Các bị can, trong đó có giám đốc sở TN-MT và 2 phó giám đốc sở Sơn La,. đã cấu kết với nhau khai khống diện tích đất khi đo đạc của người dân để "rút ruột" ngân sách nhiều tỉ đồng trong vụ án liên quan thủy điện Sơn La.
Tính tới ngày 21-11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tinh Sơn La đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều bị can trong vụ án liên quan tới việc đền bù, di dân tái định cư ở thủy điện Sơn La, trong đó có 3 lãnh đạo thuộc Sở Tài chính và Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Sơn La.
Cụ thể, Giám đốc Sở TN-MT Triệu Ngọc Hoan bị khởi tố, áp dụng biện pháp tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú. Phó giám đốc Sở Tài chính Trương Tuấn Dũng, và Phó giám đốc Sở TN-MT Phan Tiến Diện bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động, 3 bị can nêu trên đã cấu kết với các bị can khác cố ý làm trái quy định, khai khống nhiều diện tích đất đền bù để rút ruột ngân sách. Trong đó, các bị can đã hợp thức hóa các bản vẽ, đo đạc diện tích đất của những hộ dân để đưa vào hồ sơ xét duyệt.
Qua tìm hiểu của phóng viên, năm 2014, tỉnh Sơn La có chủ trương giao UBND huyện Mường La đo đạc phần đã bồi thường và chưa bồi thường di dân tái định cư để lập phương án trình UBND tỉnh.
Khi biết được chủ trương này, các bị can đã thông đồng để hợp thức hoá nhiều giấy tờ nhận tiền đền bù. Cơ quan công an xác định việc làm này của các bị can đã gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỉ đồng.
Cụ thể, ông Trương Tuấn Dũng, thời điểm đó đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, đã cùng một số cán bộ thuộc hội đồng bồi thường tiến hành đo đạc diện tích sai quy định, với mục đích khai khống diện tích gấp nhiều lần so với diện tích thực tế của người dân, để nhận tiền đền bù.
Thời gian sau, ông Phan Tiến Diện được bổ nhiệm thay vị trí của ông Dũng, còn ông Dũng được điều động về giữ chức Phó giám đốc Sở Tài chính. Sau khi lên làm Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, ông Diện đã ký nhiều văn bản trái quy định liên quan đến đo đạc, thu hồi đền bù đất.
Ngày 20-11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của bị can Đèo Văn Ban (61 tuổi), nguyên cán bộ UBND huyện Mường La, bí thư chi bộ bản Co Chai, xã Mường Chùm (huyện Mường La) để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan An ninh điều tra, gia đình ông Ban có diện tích đất khoảng 4,5 ha. Tại thời điểm năm 2014, khi tiến hành đo đạc, nhiều diện tích đất bị ngập nước khiến việc đo không tiến hành được. Tuy nhiên, ông Ban và những người liên quan vẫn lập hồ sơ đo đạc và khai khống diện tích đất lên hơn 17 ha với mục đích nhận tiền đền bù.
Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định với thủ đoạn nêu trên, nhiều diện tích đất của các hộ dân bị ngập nước không thể đo đạc, nhưng trên hồ sơ, bản đồ, bản vẽ vẫn thể hiện đầy đủ. Qua đó kê khai tăng diện tích lên gấp nhiều lần để nhận tiền đền bù từ ngân sách.
Nhà máy Thủy điện Sơn La được Chính phủ quyết định giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy năm 2003, khởi công năm 2004, vận hành tổ máy đầu tiên năm 2010 và khánh thành tháng 12-2012. Nhà máy có dung tích hồ chứa thủy điện 9,26 tỉ m3 nước, tổng công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm khoảng 10ỉ kwh; tổng sản lượng điện từ năm 2010 đến 2017 là 56,2 tỉ kwh.
Để xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, 3 tỉnh gồm: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phải di chuyển tổng cộng 20.340 hộ với 92.301 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập. Trong đó, tỉnh Sơn La có 12.584 hộ, 60.000 nhân khẩu tái định cư tại 70 khu với 276 điểm tái định cư trong tỉnh. Ngoài ra, còn phải điều chỉnh 15.985 hộ, 75.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng.
Theo NLD