Tìm chứng cứ hối lộ bạc tỉ trong các đại án: Khó như “tìm kim đáy bể”?

(Pháp lý) - Những thông tin về các khoản “hoa hồng”, “quà biếu” tiền tỉ được các bị can, bị cáo trong các đại án khai ra làm rúng động dư luận. Thế nhưng hầu hết các lời khai đó đến nay rất hiếm khi truy tìm được chứng cứ.

“Quà biếu” tiền tỉ được khai báo trong quá trình tố tụng

Ở phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài, Dương Chí Dũng có lời khai, ông ta xách một giỏ tiền đến đưa cho một cán bộ cao cấp ngành công an. HĐXX sau đó có yêu cầu Viện kiểm sát điều tra làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để chạy cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines và hành vi nhận 20 tỉ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát. Nếu có căn cứ vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các tình tiết lời khai của các bị cáo trong vụ án trên chưa được làm rõ.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong đại án Oceanbank khai về nhiều đơn vị, cá nhân nhận hoa hồng tiền tỉ nhưng đều bị phủ nhận.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong đại án Oceanbank khai về nhiều đơn vị, cá nhân nhận hoa hồng tiền tỉ nhưng đều bị phủ nhận.)

Một trong những vấn đề được Tòa án Hà Nội thẩm tra trong quá trình xét hỏi các bị cáo và những người liên quan trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) là chi tiền ngoài hợp đồng để “chăm sóc khách hàng” – “chi lãi ngoài hợp đồng”. Tài liệu tố tụng cho biết, trong đại án Oceanbank với hành vi chi chăm sóc khách hàng, lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, các bị cáo đã gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.700 tỷ đồng. Trong số đó có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức thuộc PVN và Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin) có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên của OceanBank nhận các khoản tiền lãi để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính. Điều đáng nói là số tiền chăm sóc khách hàng dành nhiều cho cán bộ nhà nước, trực thuộc các công ty của ngành dầu khí. Tuy nhiên hầu hết những cá nhân, tổ chức nhận hoa hồng đã chối bỏ việc nhận tiền chăm sóc khách hàng, không hợp tác, không đến phiên tòa để cho lời khai.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã gửi công văn đến 392 tổ chức kinh tế có tiền gửi tại Oceanbank trong giai đoạn 2011 - 2014, yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến việc gửi tiền, nhận tiền lãi ngoài lãi suất tiền gửi và nộp lại số tiền lãi hưởng lợi bất chính từ hành vi chi sai lãi ngoài của Oceanbank. Đến nay đã có 143 tổ chức kinh tế có văn bản trả lời, trong đó 19 đơn vị khẳng định có nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank và nộp lại hơn 3 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. 123 tổ chức có trả lời nhưng khẳng định không nhận được tiền chi lãi, hiện còn 249 tổ chức chưa trả lời. Việc làm rõ đơn vị nào nhận tiền chăm sóc khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mục đích phạm tội của các bị cáo, số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt, số tiền bị chi tiêu vào mục đích khác để ràng buộc trách nhiệm hoàn trả đối với tài sản nhà nước đã mất. Thế nhưng vấn đề này đến nay (thời điểm kết thúc điều tra giai đoạn 1 của đại án) chưa được làm sáng tỏ. Dư luận đang đặt hy vọng vào điều tra giai đoạn 2 của đại án.

Gần đây nhất, trong đại án Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà này có lời khai dùng 1,5 triệu đô (tương đương hơn 30 tỉ) để chạy ghế ĐBQH và dùng hơn 12 tỉ đồng để chạy dự án xây dựng cho công ty. Diễn biến tại phiên tòa, trong khi nhiều khoản chi khác của cựu ĐBQH này được chất vấn, truy xét đến nơi đến chốn, thì khi luật sư của bà này hỏi về khoản tiền bà Nga khai chạy ĐBQH, chạy dự án, thì lại bị HĐXX “lái” sang hướng “đã tách tình tiết đó thành một vụ án khác”. Còn bà Châu Thị Thu Nga muốn chủ động khai về khoản tiền chạy ĐBQH thì lại bị HĐXX “ngắt lời”.

Tại sao “mất dấu” quà biếu?

Trong vụ án Dương Chí Dũng, có ý kiến đặt ra là tại sao không khởi tố thêm vụ án “đưa, nhận hối lộ”, bởi Dương Chí Dũng cũng có khai đưa hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn USD cho một số cán bộ công an. Trả lời câu hỏi này của giới báo chí, Thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, nói: “Mọi quan điểm của HĐXX được thể hiện rất rõ ràng bằng bản án. Từ lời khai của Dương Chí Dũng và bị cáo Vũ Tiến Sơn tại cơ quan điều tra và tại tòa, HĐXX quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Lời khai hối lộ tiền tỉ của Dương Chí Dũng đến nay vẫn chưa được làm rõ vì những lý do khách quan
Lời khai hối lộ tiền tỉ của Dương Chí Dũng đến nay vẫn chưa được làm rõ vì những lý do khách quan)

Tương tự, kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung, Viện trưởng Viện KSND Quận 3 (TP.HCM), cho rằng qua phiên tòa xét xử và những lời khai của nhân chứng Dương Chí Dũng cho thấy so với dấu hiệu của tội đưa, nhận hối lộ thì dấu hiệu của tội “cố ý làm lộ bí mật của Nhà nước” rõ ràng hơn, đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Nhưng mọi lời khai của Dương Chí Dũng vẫn được xem là một nguồn tin tố giác tội phạm theo điều 101 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tố giác tội phạm đó phải được chuyển cho cơ quan điều tra xem xét.

Còn trong vụ Oceanbank thì 3 khách hàng Vip ngành dầu khí được tòa triệu tập, duy nhất chỉ có đại diện của PVOIL có mặt tại phiên tòa. Bà Lê Thị Hoài Giang – đại diện PVOIL tại tòa cho hay, đơn vị này có nhận được văn bản của cơ quan cảnh sát điều tra hỏi về sự việc. PVOIL rà soát lại toàn bộ hệ thống tiền thì khẳng định rằng không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ bị cáo Nguyễn Minh Thu và từ Oceanbank. Người đại diện cũng trình bày đã xác minh lại sự việc từ các cán bộ, lãnh đạo của của đơn vị này.

Theo bị cáo, những người nhận tiền không chấp nhận có giấy biên nhận. Về lý do, chi tiền tỷ không cần giấy tờ, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank khi đó là Nguyễn Minh Thu cho biết, Hà Văn Thắm đã đồng ý phê duyệt chi không cần giấy biên nhận vì đây là khoản chi lãi ngoài, lãi huy động vốn.

“Thực tế khách hàng không ký”, bị cáo Thu cho hay. Thực tế theo lời khai của các bị cáo khác tại tòa cho thấy, trong việc chi lãi ngoài là theo thỏa thuận, không ký giấy tờ. Sau khi sự việc xảy ra, khi các giám đốc chi nhánh đi đòi nợ, một số khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp trả lại tiền nhưng cũng không lập chứng từ..

 Tại tòa, bà Châu Thị Thu Nga đưa ra lời khai dùng 1,5 triệu đô để chạy ghế ĐBQH
Tại tòa, bà Châu Thị Thu Nga đưa ra lời khai dùng 1,5 triệu đô để chạy ghế ĐBQH)

Với vụ án của Châu Thị Thu Nga, bị cáo Nga hai lần xin được khai báo về khoản tiền này trước tòa nhưng lần đầu chủ tọa nhắc luật sư "nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án", lần sau bị mời về chỗ. HĐXX cho rằng Cơ quan cảnh sát điều tra đã lấy lời khai của những người mà bà Nga khai đã đưa tiền nhưng những người này đều không thừa nhận. Tiến hành đối chất, bà Nga và những người liên quan đều giữ nguyên lời khai của mình. Do thời hạn điều tra đã hết nên ngày 9/6/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tách nội dung này để điều tra làm rõ. Về nguyên tắc, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án đều phải được kiểm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa. Trong tổng số tiền quy buộc chiếm đoạt, thì bị cáo muốn chứng minh số tiền không chiếm đoạt, sử dụng… Dù thế nào thì các nội dung đó cũng cần được làm rõ. Tuy nhiên HĐXX cho rằng tình tiết đó đã được tách ra để điều tra trong một vụ án khác.

Tìm chứng cứ hối lộ tiền tỉ: khó như “mò kim đáy bể”?

Một luật sư kì cựu có nhiều năm bào chữa cho nhiều bị cáo bị kết tội tham nhũng chia sẻ: Tôi từng bào chữa cho một bị cáo bị buộc nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng. Người đưa hối lộ khai mang vali tiền hàng tỉ đồng đến nhà thân chủ tôi để biếu xén. Tại tòa, để xác thực lời khai này trong nhiều bút lục của vụ án, tôi hỏi người đưa hối lộ: Anh mang tiền đến nhà anh A vào thời điểm nào? Số nhà bao nhiêu? Tường nhà anh A màu gì? Ghế trong nhà đặt ở vị trí nào? Đặt câu hỏi như vậy để chứng minh lời khai đó có căn cứ xác thực bao nhiêu? Việc đó là một phần quan trọng để làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết liên quan đến việc phạm tội. Thực chất, việc xem xét chứng cứ này vẫn thuộc thẩm quyền của HĐXX dựa trên căn cứ của pháp luật. Điều 72 BLTTHS 2003 quy định: “Lời khai của bị can, bị cáo: Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Lời khai đó chỉ được sử dụng là chứng cứ khi nó phù hợp với những tài liệu chứng cứ khác như bằng băng ghi âm, ghi hình và biên nhận hoặc được những người kia thừa nhận. Trở lại vụ án cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga lừa đảo, nếu những người bị bà Nga khai đã đưa hối lộ mà từ chối thì rất khó chứng minh vi phạm.

Việc xem xét chứng cứ chứng minh hành vi tham nhũng đã được đổi mới nhiều trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Việc thu thập và công nhận chứng cứ điện tử, chứng cứ ghi âm, ghi hình… Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, phải chăng cần một cơ chế đặc biệt hơn khi xem xét chứng cứ tham nhũng, khi thấy có việc tố cáo tham nhũng và tài sản của quan chức gia tăng bất thường.

Luật sư Hoàng Huy Được (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Ở một số nước trên thế giới (tiêu biểu là Trung Quốc) khi có tố cáo tham nhũng, khi thấy tài sản bất thường thì có thể tiến hành điều tra, tịch thu tài sản… Họ có cuộc chiến chống tham nhũng rất mạnh mẽ và sắc bén. Để làm được như vậy là do pháp luật của quốc gia đó đã quy định rõ ràng cơ chế để thực hiện các hoạt động này. Gần đây, một số vụ việc nổi cộm ở Đà Nẵng, tôi nhận thấy cử tri mong mỏi thu hồi tài sản của lãnh đạo địa phương này… Tuy nhiên pháp luật hiện thời của ta chưa có cơ chế, quy trình để làm điều này.

Ở một vụ án khác, dù lời khai ban đầu của bị cáo là đã mang tiền biếu tặng cho những người có quyền hạn, tức là đã có dấu hiệu của những tội như đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên, để tránh bị truy tố về tội danh đưa hối lộ, người đưa lại cho rằng, họ chỉ đưa quà biếu tặng cho nhau vì quý mến và quen biết nhau. Điều này không phạm luật. Tuy nhiên, Luật PCTN (sửa đổi) đã có những quy định về việc nhận quà biếu giá trị lớn. Theo đó, Điều 26. Tặng quà và nhận quà tặng quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Khi được tặng quà thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công…”.

Thế nhưng, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia thì việc quy định như vậy vẫn chưa phù hợp. Quy định và chế tài đối với việc nhận quà biếu còn nặng tính hình thức và hành chính. Bộ luật Hình sự còn thiếu tội danh quy định về hành vi nhận quà biếu có giá trị lớn thì sẽ tiếp tục bỏ lọt trách nhiệm hình sự liên quan đến những khoản quà cáp giá trị lớn mà thực chất đó là quà hối lộ.

Minh Hải

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin