Ngày 10-5, tại Hà Nội, Tổ chức Hướng tới minh bạch (IT) phối hợp với Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tổ chức Tọa đàm “Vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam”. Mục tiêu của Hội thảo là tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội chia sẻ ý kiến, bình luận để giúp hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề nói trên trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Đại diện Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội… tham dự Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trình bày 3 tham luận: (1) Những quy định mới và sửa đổi về vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong PCTN - Cơ sở lý luận và thực tiễn; (2) Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác PCTN; (3) Bình luận về các quy định pháp lý liên quan đến vai trò, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong PCTN.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ, để kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước nói chung thì vai trò của xã hội là rất quan trọng và điều này đã được khẳng định thông qua các nghị quyết, văn bản của Đảng và Chính phủ. Thực tế cũng cho thấy, các tổ chức xã hội đã tham gia phối hợp tốt trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và góp phần tích cực trong việc phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí được dư luận quan tâm.
Dự thảo Luật PCTN sửa đổi kế thừa các quy định trước đây về vai trò của xã hội trong PCTN, tuy nhiên có nhấn mạnh một số điểm sau: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên thuộc tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phát hiện, đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động PCTN một cách khách quan, trung thực. Bổ sung trách nhiệm của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng…
Ngoài ra, đây là lần đầu tiên, dự thảo Luật PCTN ghi nhận tổ chức xã hội là một chủ thể PCTN, quy định một chương riêng (Chương VIII) về PCTN trong hoạt động kinh doanh, các tổ chức xã hội, như: Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; áp dụng pháp luật PCTN đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng khu vực ngoài nhà nước; quy định về trách nhiệm của tổ chức xã hội không sử dụng ngân sách nhà nước trong PCTN (Điều 94); tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong các tổ chức xã hội (Điều 101); thực hiện minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ trong các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (Điều 102); thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với tổ chức xã hội (Điều 103).
Góp ý vào dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần đưa ra định nghĩa về các tổ chức xã hội rõ ràng hơn; quy định về vai trò của các tổ chức xã hội cần chủ động hơn nữa, như: Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về PCTN; giám sát và phản biện việc thi hành pháp luật PCTN; kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN; phòng ngừa rủi ro tham nhũng trong nội bộ; bỏ Điều 94.2 vì quy định trách nhiệm của tổ chức xã hội quá nặng nề, sửa Điều 103 thành cơ chế hỗ trợ tổ chức xã hội thực hiện các biện pháp này; xem xét mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho tổ chức xã hội về PCTN.
Theo Noichinh