Tháo gỡ rào cản pháp luật gây khó cho công tác xác định và xử lý tài sản bất minh

(Pháp lý) - Một trong những thước đo hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng là việc thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, tài sản bất minh. Tuy nhiên việc này chưa bao giờ dễ dàng, nếu không nói là vô cùng gian nan.

Nhức nhối dư luận trong thời gian gần đây là các vụ việc liên quan đến khối tài sản khủng của quan chức, của gia đình quan chức đã và đang được thanh kiểm tra, kết luận. Dư luận vẫn đang mong ngóng trách nhiệm pháp lý cuối cùng. Liệu khối tài sản ấy có hình thành hợp pháp? sẽ bị xử lý thế nào nếu đó là tài sản bất minh, có được là do vi phạm pháp luật?

Chuyên mục Diễn đàn – Luật gia kỳ này, nhóm Phóng viên Nội chính của Pháp lý sẽ cùng các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia pháp luật kỳ cựu đi sâu mổ xẻ, phân tích làm rõ, từ đó có những kiến nghị về cơ chế pháp luật với mong muốn góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, quyết liệt hơn nữa.

Bài 1: “Một người làm quan cả họ được nhờ”

Người xưa có câu: “một người làm quan cả họ được nhờ” để nói về cái thuận của người làm quan trong việc vun vén, bợ đỡ cho người thân. Nay thực tế ấy dường như càng rõ nét và được minh chứng trong nhiều vụ việc đình đám gần đây...

Khi quan chức “chống lưng” cho chồng kinh doanh

Từ nhiệm vụ được giao, bà Phan Thị Mỹ Thanh (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) đã dùng quyền hạn của mình để “kiến tạo” những thuận lợi khó tin cho công ty do chồng làm Chủ tịch HĐTV. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã vào cuộc xác minh các nội dung tố cáo của cổ đông Liên minh hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) với bà Phan Thị Mỹ Thanh khi làm phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (nay là phó bí thư Tỉnh ủy - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đứng sau “chống lưng” cho chồng là giám đốc Công ty Cường Hưng. Donacoop tố cáo đích danh bà Thanh kê khai tài sản không minh bạch, “tiếp sức” cho Công ty Cường Hưng bằng cách ký duyệt dự án làm đường ở khu vực mỏ đá Tân Cang, sử dụng ngân sách nhà nước để đền bù và đặc quyền đầu tư một số dự án, công trình ở tỉnh Đồng Nai. Donacoop còn tố cáo giám đốc Công ty Cường Hưng hợp đồng hợp tác đầu tư dự án gần 92ha nhưng chiếm dụng để phân lô, bán nền và không trả tiền, lãi vay gần 500 tỉ đồng kéo dài trong nhiều năm...

Kiểm tra các nội dung tố cáo, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận: Trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Công thương, bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, chủ tịch hội đồng thành viên. Điều này là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng. Trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh có các vi phạm, khuyết điểm: ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm.

Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng và đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo
Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng và đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo)

Trong thời gian này, bà Thanh còn ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc và vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư. Bà Thanh còn không minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy những vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng và quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo.

Dư luận đặt vấn đề, liệu sau kỉ luật về mặt Đảng với hình thức cảnh cáo thì bà Thanh liệu đã hết trách nhiệm? Khối tài sản của gia đình của công ty chồng bà được kiến tạo một phần từ hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn đó sẽ được xử lý thế nào?

Không phải đến bây giờ chuyện quan chức có “sân sau” mới lộ ra, lâu nay người dân và nhất là giới doanh nghiệp làm ăn vẫn râm ran chuyện này nhưng để chỉ mặt, đặt tên cụ thể công ty nào, của ai thật không dễ. Thực tế, có thể còn nhiều “sân sau” khác khó phát hiện hơn. Bởi “sân sau” núp bóng dưới nhiều hình thức, được ngụy trang nhiều lớp mà quan chức hưởng lợi có khi chỉ góp vốn bằng... chính sách, quyết sách trong tầm tay.

Thứ trưởng Bộ Công thương và cả gia đình giàu có

Dư luận từng râm ran với những khối tài sản lớn của bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công thương) và gia đình bà. Cụ thể: Trong báo cáo quản trị doanh nghiệp của Công ty Điện Quang, tính đến ngày 30/11/2016, số cổ phiếu mà bà Thoa nắm giữ là 1,68 triệu cổ phiếu, tương đương 4,91% vốn. Tiếp đó con gái lớn bà Thoa là Nguyễn Thái Nga đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Điện Quang, sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 12,01%. Với hơn 4,1 triệu cổ phiếu DQC, Nguyễn Thái Nga có hơn 235 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, ái nữ của bà Hồ Thị Kim Thoa đứng ở vị trí thứ 108 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

 Gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản khủng tại Công ty Điện Quang (trong ảnh: bà Thoa và Nguyễn Thái Nga - con gái lớn bà Thoa (người giữa) và ông Hồ Quỳnh Hưng – em trai bà Thoa (người bên phải), Tổng Giám đốc Công ty Điện Quang)
Gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản khủng tại Công ty Điện Quang (trong ảnh: bà Thoa và Nguyễn Thái Nga - con gái lớn bà Thoa (người giữa) và ông Hồ Quỳnh Hưng – em trai bà Thoa (người bên phải), Tổng Giám đốc Công ty Điện Quang))

Một người con gái khác của bà Hồ Thị Kim Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm giữ hơn 2,23 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 6,49%, với giá trị đạt hơn 131,5 tỷ đồng tính theo giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo thông tin từ Công ty Điện Quang, tháng 4/2016, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê giữ chức vụ Giám đốc Dự án Công ty CP Bóng đèn Điện Quang.

Tiếp đến là em trai của bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng, được bổ nhiệm chức Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty chỉ sau 5 ngày bà Thoa được bổ nhiệm Thứ trưởng (tháng 5/2010), nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 7,33%. Theo thị giá cao nhất sáng 13/2 của DQC, lượng cổ phiếu này của ông Hưng có giá trị gần 144 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Hưng lọt vào Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, mẹ của bà Thoa là bà Trần Thị Mỹ Xuân cũng nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu, tương đương 3,83%. Như vậy, 5 thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ lượng cổ phiếu lên tới trên 34%. Với thị giá cổ phiếu DQC đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/2 là 58.400 đồng/cổ phiếu, trị giá cổ phiếu mà gia đình bà Thoa nắm giữ ước khoảng 718 tỉ đồng. Dư luận nghi ngại con số 718 tỉ đồng này mới chỉ tính riêng trị giá cổ phiếu tại Bóng đèn Điện quang, chưa kể có thể còn những tài sản khác và có thể, còn ở nơi khác?

Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về khối tài sản của bà Thoa công khai trên dư luận phần nào phơi bày về sự không minh bạch, bất minh trong tạo lập và kê khai khối tài sản này. Cụ thể: Theo đó bà Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng. Bà Thoa cũng đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng được xác định là mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của Công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, bà Thoa trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Con cái, anh em bà Thoa giàu có như vậy do tài năng hay cậy bóng bà Thoa? Từ kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương thì dư luận thấy cần thiết phải làm rõ mối quan hệ của những vi phạm của bà Thoa với khối tài sản của bà Thoa và gia đình bà.

Liệu có chứng minh được tài sản hợp pháp?

Ngoài dinh thự tài sản ở Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái) còn sở hữu căn hộ rộng 130m2 thuộc chung cư cao cấp Mandarin Garden ở Hà Nội với vị trí đắc địa .
Ngoài dinh thự tài sản ở Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái) còn sở hữu căn hộ rộng 130m2 thuộc chung cư cao cấp Mandarin Garden ở Hà Nội với vị trí đắc địa .)

Hình ảnh biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã gây choáng dư luận bởi độ hoành tráng của nó. Biệt phủ được xây dựng trên khuôn viên rộng hàng héc ta ở vị trí đắc địa tại TP. Yên Bái. Nhưng điều dư luận quan tâm không chỉ ở độ hoành tráng nguy nga của biệt phủ mà còn là ở chỗ, ông Giám đốc Sở lấy đâu ra tiền để xây một công trình quy mô lớn như thế? Ông này từng trả lời là tiền của vợ, tiền do vợ làm ăn, tiền vay ngân hàng? Biệt thự ấy đứng tên vợ ông, như ông đã "bộc bạch": “Huệ đúng là vợ tôi, nhưng đất không phải của tôi…”. “Đấy không phải nhà tôi. Tôi làm gì có nhiều đất như vậy…”. Vậy sẽ xử lý thế nào nếu kết luận có sai phạm về quy trình chuyển đất? Tài sản đứng tên bà Huệ, vợ ông Quý?.

Hậu thanh tra, kiểm tra đã tìm ra những sai phạm của quan chức (như vụ việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, vụ việc của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh). Nhưng nếu chỉ dừng ở biện pháp hành chính như khiển trách, kỉ luật cảnh cáo thì những khối tài sản lớn của quan chức, sẽ mãi thách thức cả xã hội...?

Phan Minh (tổng hợp)

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin