Thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước…
“Tình trạng gia tăng của bất bình đẳng tại Việt Nam đang đe dọa thành tựu phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua” – Đây là một trong những phát hiện từ nghiên cứu sâu về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam được tiến hành trong khuôn khổ “Chiến dịch thu hẹp khoảng cách tại Việt Nam” do tổ chức Oxfram thực hiện.
Nghiên cứu cho thấy, mức độ thay đổi khoảnh cách giàu nghèo trong xã hội giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhấ khá lớn. Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất trong 10 năm.
Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu.
Thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước…
Báo cáo cũng chỉ ra, bất bình đẳng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm nghèo nhất bị “lề hóa” khi lợi ích tập trung vào nhóm giàu.
Việc không được tiếp cận với các dịch vụ công như y tế và giáo dục do thu nhập thấp và bị phân biệt đối xử đang làm kìm hãm sự tiến bộ của nhóm hộ nghèo.
Người nghèo cũng có xu hướng sử dụng các dịch vụ y tế ít hơn người khá giả, trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có thể sử dụng nhiều loại dịch vụ nội và ngoại trú và cũng có nhiều cơ hội khám và điều trị hơn.
Bất bình đẳng về kinh tế cũng duy trì bất bình đẳng giới trong xã hội. Trong nhiều trường hợp, một hay hai trẻ trong gia đình, thường là trẻ em gái, phải “hy sinh con đường học hành của mình” vì kinh tế gia đình. Lao động nam vẫn có thu nhập trung bình cao hơn 33% so với lao động nữ, được kiểm soát đất đai và tài sản có giá trị trong gia đình.
Nghiên cứu cũng tập trung rà soát bốn trụ cột của khung chính sách về bình đẳng, bao gồm hệ thống thuế, “xã hội hóa” các dịch vụ công, chi tiêu công cho y tế và giáo dục, và chính sách cho người lao động.
Các chính sách hiện hành của Việt Nam theo bốn lĩnh vực này cho thấy cả điểm mạnh và những điểm cần cải thiện. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điểm yếu nhất cần khắc phục là thể chế để đảm bảo bình đẳng trong xã hội và kinh tế.
Lấy hình ảnh trên một chuyến bay, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, dù ở mức giá nào, mọi người trên chuyến bay đều được thụ hưởng những điều kiện cơ bản như nhau.
Như vậy bình đẳng trong xã hội cũng cần đảm bảo cho mọi người, nhất là những người yếu thế, người nghèo cũng có điều kiện được hưởng các các dịch vụ xã hội, phúc lợi xã hội như nhau để giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Theo Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, nghèo đói và bất bình đẳng không phải là vấn đề tất yếu. Mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau Đổi Mới đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân Việt Nam thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.
Tuy nhiên, khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng đang ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam, như bất bình đẳng theo vùng, giữa các giới và nhóm dân tộc, và các dạng chênh lệch về tiếng nói và cơ hội.
Nghĩa là chính sách giảm nghèo chưa tính đến cách giàu nghèo, hệ thống thuế chưa công bằng và tiến bộ trong giải quyết vấn đề bất bình đẳng, bỏ sót nhóm đối tượng có thu nhập cao…
“Để ngăn chặn nghèo và giảm nghèo mạnh hơn nữa, Chính phủ cần nhìn nhận tất cả các dạng bất bình đẳng về kinh tế và cơ hội đang gia tăng tại Việt nam và có các biện pháp chính sách để giảm bất bình đẳng. Nếu không, những người nghèo nhất, và những người thiệt thòi, sẽ không được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế”” Bà Lefur phát biểu.
Qua những phân tích đa chiều về bất bình đẳng, để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nghiêm trọng hiện nay, Việt Nam cần thực hiện ngay các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, hệ thống thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, quyền của người lao động và sự tham gia của người dân.
Theo Bao Phapluat