Quy trình bắt ông Đinh La Thăng được thực hiện như thế nào?

11/12/2017 06:43

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng trong ngày 8-12. Quy trình này như thế nào?

 Ông Đinh La Thăng - Ảnh: T.P
Ông Đinh La Thăng - Ảnh: T.P)

Cụ thể, chiều 8-12 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 18 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để thảo luận về tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Quy trình thủ tục

Tại phiên họp, sau khi nghe viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đọc tờ trình, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, tiến hành biểu quyết với tỷ lệ nhất trí cao thông qua Nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV".

Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngay sau khi có quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam trên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã ký quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương.

Quyết định này nêu rõ: Đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từ ngày 8-12-2017 theo Quyết định Khởi tố bị can số 522/C46 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Tối cùng ngày Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành khám xét nhà riêng của ông Thăng để thu thập các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố vì có những sai phạm trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch PVN giai đoạn 2009-2011.

Ông Đinh La Thăng được xác định có liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra.

PVN và 800 tỉ góp vốn vào OceanBank

4.2
Một trong số đó là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank).

Trước đó Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận ông Thăng vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại văn bản số 6934 ngày 18-9-2008 với Chủ tịch HĐQT OceanBank.

Nội dung văn bản thể hiện PVN tham gia góp vốn 20% trở lên, cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi HĐQT PVN họp thống nhất nội dung trên.

Ông Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.

Theo tài liệu của cơ quan chức năng, đến thời điểm tháng 3-2014, PVN là một trong bốn cổ đông góp vốn lớn nhất vào OceanBank.

Cuối năm 2008, ông Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, đã ký thỏa thuận để trở thành cổ đông, đối tác chiến lược tham gia góp vốn 20% tại OceanBank.

Tổng số tiền mà PVN đã "đổ" vào OceanBank là 800 tỉ đồng đến nay không thể thu hồi.

Sai phạm trong dự án Nhiêt điện Thái Bình 2

Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, cơ quan điều tra xác định mặc dù mới chỉ có chủ trương giao Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện gói thầu EPC, chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho ban quản lý dự án để tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 52 tỉ đồng và 66.000 USD.

Năm 2011, Tập đoàn PVN ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. PVC được tạm ứng để thi công dự án này hơn 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.

Ngay sau khi có tiền tạm ứng, PVC đem 1.080 tỉ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỉ đồng, thanh toán lãi vay ủy thác của PVN 55 tỉ đồng, hỗ trợ vốn Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỉ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỉ đồng, hỗ trợ các công trình khác 156 tỉ đồng.

Ngoài ra, đem góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC-Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC-Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỉ đồng.

Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC phải trích lập quỹ dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.

Tính đến 31-12-2013, PVC đầu tư vào PVC-Land hơn 203 tỉ đồng (trong đó có 50 tỉ đồng sử dụng từ nguồn vốn 1.080 tỉ). Từ năm 2011 - 2015 đơn vị này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.

Với công ty con PVC-Mekong, tính đến cuối năm 2013, tổng số tiền mà PVC đầu tư là hơn 153 tỉ đồng (trong đó có 30 tỉ đồng sử dụng từ nguồn tiền 1.080 tỉ đồng). Trong 3 năm (từ 2012 - 2015), công ty này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.

Theo Tuoitre

Bạn đang đọc bài viết "Quy trình bắt ông Đinh La Thăng được thực hiện như thế nào?" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin