Cuộc đời, con người vị tướng tài bà, chính khách hết lòng vì nước Pháp được các diễn giả tọa đàm "Hồi ký chiến tranh của Charles de Gaulle" phân tích.
Charles de Gaulle (1890 – 1970) là một chính khách nổi tiếng của Pháp. Bộ ba cuốn Hồi ký chiến tranh là những tâm sự chân thành của tướng Charles de Gaulle về con đường ông đã trải qua để vực dậy nước Pháp. Một buổi tọa đàm đã được tổ chức nhân dịp phát hành tập một bộ sách bản tiếng Việt trung tuần tháng 5 vừa qua.
Tại tọa đàm, GS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – điểm lại thân thế sự nghiệp Charles de Gaulle. Vị tướng Pháp sinh ra trong một gia đình quyền quý. Ông theo học trường quân sự, rồi phục vụ trong quân đội. Ông tham gia chiến Thế giới I, bị thương ba lần, bị bắt làm tù binh trong hơn hai năm. Chiến tranh kết thúc, ông được tự do. Năm 1919, de Gaule được cử sang Ba Lan học về cách hiện đại hóa quân đội. Quan điểm của ông khác so với các lãnh đạo đương thời. Ông cho rằng cần cải cách quân đội theo hướng phối hợp các binh chủng. Chỉ có cách đó mới bảo vệ được đất nước. Nhiều lãnh đạo cao cấp không đồng tình quan điểm đó.
Thời quân Đức Quốc xã đánh Pháp, de Gaulle bỏ sang London, kêu gọi phong trào "Nước Pháp tự do". Tháng 6/1944, nước Pháp được giải phóng. Tháng 9/1944, ông thành lập chính phủ lâm thời. Do mâu thuẫn nội bộ, năm 1946 De Gaulle từ chức. Đến năm 1958, trong một cuộc bầu cử, ông được tín nhiệm với số phiếu rất cao, lên nắm chính quyền. Đến năm 1969, ông từ chức, về sống tại một vùng quê, chỉ nhận lương quân đội, chứ không nhận bổng lộc một nguyên thủ quốc gia. Trước khi mất, ông đề nghị không làm quốc tang, chỉ mong sự hiện diện của bạn bè. Ông qua đời năm 1970.
"De Gaule được coi như một anh hùng, nêu cao ngọn cờ đấu tranh cho tự do của Pháp. Ông có nhiều chính sách cải tổ, giữ nền cộng hòa cho Pháp" - Giáo sư Nguyễn Văn Khánh đánh giá.
[caption id="attachment_140943" align="aligncenter" width="410"]
Từ trái qua: Giáo sư Pierre Journourd, Đái sứ Jean Noel Poirrier, Giáo sư Nguyễn Văn Khánh tại tọa đàm.[/caption]
Một trong ba diễn giả của chương trình là ông Jean-Noel Poirier – Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Vị Đại sứ chia sẻ, khi ông được biết có cuộc tọa đàm về cuốn sách, ông đã can thiệp để được làm diễn giả tại chương trình. Ông Poirier cho biết mình là người hâm mộ De Gaulle.
De Gaulle là nhà quân sự tài ba, nhà văn hóa, một con người dũng cảm, có tầm nhìn rộng lớn về vận mệnh nước Pháp. Ông cũng có những quan điểm vô cùng lãng mạn. "Về De Gaulle, tôi chỉ muốn nhận mạnh ông chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của mọi người xung quanh. Nhưng ông vẫn luôn có những quyết định sáng suốt với vận mệnh nước Pháp ".
Ông Jean-Noel Poirier cho rằng Hồi ký chiến tranh là tác phẩm kể câu chuyện khó tin của một nhà quân sự, một đại tướng thuộc đội quân đã bị đánh bại. Trong khi chính quyền Pháp kêu gọi đầu hàng, thỏa hiệp, thì vị tướng này đã ra nước ngoài, kêu gọi người Pháp đứng lên.
"Tác phẩm không chỉ được kể bởi nhà quân sự, mà còn là một nhà văn. Viết lách luôn là một phần rất lớn cuộc đời De Gaulle, ông để lại một lượng lớn đầu sách. Bản thân cuốn sách đã nhận đề cử Nobel Văn học năm 1963" - Đại sứ Pháp tại Việt Nam nói.
[caption id="attachment_140942" align="aligncenter" width="410"]
Tập một bộ sách Hồi ký chiến tranh của Charles de Gaulle.[/caption]
Ông Pierre Journoud – Giáo sư Lịch sử tại Đại học Paul Valery Montpellier, Pháp – bày tỏ sự hồi hộp khi nói trước công chúng Việt về bộ sách lớn Hồi ký chiến tranh của De Gaulle. Pierre Journoud cho rằng De Gaule là một nhà văn có phong cách cường điệu, thường sử dụng nhiều điển tích, điển cố.
Giáo sư Pierre Journoud là tác giả của cuốn sách De Gaulle và Việt Nam. Theo ông, những năm 1953 – 1954, De Gaulle đã nhận thức rằng chủ nghĩa thực dân kiểu cũ ở Đông Dương không thể duy trì. Những năm 1960, De Gaulle ý thức được Việt Nam chia làm hai miền, ông không chọn theo phe nào, nhưng đã phát biểu: "Việt Nam chỉ có thể hòa bình khi thống nhất đất nước". De Gaulle có một chính sách mật, ông thúc đẩy mở ra cuộc hòa đàm tại Paris, ông cử đặc phái viên tới Hà Nội, Sài Gòn thăm dò chính quyền hai miền về việc lập một cuộc hòa đàm ở Paris. Và cuộc đàm phán này diễn ra năm 1968, sau đó hiệp định Paris ký kết năm 1973.
Tác giả cuốn De Gaulle và Việt Nam còn nhận xét cuộc đời Charles de Gaulle và Hồ Chí Minh khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai vĩ nhân đều sinh cùng thời, đều ra đi tìm đường cứu nước, rồi trở thành lãnh tụ. Không chỉ là những chính khách, cả Hồ Chí Minh và Charles de Gaulle đều là những nhà văn, nhà văn hóa lớn.
Theo Zing