Tình Hà Nội đằm thắm trong 'Băm sáu phố phường'

Có những cuốn sách không chỉ để đọc, mà còn để nâng niu và trân trọng, "Hà Nội băm sáu phố phường" là một trong những cuốn sách như thế.

Thạch Lam như dắt tay người đọc rong ruổi qua từng con phố của Hà Nội xưa, nếm từng thứ quà vặt ngon lành mà nay chỉ còn những kỷ niệm trong tâm tưởng. Cuốn sách là tập hợp những bài tùy bút về chốn Bắc Việt của tác giả đã từng đăng báo.

Những chi tiết đầy ngẫu hứng hoặc vu vơ, nhẹ nhàng trong một buổi đêm hè. Thạch Lam là một người Hà Nội, một người Hà Nội tự phụ và khó tính, bởi vậy mà những câu chữ tuy ra đời cách nay vài thập niên nhưng giờ đọc lại vẫn chưa hề “xưa cũ”. Trong văn chương đã từng có một thành phố đẹp như vậy, rất duyên dáng, hiền hòa đi cùng tháng năm.

Hà Nội băm sáu phố phường chủ yếu viết về chuyện phố,chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Khác với nhà văn Vũ Bằng, người luôn đề cao những món ăn đậm đà hương vị nhưng vẫn thanh tao thì trên địa hạt ẩm thực của Thạch Lam ông nhắc nhiều tới những thức quà vặt, quà ngọt ăn lót dạ nhưng vẫn vui mồm, thoải mái.

 Cuốn sách Hà Nội băm sáu phố phường.
Cuốn sách Hà Nội băm sáu phố phường.)

Đó là cốm, là bánh đậu, bánh khảo, kẹo lạc, chén trà nóng nghi ngút khói trong đêm đông. Ẩm thực Hà Nội với những nhà văn như Thạch Lam, Vũ Bằng là một lạc thú cầu kỳ. Người xứ Kinh Kỳ ăn uống cảnh vẻ và đòi hỏi ngon lành dù đó là một gia đình công chức hay giới thợ thuyền.

Giọng văn của Thạch Lam cũng không gay gắt giễu đời, chỉ nhỏ nhẹ như một lời thủ thỉ của thiếu nữ đang tâm tình với người thương. Dù nơi chốn đó có đang trở nên hỗn tạp bởi sự giao thoa văn hóa thì cơn giận của nàng thiếu nữ ấy vẫn êm ái, mềm mại, có phần oán trách, chê bai.

Tư tưởng sính ngoại, ấu trĩ khi cố gắng nhồi nhét tiếng Pháp cho sang của người dân trở thành một chủ đề ưa thích để Thạch Lanh trút bầu tâm sự. Ông than phiền về chi tiết cảnh đền Ngọc Sơn bị thay đổi gượng ép như sau: “Mắc đèn cho sáng, cho tiện những người đi lễ đền. Một ý tốt, rất tốt. Nhưng sao lại phải trả bằng một cách bôi nhọ vẻ đẹp của đền thế? Muốn sáng cổng và sáng cầu thiếu gì cách: mắc đèn vào những chỗ lõm khuất khúc của cổng và của cầu: đèn để như thế vừa được kín đáo, vừa không làm giảm vẻ đẹp, không kể cái lối ánh sáng đập lại ấy dịu dàng và làm tôn vẻ cảnh đền hơn lên”.

Thạch Lam rất khéo khen. Nhưng không phải những lời văn chương sáo rỗng xoay quanh tình yêu với thành phố ông đang sống. Nhờ lối viết kiệm lời nhưng vẫn sắc sảo, Hà Nội đẹp bởi nó có những món ngon với phong vị lạ lẫm, những người chủ quán coi khinh khách hàng nhưng vẫn cho ra đời vô vàn tuyệt phẩm mê đắm khiến người ta sẵn sàng bỏ công, bỏ sức để được thưởng thức.

Nhưng trong những câu chữ thân thương vẫn phảng phất một nỗi hoài niệm, lo lắng, ông viết: “Những cái tục lệ đẹp đẽ ấy nay mất dần đi. Sự sành ăn và cái thưởng thức của người nơi vật đã kém sắc sảo, ý nhị rồi chăng? Có thể mới ra đời được những thứ phục linh cẩu xanh đỏ và nhây nhớt, những thứ kem “Việt Nam” và “Hải Phòng” và “Thượng Hải” và trăm thứ bà rằn vừa nhạt vừa tanh… Tôi còn tha thứ hơn cái thứ “kẹo vừng, kẹo bột” ngày xưa tuy nó không ngon, nhưng ít ra cũng đem lại cho phố phường Hà Nội cái tiếng rao kéo dài và hơi buồn của lũ trẻ bán hàng”.

Nếu Thạnh Lam vẫn còn sống giờ ông chỉ mong mình được ngủ một giấc thật sâu để không thấy một Hà Nội bây giờ. Vẫn đẹp nhưng đau xót bởi ô nhiễm và khói bụi độc nhất nhì thế giới, với nỗi đau ấy, người với hồn phách bay bổng như ông sao chịu thấu nổi.

Như Thạch Lam viết, Hà Nội đẹp bởi con người nơi đây đẹp với cốt cách lạ lùng. Biết bao nghệ thuật trong một bức tranh nhỏ nhưng tinh tế. Và đến được với nghệ thuật ấy không phải chỉ có tài, mà còn phải có lòng yêu, yêu thành thực, yêu trong thâm tâm, yêu những cái bé bỏng của những đời bé bỏng, nghĩa là yêu Hà Nội, vì những cái bé bỏng ấy tức là tất cả Hà Nội.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin