Thay đổi đáng kể, người dân đánh giá tham nhũng giảm

Kết quả khảo sát PAPI 2017 công bố sáng 4-4 cho thấy sự thay đổi đáng kể theo cảm nhận và trải nghiệm của người dân về tham nhũng trong khu vực công.

Tại buổi công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017 tổ chức ngày 4-4 tại Hà Nội, kết quả khảo sát PAPI 2017 cho thấy sự thay đổi đáng kể theo cảm nhận và trải nghiệm của người dân về tham nhũng trong khu vực công.

 Buổi công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017
Buổi công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017)

Trong 6 chỉ số nội dung được đo lường năm 2017, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công gia tăng đáng kể nhất. Người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về công tác phòng chống tham nhũng: chỉ có 17% người trả lời cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm so với tỉ lệ 23% năm 2016; tỉ lệ người cho biết họ đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện/thành phố giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9% năm 2017.

Nhìn chung, 33 tỉnh, thành có điểm chỉ số nội dung này tăng lên so với năm 2016, trong đó các tỉnh Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lào Cai và An Giang tăng 20% hoặc cao hơn so với năm trước. Trong 6 tỉnh có điểm chỉ số nội dung này giảm sút nhất là tại 3 tỉnh Đắk Nông, Hưng Yên và Hải Phòng với mức sụt giảm từ 9 điểm % trở lên.

Người dân cũng cho biết nhìn chung trách nhiệm giải trình với người dân có cải thiện nhưng không đáng kể. Năm 2017, khoảng 25% người trả lời cho biết họ đã gặp trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố khi có khúc mắc, tăng khoảng 3% so với năm 2016. Trong đó, 83% cho biết hài lòng với cuộc gặp, thấp hơn tỉ lệ 85% năm 2016.

Khi được hỏi về vấn đề đáng quan ngại nhất cần Nhà nước ưu tiên giải quyết, 28% người trả lời chọn nghèo đói là vấn đề họ quan ngại nhất. Cao thứ nhì là tăng trưởng kinh tế và thứ 3 là việc làm. Vốn được chọn là vấn đề cấp thiết thứ 2 trong năm 2016, đến năm 2017, môi trường xuống vị trí đáng quan ngại thứ 4 nhưng số người trả lời quan ngại về môi trường tiếp tục gia tăng kể từ năm 2015.

Khảo sát năm 2017 cũng nghiên cứu sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Kết quả cho thấy đa số người dân, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao, không muốn đánh đổi môi trường lấy kết quả tăng trưởng kinh tế.

PAPI 2017 cho thấy các cấp chính quyền cần tiếp tục chú trọng phát triển công bằng, bình đẳng, tăng cường công khai, minh bạch và chủ động tham vấn ý kiến người dân.

14.000 người dân được phỏng vấn ngẫu nhiên

Chỉ số PAPI 2017 là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trinh phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành đã được phỏng vấn trong giai đoạn khảo sát PAPI 2017.

Theo NLD

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin