Chiều nay (28/1), phiên tòa xét xử bị cáo Phan Văn Anh (Vũ "nhôm") và bốn bị cáo nguyên là cán bộ ngành công an tiếp tục được diễn ra với phần tham gia xét hỏi của các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát.
Khi trả lời về việc không giao nộp tài sản, Phan Văn Anh Vũ giải thích việc từng tự nguyện giao nộp tài sản gồm 7 bất động sản liên quan đến vụ án, nhưng sau đó lại bất ngờ có đơn xin không giao nộp, Phan Văn Anh Vũ cho biết: Khi làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo được khuyên giao nộp lại tài sản vì đây là tài sản do phạm pháp mà có. Bị cáo nghĩ “cái lớn nhất là gia đình, vợ con, không ham hố tài sản gì” nên đã tự nguyện giao nộp. Tuy nhiên, sau này bị cáo thấy việc mua những dự án là tiền của cá nhân, không phải là tiền bí mật. Bị cáo nhận thấy rằng việc làm của bị cáo là đúng pháp luật cho phép nên đã làm đơn rút lại đơn xin giao nộp tài sản”.
Tiếp tục trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Vũ "nhôm" cho biết rất muốn giao nộp hết tài sản, nhưng vì có những khó khăn, có dự án đang hợp tác liên doanh, có dự án đang cho thuê làm trường học, trong đó có 2 dự án bị cáo chưa sử dụng, chưa có hiệu quả nên chưa triển khai. Do vậy, bị cáo mong được tiếp tục thực hiện hai dự án còn đang dang dở.
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Vũ thừa nhận có sai phạm, nhưng bị cáo này cho rằng bản thân bị cáo có “8 phần làm đúng, 2 phần làm chưa đúng”. Cái “đúng” theo quan điểm của bị cáo chính là những đóng góp cho xã hội mà Vũ đã làm cho các bộ, ngành, địa phương và làm từ thiện.
Ngay sau đó, Chủ toạ Trương Việt Toàn nhắc lại việc bị cáo Vũ viết đơn xin tự nguyện giao nộp tài sản: Bị cáo nói nếu giao nộp tài sản thì không bị khởi tố vụ án. Bị cáo không muốn liên lụy vợ con, có đúng không?
Trả lời câu hỏi này của vị Chủ tọa, bị cáo Vũ nói có thể ban nãy câu từ trình bày chưa chính xác. Vũ nói thời điểm mới bị bắt tinh thần không ổn định. Cơ quan điều tra nói với bị cáo 7 tài sản là tài sản do vi phạm mà có nên đồng ý giao nộp ngay. Nhưng khi cơ quan tiến hành điều tra làm rõ từng vấn đề thì bị cáo thấy bị cáo không có vi phạm.
Chủ tọa Trương Việt Toàn cho hay, đơn tự nguyện giao nộp tài sản bị cáo viết vào ngày 21/4/2018, trong khi việc tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bị cáo là ngày 7/2/2018.
Bên cạnh đó, Vũ “nhôm” cũng cho biết tại thời điểm trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh xảy ra nhiều vụ cướp giật, lãnh đạo Bộ Công an có gọi điện nhờ bị cáo hỗ trợ trang bị phương tiện cho lực lượng Công an thành phố. Bị cáo đã ủng hộ 50 tỷ đồng để trang bị phương tiện cho Công an TP.Hồ Chí Minh để làm nhiệm vụ. Bị cáo Vũ nói: “Bị cáo ủng hộ ngay 50 tỷ mà không có đòi hỏi được nhận lại điều gì. Tại sao không nêu những cái tốt mà chỉ nhìn vào những cái xấu để khởi tố, xét xử bị cáo?”.
Trước đó, trong lúc trả lời HĐXX, Phan Văn Anh Vũ cho biết toàn bộ số tiền của Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 là do bị cáo và gia đình góp vốn, do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Còn Công ty Nova Bắc Nam 79 do bị cáo góp vốn 50% và làm Chủ tịch HĐQT, 50% vốn còn lại do Novaland góp vốn.
Bên cạnh đó, bị cáo Vũ cũng liên tục khẳng định chỉ được Tổng cục V - Bộ Công an giao nhiệm vụ làm kinh tế, không được giao nhiệm vụ nào về bảo mật. “Khi tuyển vào làm tình báo viên phải có năng lực, Tổng cục V đã đào tạo bị cáo để làm kinh tế. Việc được giao nhiệm vụ hoàn toàn không có văn bản nhưng chiến lược giao rất bài bản, có lộ trình. Bị cáo là "lính" nên không thể biết những chuyện tối mật”.
Cũng tại phiên tòa, khi trả lời các câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng bị cáo Phan Hữu Tuấn giao bị cáo làm kinh tế thì bị cáo làm kinh tế, còn các thủ tục còn lại thế nào bị cáo không rõ lắm. “Bị cáo chỉ được Tổng cục V, trực tiếp là anh Tuấn giao nhiệm vụ làm kinh tế, phát triển tiềm lực ngành, ngoài ra bị cáo không được giao bất cứ nhiệm vụ nào về hoạt động nghiệp vụ”, Vũ khai.
Bên cạnh đó, bị cáo Vũ “nhôm” cũng cho biết: “Tất cả việc giao nhiệm vụ cho bị cáo hoàn toàn không có văn bản nhưng chiến lược giao nhiệm vụ của anh Tuấn rất bài bản, có lộ trình, có thời gian chứ không thể hôm nay trồng, mai gặt hái được. Anh Tuấn đầu tư bị cáo là đầu tư lâu dài nhưng tiếc rằng trong quá trình đầu tư thì anh Tuấn về hưu, bỏ bị cáo lại… Bị cáo chỉ là lính, đi làm kinh tế, xong thì báo cáo, không thể biết những nhiệm vụ tối mật”.
Trước lời khai này của bị cáo Phan Văn Anh Vũ, bị cáo Phan Hữu Tuấn trình bày: “Trên thực tế, một dự án không thể khẳng định bao nhiêu năm, nhưng định hướng nó phải trở thành công ty bình phong mạnh, có thương hiệu quốc gia và quốc tế. Khi nó mạnh sẽ sử dụng vào công tác nghiệp vụ và tha hồ sử dụng vào rất nhiều việc”.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của VKS về việc “có động cơ, vụ lợi gì” không, bị cáo Tuấn nói: “Tôi rất muốn được hỏi câu này vì cáo trạng nói tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, như thế thì phải có mục đích cá nhân mới lợi dụng, nhưng thời điểm đó chúng tôi hăm hở làm, hoàn toàn vì chuyên môn nghiệp vụ chứ không có mục đích tư lợi gì. Cả quá trình thực hiện rất lâu dài, chúng tôi làm rất nhiều dự án, nhưng không có tư lợi”. Bị cáo này cũng khẳng định sau khi nghỉ hưu hai dự án mới chuyển sang tên Vũ.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Bách đã xác nhận không biết gì khi dự án 319 Lê Duẩn và một dự án khác được chuyển sang tên Vũ: “Với dự án 319 Lê Duẩn thì bị cáo hoàn toàn không biết vì không có bất cứ văn bản nào của Bộ Công an. Còn với dự án còn lại, bị cáo có duy nhất một lần soạn thảo công văn đề nghị lãnh đạo ký… Hai dự án đó trong quá trình công tác bị cáo hoàn toàn không biết”.
Nói về vấn đề liên quan đến nghiệp vụ tổ chức mạng lưới tình báo, bị cáo Trần Việt Tân đề nghị HĐXX và các luật sư không hỏi sâu vì đây là bí mật của ngành. HĐXX đồng ý với đề nghị của bị cáo Tân.
Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h30' sáng ngày mai (29/1).
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/phap-dinh/ky-su-phap-dinh/vi-sao-phan-van-anh-vu-xin-rut-lai-don-giao-nop-7-tai-san-285294.html