Thông tư số 24/2021/TT-NHNN: Bước đệm cho hoạt động tài chính của các ngân hàng lành mạnh hơn

20/04/2022 08:39

Từ giữa tháng 4/2022, Thông tư số 24/2021/TT-NHNN (Thông tư 24) chính thức có hiệu lực và những quy định mới thực thi được kỳ vọng sẽ là bước đệm tốt cho các ngân hàng chuẩn hóa hệ thống báo cáo tài chính. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vẫn có những kỳ vọng giới tài chính mong muốn nhưng vẫn chưa được đáp ứng trong nội dung Thông tư 24.

Sẽ có những thay đổi cơ bản

Thông tư số 24 là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng).

4-1650418657.jpg

Thông tư 24 đã tạo sự chủ động hơn cho các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng báo cáo nội bộ.

Theo một số chuyên gia lĩnh vực kiểm toán, thực tế tình hình kiểm toán tại một số ngân hàng thương mại trước đây trong phần báo cáo kiểm toán hoạt động không nêu rõ rủi ro của những phát hiện kiểm toán đối với từng thành phần được kiểm toán.

Cũng như vậy, sau khi kiểm toán hoạt động, nhóm kiểm toán không ghi đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra sau phần “phát hiện” nên các ngân hàng được kiểm toán cũng không rút kinh nghiệm sửa chữa, không thấy hết ảnh hưởng của sai sót, vi phạm. Điều này chưa thể hiện được vai trò thực sự của kiểm toán hoạt động là tư vấn, cảnh báo cho đối tượng kiểm toán thấy được các nguy cơ xuất hiện các rủi ro, nhận diện rủi ro cho hoạt động của ngân hàng thương mại.

Trong nội dung quy định tại Thông tư 24, việc kiểm toán độc lập hoạt động từ hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng phải có tối thiểu một số nội dung cơ bản, bao gồm: Kiểm toán hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng; kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán ngân hàng thuộc danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng theo công bố của Bộ Tài chính cho giai đoạn thực hiện kiểm toán.

Trường hợp các ngân hàng là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán thì tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán cho các ngân hàng đó phải thuộc danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán theo công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho giai đoạn thực hiện kiểm toán.

Kiểm toán “ngại” ngoại trừ

Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam mới đây, ông Trần Hồng Kiên - Phó Tổng giám đốc, chuyên gia kiểm toán cao cấp thuộc Công ty PwC Việt Nam cho biết, một trong những mặt tích cực được thể hiện trong Thông tư 24 là văn bản này đã đưa ra được sự chủ động hơn cho các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng báo cáo nội bộ.

Thông tư 24 đã có những quy định việc ngân hàng thương mại phải thực hiện kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nội dung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ.

Ngoài ra, Thông tư 24 cũng đã đưa ra yêu cầu báo cáo kiểm toán đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng tối thiểu phải đánh giá được tình hình tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Các nội dung đánh giá bao gồm việc xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống kiểm soát nội bộ và đánh giá được tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống này trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro và các mục tiêu khác của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, một số chuyên gia kiểm toán cũng đánh giá rằng, một số quy định bất hợp lý trong Thông tư 39 trước đây đã được lược bỏ trong nội dung Thông tư 24. Chẳng hạn, quy định cũ yêu cầu tổ chức đã cung ứng dịch vụ kiểm toán cho ngân hàng thì không được thực hiện các dịch vụ khác như tư vấn tài chính, định giá tài sản… Theo đó, việc lược bớt những yêu cầu có tính chất cứng nhắc như trên cũng được kỳ vọng có thể tạo thuận lợi cho các tổ chức kiểm toán và ngân hàng thực hiện các dịch vụ liên quan.

Tuy nhiên, ông Trần Hồng Kiên cho biết, một số nội dung còn để lại những bất cập trong quá trình thực hiện thực tế trước đây nhưng vẫn chưa được khắc phục tại Thông tư 24. Chẳng hạn, quy định việc báo cáo kiểm toán của ngân hàng nếu có ý kiến ngoại trừ sẽ phải thực hiện kiểm toán lại. “Việc này khiến cho tổ chức kiểm toán khi kiểm toán ngân hàng có tâm lý ‘ngại ngần’ đưa ra ý kiến ngoại trừ”- ông Kiên nhận xét.

Theo nội dung quy định tại Thông tư 24, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, các ngân hàng được kiểm toán sẽ phải gửi kết quả kiểm toán lại cho Ngân hàng Nhà nước để báo cáo.

Một số nội dung quy định tại Thông tư 24

Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp phát hiện kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán vi phạm quy định pháp luật trong quá trình thực hiện kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng).

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Nguồn bài viết: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thong-tu-so-242021tt-nhnn-buoc-dem-cho-hoat-dong-tai-chinh-cua-cac-ngan-hang-lanh-manh-hon-103664.html

Bạn đang đọc bài viết "Thông tư số 24/2021/TT-NHNN: Bước đệm cho hoạt động tài chính của các ngân hàng lành mạnh hơn" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin