(Pháp lý) - Từ hàng trăm năm trước, ở mảnh đất Tây Tạng, một trong những cái nôi của văn hóa Phật giáo thế giới, người dân, đặc biệt là các đại sư Larma đã biết dùng bơ của con bò yak để tạo nên các vật phẩm cúng tế gồm tranh và tượng tuyệt đẹp hàng ngày dâng lên Tam Bảo và nhất là vào những ngày Tết cổ truyền Losar và đại lễ hội cầu nguyện Monlam Chenno diễn ra ngay sau Tết. Vào dịp này, đến chùa chiền, nhà dân hay các tuyến phố của thủ phủ Lhasar, bạn sẽ thấy vô vàn các tác phẩm bằng bơ rực rỡ được đặt trước bàn thờ và hai bên đường xá, cho ai nấy tha hồ chiêm ngưỡng.
Mọi sự bắt nguồn từ một câu chuyện cách đây 2500 năm kể rằng, Đức Phật đã chiến thắng sáu vị thầy tu trong một buổi đàm đạo và một giấc mơ của đại sư Tsong kha-pa, người sáng lập ra dòng phái Gelupa thế kỷ 15 trong đại lễ cầu nguyện đầu tiên khi mà trước mắt ông mở ra cả một thế giới niết bàn đẹp đẽ. Muôn hoa và cây cối tươi xinh xuất hiện trước Đức Phật và Ngài sau đó đã bảo các chúng đệ tử thử làm nên những nhành hoa và cành lá bằng bơ. Kể từ đó, ở Tây Tạng có truyền thống tạo tác mọi vật bằng bơ như một biểu tượng của trí tuệ, đạo đức, vẻ đẹp và sự chiến thắng trước ngu dốt, đói nghèo. Ngoài để cúng dường như những thứ bánh ngon ngọt, nhiều tác phẩm còn được trưng bày tại các tư gia, đền miếu mà nhất là đền Jokang của Lhasa có hẳn cả một bảo tàng tượng bơ độc đáo cũng như thi đua giữa các tu viện với nhau có ý nghĩa vừa để hoằng dương Phật pháp vừa để tìm ra những cách nhanh chóng nhất cho mỗi tác phẩm giá trị. Trước năm 1959, Đức Dalai Lama luôn đến xem và trao giải cho các tăng ni nghệ nhân xuất sắc.
Hàng năm, vào rằm tháng giêng - ngày Tết Tây Tạng và các ngày hội kéo dài đến hết tháng, lại có hàng nghìn bức tranh, tượng bơ ra đời. Nếu là tượng thì chúng được thể hiện tương đối tự do trong các thế đứng vững chãi, còn với tranh, phù điêu thì thường được áp vào bên các thanh gỗ và chạm khắc trong các vòng tròn hoặc hình vuông mô phỏng các cánh hoa thiêng, hay mandala – hoàng cung thánh điện của một vị Phật, thần linh. Đặc biệt có rất nhiều tác phẩm được nặn dưới dạng torma, bánh đại mạch trộn bơ, theo tiếng Tạng có nghĩa là sự chia sẻ tình thương đối với muôn loài. Khi lễ xong, mỗi chiếc bánh đều được để ra ngoài cho chim thú hoặc người hành khất đến ăn. Qua việc cúng dường và thực hành bố thí, người ta mong rằng có thể đạt được tri thức và sự tỉnh giác hoàn toàn.
Tùy theo sức tưởng tượng, mỗi nơi nặn tượng rất khác biệt, cho ra những tác phẩm có một nội dung và kích cỡ riêng. Có những mảng là những hình người, hoa lá, chim thú quen thuộc, có những mảng lại trừu tượng, đan xen cầu kỳ thể hiện cho sự phong phú. Có cái chỉ nhỏ bằng bàn tay, có cái to cao đến chín, mười mét. Nói chung, thường thấy trên đó đồ hình vũ trụ Mandala, Đức Phật Sakyamuni, thần Brama, thần Vishnu, thánh tăng Karmapa, tứ thiên vương, bát bộ kim cương, châu ngọc Norbus, hoa lá Metog và linh thú… kích cỡ từ một đến ba mét. Mỗi cái đều làm thủ công và một số dụng cụ thô sơ như các khuôn hoa để làm hoa lá, các mảnh xương rỗng làm sợi và các kim gỗ tỉa cắt. Do bơ dễ tan chảy nên các nghệ nhân luôn phải sáng tác trong phòng lạnh, thậm chí còn phải ngâm tay trong nước đá cho lạnh giá khi cầm các cục bơ khỏi tan. Công việc kéo dài nhiều ngày hoặc tháng với từng tác phẩm, cho thấy sức chịu đựng kiên cường và sự hy sinh cao độ thế nào đối với tôn giáo và nghệ thuật.
Bên cạnh những pho tượng, tranh đắp muôn vàn màu sắc, vào đêm trong lễ hội đèn, một phần quan trọng của đại lễ cầu nguyện kéo dài từ Tết, mọi người còn thắp lên hằng hà sa số những bát nến đốt bằng bơ hoặc dầu thực vật, tạo ra một cảnh tượng lung linh, huyền ảo. Đặc biệt là những làn khói trắng tinh thơm mát bay bổng diệu kỳ, theo niềm tin dân gian sẽ đem lại sự tĩnh tại trong tâm hồn. Cũng theo thần chú Chakrasamvara, muốn cầu được ước thấy thì hãy thắp nên một trăm ngọn nến, do vậy trong suốt mùa hội, mọi nhà đều thắp nến sáng với hàng nghìn, hàng vạn ngọn đèn cầy. Họ đặt chúng trên các giá đèn nhiều tầng khi có gió là bùng lên tỏa rạng cho một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và thịnh vượng.
CHU MẠNH CƯỜNG