cơ quan tố tụng đã quy kết đối với bị cáo này.
Cụ thể trong các ngày xét xử đại án tháng 9 vừa qua, Nguyễn Xuân Sơn đã bất ngờ thay đổi lời khai ( so với phiên tòa hồi tháng 3). Sơn thừa nhận đã nhận trên dưới 200 tỉ đồng (theo cáo trạng là hơn 300 tỉ đồng) từ OceanBank và đã chuyển hết cho Ninh Văn Quỳnh. Bị cáo Sơn khai còn chi cho Tập đoàn Dầu khí (đơn vị góp vốn với Oceanbank) thông qua ông Ninh Văn Quỳnh thời điểm đó là kế toán trưởng của Tập đoàn với khoản tiền khoảng 30 – 40 tỷ đồng.
Với những diễn biến mới tại phiên tòa, HĐXX đã đề nghị cơ quan điều tra khởi tố tiếp một số đối tượng và khởi tố thêm 03 vụ án.
Theo đó, ngày 1/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng PVN để điều tra tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn vào OceanBank.
Ngày 13/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố 03 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 280 - BLHS.
Trước các sự kiện pháp lý mới này, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương đã đề nghị Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với hành vi chiếm đoạt tiền của bị cáo Sơn. Theo LS. Phương, trong hai khách hàng (Liên doanh Vietsovpetro và Lọc hóa dầu Bình Sơn) mà Nguyễn Xuân Sơn khai chi tiền chăm sóc thì có 2 vụ án vừa bị khởi tố. Nếu vội vã quy buộc Sơn chiếm đoạt số tiền mà Sơn khai đã chi cho các tổ chức này sẽ vô tình cản trở quá trình điều tra của các vụ án vừa được khởi tố?
LS. Phương cho rằng, việc vội vã kết tội Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt toàn bộ số tiền có nghĩa là VKS đã công nhận những lời khai chối bỏ, không nhận tiền từ Nguyễn Xuân Sơn là đúng. Vậy thì hà cớ gì phải khởi tố 2 vụ án để điều tra về số tiền ấy nữa? Phân tích này của LS. Phương hết sức quan trọng, cần được HĐXX lưu tâm làm rõ bản chất, mức độ tội danh của Nguyễn Xuân Sơn.
Bên cạnh đó, cho đến nay vẫn chưa xác định được số tiền chi lãi ngoài hơn 1.576 tỉ đồng được đưa cho những ai. Vì vậy, luật sư cho rằng xác định số tiền đó là thiệt hại và buộc các bị cáo phải bồi thường là không thuyết phục.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện viện kiểm sát cho biết: "Sơn đã dùng cho mục đích cá nhân và chia chác cho các mối quan hệ. Trong đó ông Ninh Văn Quỳnh thừa nhận đã nhận 20 tỉ đồng từ Sơn để mua nhà, chi cho con đi học, mua ôtô...Vì vậy , VKS cho rằng không có căn cứ nào như lời trình bày của bị cáo Sơn về việc đã sử dụng số tiền hơn 300 tỉ đồng cho hoạt động từ thiện, phúc lợi, làm quà biếu cho lãnh đạo bộ ngành".
Không đồng tình với quan điểm của VKS, nhiều luật sư đã đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra hành vi tham ô tài sản của Nguyễn Xuân Sơn để nhập vào giai đoạn 2 của vụ án.
Các LS cho rằng, để đảm bảo tính khách quan, chính xác về số tiền “bị Sơn chiếm đoạt” thì cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh oan sai, đồng thời cũng không bỏ lọt tội phạm.
Trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước?
Có thể thấy việc chi lãi suất vượt trần của OceanBank đã không được NHNN cảnh báo, ngăn chặn. Mặc dù NHNN đã có Thông tư 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tự kiểm tra, phát hiện những vi phạm về mức lãi suất, phát hiện và báo cáo về NHNN về các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh vi phạm mức lãi suất. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất này. Ba biện pháp xử lý theo chỉ thị 02 là đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành; hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của tổ chức tín dụng; hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay.
Tuy nhiên, trước khi vụ án xảy ra không có trường hợp nào ở OceanBank bị xử lý và cho đến nay cũng không có quan chức NHNN tỉnh, thành phố có trách nhiệm thanh tra, giám sát ngân hàng bị xử lý. Rõ ràng, NHNN đã thiếu chặt chẽ, thiếu giám sát, hậu kiểm sau khi ban hành Thông tư 02 dẫn đến vụ án OceanBank hậu quả hết sức nặng nề. Trách nhiệm của NHNN trong vấn đề này là rõ ràng.
Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần thanh tra OceanBank, phát hiện có sai phạm và đề nghị ngân hàng khắc phục. Tuy nhiên những lần sau đó, OceanBank vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn. Năm 2014, kết quả kinh doanh của OceanBank tiếp tục tuột dốc, lỗ hơn 10.000 tỉ đồng, nợ xấu hơn 14.000 tỉ đồng. Trước tình hình đó, tháng 5-2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Nói về trách nhiệm của NHNN, dư luận lại nhớ đến phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB), nhiều bị cáo cho rằng NHNN chậm ban hành hướng dẫn Luật các Tổ chức Tín dụng khiến các bị cáo phải áp dụng quyết định cũ để ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền vào ngân hàng khác.
Thậm chí luật sư bào chữa cho bầu Kiên còn kiến nghị tòa xem xét khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại NHNN. Theo vị luật sư này, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các ngân hàng, NHNN đã chậm ban hành hướng dẫn luật, Thanh tra NHNN đã không can thiệp, không ngăn chặn xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền dẫn dến việc Bầu Kiên và một số lãnh đạo ACB bị truy tố về hành vi cố ý làm trái.
Hay tại phiên xét xử Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thất thoát 9.000 tỉ đồng, đại diện viện kiểm sát đã kiến nghị HĐXX phải kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét hành vi vi phạm đối với Ban thanh tra giám sát của NHNN. Lý do vì đơn vị này đã không thực hiện tốt vai trò của mình, tham mưu cho NHNN để cho Phạm Công Danh tái cơ cấu VNCB khi không đủ điều kiện. Đại diện viện kiểm sát cũng kiến nghị phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể.
Những đối tượng nào sẽ được xử lý tiếp?
Liên quan đến các vấn đề trên đây, vấn đề tiếp theo nảy sinh là những đối tượng nào tiếp theo sẽ bị xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật. Cáo trạng cho biết, có nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm được tách ra để tiếp tục điều tra xử lý ở giai đoạn 2.
Trước hết là các cá nhân, tổ chức kinh tế gửi và nhận các khoản tiền ngoài lãi suất huy động từ các đơn vị của Oceanbank, tài liệu điều tra xác định: Trong thời gian từ năm 2011- 2014, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả.
Các khoản tiền này xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và các đồng phạm. Thực hiện điều tra mở rộng, cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Đức Chính, nguyên kế toán trưởng Tổng công ty công nghiệp tàu thủy VN về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối với hành vi, trách nhiệm liên quan đến việc góp vốn của cổ đông có vốn Nhà nước vào Oceanbank, mà cụ thể là PVN góp 800 tỷ đồng đến nay không có khả năng thu hồi do Oceanbank bị NHNN mua với giá 0 đồng, dẫn tới các đơn vị này bị lỗ số tiền góp vốn; đối với công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà góp 266 tỷ đồng đến nay cũng không có khả năng thu hồi cũng cần được làm rõ.
Ngoài ra, các hành vi như Oceanbank sử dụng tài khoản Vũ Thị Thùy Dương để hoàn ứng và chi lãi ngoài huy động vốn; hành vi lập khống 9 hồ sơ vay 137 tỷ đồng tại Oceanbank, Phòng giao dịch Đào Duy Anh, Chi nhánh Hà Nội để chuyển vào tài khoản của một công ty do Thắm nắm 99% cổ phần; các khoản vay khác có dấu hiệu vi phạm như: khoản vay của 8 khách hàng gồm công ty TNHH Bất động sản TNN; công ty CP Tập đoàn Vina Megastar; công ty CP Nam Định; công ty CP Sân golf Ngôi sao Chí Linh; công ty CP Đầu tư Toàn Việt và công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà... sẽ được xử lý ở giai đoạn 2.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân. Tuy nhiên, tại phiên tòa, luật sư đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng ký. Đó là văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank bao gồm: cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau. Văn bản thể hiện rất rõ tinh thần chỉ đạo của ông Đinh La Thăng. Như vậy, cần làm rõ hệ quả của văn bản này, xác định xem nó có giá trị buộc TGĐ PVN và các đơn vị, cá nhân liên quan phải thực hiện hay không? Và nếu có thì trách nhiệm của người chỉ đạo thế nào? Dư luận cũng mong rằng trách nhiệm của NHNN, của những cá nhân và đơn vị có liên quan do thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tại OceanBank cũng phải được xem xét thỏa đáng mới bảo đảm nguyên tắc khách quan và toàn diện.
Những sai phạm và thiệt hại khủng trong đại án đã, đang và sẽ được chứng minh:
- Hơn 343 tỷ đồng về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng. - Gần 69 tỷ đồng bị thiệt hại bởi hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. - Hơn 1.576 tỷ đồng bị thiệt do cố ý làm trái. - Sai phạm trong cho vay hàng nghìn tỷ của các đối tượng tại OceanBank - OceanBank có nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, âm vốn điều lệ gấp 2,5 lần. Những hành vi sai phạm tiếp tục được điều tra làm rõ ở giai đoạn II - Hành vi của những cá nhân liên quan tại các tổ chức kinh tế nhận các khoản tiền ngoài lãi suất - Hành vi liên quan việc góp vốn, gây thất thoát số tiền 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào OceanBank (tương đương 20% vốn điều lệ của OceanBank) và 266 tỷ đồng CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà cũng góp vốn không có khả năng thu hồi. - Làm rõ bản chất một số khoản tiền chuyển về tài khoản do Vũ Thị Thùy Dương đứng tên có được từ 45 Hợp đồng khống hoặc nâng khống với 20 đối tác, tổng giá trị 133 tỷ đồng. - Hành vi lập khống 9 hợp đồng vay 137 tỷ đồng tại OceanBank và hành vi liên quan đến các khoản vay của 08 khách hàng (gồm Bất động sản TNN; BSC Việt Nam; Đầu tư và tư vấn tài chính Liên Việt; Tập đoàn Vina Megastar; Nam Đinh; Sân Golf Ngôi Sao Chí Linh; Đầu tư Toàn Việt và Tư vấn đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà) với dư nợ đến 31/3/2016 là 2.652 tỷ đồng. Phiên tòa dân chủ khách quan theo tinh thần CCTP Đó là ý kiến của LS Hoàng Huy Được – người bào chữa cho 10 bị cáo trong đại án. LS Được nhấn mạnh: Nói đến cải cách tư pháp có nhiều vấn đề. Còn cụ thể tại phiên tòa này tôi thấy đã diễn ra dân chủ, khách quan. Điểm rất chú ý là từ diễn biến của phiên tòa, kết quả xét hỏi, Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án khác hoặc đấu tranh xác định có hay không hành vi phạm tội của người này, người kia. Ví dụ, trong phiên tòa này, Viện KS đề nghị xử lý hình sự nguyên Trưởng Ban Kiểm soát của OceanBank. Rồi từ lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu đưa tiền chi lãi ngoài cho cá nhân này, cá nhân kia, Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án để làm rõ. |
Minh Hảo – Hà Trang