Thông điệp ngầm trong “Công lý thép”

10/02/2016 03:40

(Phap ly) - “Công lý thép” là một bộ phim đáng chú ý của điện ảnh Trung Quốc và được xem là phim tâm lý hành động hay nhất trong 2015. Những người làm công tác tư pháp khi xem phim hẳn sẽ có những nhìn nhận lý thú, bổ ích. Ngoài chuyện chiến thắng của sự thật thì bộ phim còn ca ngợi những người làm công lý có quyết tâm, trái tim và lương tâm thép, không bị đổi thay hay suy đồi bởi đồng tiền.

Phiên tòa kịch tính

Bộ phim dựng lại bối cảnh một phiên tòa xử “tiểu thư nhà đại gia giết hại người tình của cha”. Theo đó, Lưu Manh Manh bị cáo buộc tội giết Dương Đan cô ca sĩ nổi tiếng là người tình của cha cô là đại gia Lâm Thái.

[caption id="attachment_135271" align="aligncenter" width="410"]Công tố viên trong phim, người có quyết tâm thép trong đấu tranh với tội phạm Công tố viên trong phim, người có quyết tâm thép trong đấu tranh với tội phạm[/caption]

Hồ sơ ban đầu của vụ án cho thấy sau một đêm vui vẻ hết mình ở vũ trường, Lâm Manh Manh gọi điện cho ca sĩ Dương Đan (người tình của cha mình gây sự) sau đó lái chiếc xe màu đỏ của mình đến khu chung cư của cô này sinh sống. Hai người cãi cọ trên ô tô sau đó Manh Manh nổi giận tông xe vào Dương Đan. Sau khi ngã xuống, não của Dương Đan đập vào chiếc đinh và tử vong bởi những vết thương trên não. Tại phiên tòa lần đầu tiên, Manh Manh thú nhận việc mình lái xe đến nhà ca sĩ Dương Đan nhưng cho biết vì trong tình trạng say xỉn nên không biết có đâm chết cô ca sĩ là người tình của cha mình hay không.

Biến cố của phiên tòa đầu tiên xoay quanh chứng cứ là lái xe của Dương Đan – là người đã gọi điện thoại báo án. Luật sư biện hộ của Manh Manh đã dựa vào bản giám định pháp y kết luận về cái chết của Dương Đan và đưa ra lập luận cô ta chết không phải do bị tông xe mà do bị đập đầu vào chiếc đinh sau đó, nguyên do là sự cố ý của lái xe của Dương Đan. Tên này hành động như vậy là do sự căm hờn của mình với ông chủ Lâm Thái (Lý do là ông Lâm Thái đã từng có quan hệ bất chính với vợ anh ta). Bằng những chứng cứ thu thập được, luật sư biện hộ đã khéo léo để gạt trách nhiệm gây ra cái chết của Dương Đan cho lái xe này.

Trước sự lập luận đó, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng. Hóa ra cái chết của ca sĩ không phải do Manh Manh mà lại do lái xe của chính cô ta? Tưởng rằng vụ án đã khép lại vì đã tìm ra thủ phạm. Thế nhưng tổ công tố là bên có những nghi ngại về vấn đề này. “Hẳn việc nhận tội thay này phải được trả bằng rất nhiều tiền”? Họ lần tìm các chứng cứ để chứng minh. Tuy nhiên cái xấu đã đi trước một bước.
Vụ việc tưởng rằng khép lại vì lập luận và các bằng chứng chứng minh người lái xe gây ra cái chết của ca sĩ Dương Đan đã rất kín kẽ và hoàn hảo. Tuy nhiên bất ngờ tổ công tố nhận được thư nặc danh nói “người gây ra cái chết của Dương Đan không phải là Manh Manh” và gửi đến tổ đoạn clip – cũng là bằng chứng, chứng minh người gây ra cái chết của Dương Đan chính là đại gia Lâm Thái. Kẻ trên chiếc xe màu đỏ đã bị vạch mặt.

Cuộc đấu trí giữa công tố và luật sư

Trong bối cảnh đó, hình ảnh những công tố viên hiện lên là những sốt sắng nhanh chóng phá án. Còn luật sư hiện lên trong phim điềm nhiên, lạnh lùng, ma quái. Cuộc đấu trí của họ xoay quanh những giả thiết về thủ phạm  và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.

[caption id="attachment_135270" align="aligncenter" width="410"]   Đại gia Lâm Thái trong phim (ảnh giữa) – kẻ cuối cùng vẫn thất bại trước “Công lý thép”
Đại gia Lâm Thái trong phim (ảnh giữa) – kẻ cuối cùng vẫn thất bại trước “Công lý thép”[/caption]

Trong phiên tòa, thủ phạm gây ra vụ án mạng liên tục bị thay đổi. Nghi vấn đều tiên là Manh Manh – cố giết người tình của cha mình, tiếp đến là người lái xe  - cố giết người tình của kẻ thù của mình… điều đáng nói là lần nào các giả thiết đó cũng được chứng minh một cách thuyết phục bằng các bằng chứng và lập luận. Đối với Manh Manh, không có một bằng chứng nào thể hiện chính xác người gây ra cái chết của Dương Đan, tất cả chỉ là suy luận từ việc cô hét tại vũ trường, cô lái chiếc xe của cô. Đối với lái xe, cũng chỉ là các suy luận gián tiếp.  Thế nhưng sự thật vụ án lại chỉ có một và nó lại được tìm ra bằng con đường khác.

Đồng Đạo nhân vật chính trong phim là Công tố viên trẻ của Viện kiểm sát. Anh từng phanh phui nhiều vụ trọng án. Cũng là người nhiều lần buộc tội đại gia Lâm Thái mà không thành. Rất nhiều chi tiết trong phim khiến người ta thấy công tố viên trẻ này “quá duy ý chí”. Anh có niềm tin rằng Manh Manh gây ra tai nạn và cố chứng minh điều đó. Tuy nhiên lần đầu tiên, lập luật và cách chứng minh của anh không chặt chẽ và thuyết phục bằng luật sư biện hộ.

Luật sư biện hộ của vụ án là Chu Liệt, cô ta được giới thiệu là một luật sư đắt đỏ và ma quái. Luật sư này đưa ra lập luận: Lái xe ăn cắp chiếc đồng hồ của Dương Đan và làm cô ta chết vì cái đinh… từ đó vạch ra chỗ nói dối của lái xe và khép cho anh này tội giết chết Dương Đan. Bằng sự sự khiêu khích được sắp xếp, luật sư đã ép lái xe này nhận tội.

Tuy nhiên sự thật của vụ án đó cũng chưa phải sự thật cuối cùng. Phải mãi sau này khi có chứng cứ do một người nặc danh gửi đến, có bằng chứng rõ ràng về việc Lâm Thái gây tội, Đồng Đạo mới có một cú phản công quyết liệt. Anh xin tòa cho nghỉ 10 phút, tác động vào sự kiêu ngạo của người đàn ông có tiền, muốn sở hữu người đẹp  của Lâm Thái khiến ông này phải cúi đầu nhận tội. Thủ pháp mà công tố viên khiến Lâm Thái nhận tội cũng y như thủ pháp mà Luật sư ma quái Chu Liệt đã làm nhưng không được sắp xếp từ trước. Và cuối cùng công lý đã chiến thắng.

Những thông điệp ngầm đáng nghĩ suy…

“Công lý thép” là bộ phim xoay quanh một phiên tòa với nhiều biến cố đến ngạt thở. Bộ phim được xây dựng trên kịch bản như một chương trình truyền hình trực tiếp về phiên tòa nên các tình tiết sắp xếp trong phim hợp lý lại rất chặt chẽ.  Nó phản ánh về thế giới của đại gia, người đẹp và quyền lực của đồng tiền nhưng hơn hết vẫn là sự chiến thắng của công lý. Không chỉ vậy, nó đưa lại bài học để những người làm công tác tư pháp đáng để ngẫm.

Công tố viên từng nhận định Manh Manh là người gây án. Luật sư biện hộ thì cho rằng người gây ra cái chết của bị hại là lái xe của chính bị hại. Mãi sau khi có chứng cứ mới làm thay đổi toàn diện vụ án thì hung thủ mới được xác định là Lâm Thái. Bộ phim đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, còn đối với vụ án thì người làm tố tụng được đưa từ giả thiết này đến giả thiết khác... Không thể tuyệt đối giả thiết nào khi chưa có chứng cứ rõ ràng, đó cũng là bài học mà người làm công tác tố tụng phải lưu tâm để không gây ra oan sai.

Trong phim có đoạn, đại gia Lâm Thái từng đưa ra đề nghị hối lộ: “Xin tha cho chúng tôi, xin đưa ra cái giá…”. Dù đang ở thế của người tạm thua cuộc nhưng không thấy sự nao núng hay ý chí thỏa hiệp trong đôi mắt của người công tố có quyết tâm đấu tranh với tội phạm đến cùng. Phải chăng điều đó đưa đến thông điệp, chỉ tìm thấy công lý khi người đấu tranh với công lý có quyết tâm đấu tranh với tội phạm “cứng như thép” và không thỏa hiệp với đồng tiền?

Cách mà chứng cứ được gửi đến tổ công tố để buộc tội Lâm Thái khiến người xem phim không khỏi nghĩ ngợi. Phải chăng đó là “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”. Sự sắp đặt của con người không thể lớn hơn sự sắp đặt của lưới trời.

Phan Phan

Bạn đang đọc bài viết "Thông điệp ngầm trong “Công lý thép”" tại chuyên mục Sách hay. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin