"Cần bổ sung thêm những trường hợp phong, thăng quân hàm cấp tướng vào diện xác minh tài sản, thu nhập bắt buộc", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm tại phiên họp của UBTVQH cho ý kiến vào Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, diễn ra sáng nay (11.4)
Góp ý vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), ông Hà Ngọc Chiến, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề xuất đưa việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang vào diện xác minh tài sản bắt buộc, tương tự như bổ nhiệm, bầu cử, bổ nhiệm lại.
Theo ông Chiến, việc này rất cần làm vì quy trình phong, thăng quân hàm cấp tướng chặt chẽ và đây cũng là vấn đề liên quan đến danh dự cá nhân. "Nếu không quy định thì ban soạn thảo dự án Luật phải giải thích vì sao", ông Chiến nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với đề nghị của ông Chiến, vì theo bà, việc phong, thăng quân hàm cấp tướng cũng là "có chức tước".
Ngoài ra, ông Chiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong việc xác minh tài sản, thu nhập để phục vụ cho việc phát hiện tham nhũng. Theo ông, với quy định hiện hành thì hiệu quả chưa cao vì xác minh dựa trên bản kê khai, trong khi đó, người kê khai chỉ liệt kê tài sản của vợ chồng, con chưa thành niên và đó thường là những tài sản hợp pháp, chính đáng, giải trình được; còn những tài sản do tham nhũng mà có lại để ở nơi khác, như họ hàng, con đã thành niên, đối tác...
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho dẫn quy định trong luật khi đưa khái niệm vị trí nguy cơ tham nhũng cao. Ông đặt vấn đề, vậy chỗ nào tham nhũng cao, chỗ nào không tham nhũng.
“Chúng ta phải xây dựng Luật để làm sao người muốn tham nhũng cũng không được. Như cán bộ xã tưởng rất đơn giản nhưng vẫn có thể tham nhũng”, ông Phúc nói.
Nói về vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, Tổng Thư ký Quốc hội đã đưa ví dụ: Khi Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ… hồ sơ của người được giới thiệu bầu hoặc phê chuẩn có nội dung về tài sản, thu nhập. Nhưng việc kê khai đó đúng, hay sai thì đại biểu Quốc hội không biết được
“Cho nên cần phải có cơ quan thẩm tra về kê khai tài sản. Nhưng giao cho cơ quan nào để thẩm tra vấn đề này giúp cho ĐBQH biết được tài sản, thu nhập của người được giới thiệu bầu hoặc phê chuẩn đúng hay sai, mức độ thế nào?”, ông Phúc nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong thực tế công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay có những bất cập nên phải sửa Luật để khắc phục những bất cập. Nhưng có những bất cập có thể khắc phục được, có những bất cập phải có lộ trình. “Tiếp đó, là tạo ra những cơ sở pháp lý mới có tính dự báo, có tính dài hạn, có tầm nhìn để khi luật này đi vào thực tiễn hoạt động sẽ thực hiện được một số năm, chứ không sửa xong rồi đi vào thực hiện được 1-2 năm lại thấy bất cập", ông Định nói.
Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề: Luật có nói tới “giải trình không hợp lý” nhưng thế nào là giải trình không hợp lý? Đề nghị làm rõ thế nào là “giải trình một cách không hợp lý”, cứ quy định chung chung, người này cho là hợp lý, người khác cho là không hợp lý sẽ dẫn đến không khả thi trong thực tế.
“Bây giờ có một ông bảo tài sản do bố ông ấy để lại, hỏi ông bố thì ông bố nói cụ nhà để lại. Trong khi đặc điểm lịch sử Việt Nam lúc đó các cụ chưa có tài khoản cá nhân, chưa có ngân hàng, không có ai làm chứng, cho nên thế nào là giải trình không hợp lý, thế nào là giải trình hợp lý, đây là vấn đề này rất là khó”, ông Nguyễn Khắc Định nêu ví dụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Luật này được cử tri rất quan tâm. Phần đông cử tri đang rất sôi sục, ủng hộ chống tham nhũng. Còn một nhóm không phải không muốn chống tham nhũng, nhưng họ có một số tài sản nhất định, họ đang nghe ngóng xem cách thể hiện của luật thế nào để họ ứng xử cho phù hợp.
“Ví dụ, ông này có mấy tỷ đồng, chẳng biết khai kiểu gì nên cứ khai cho con đi học. Cách xử lý của chúng ta như thế nào để vừa chống được tham nhũng vừa để đồng tiền trong nước không chạy tuột ra nước ngoài”, ông Dũng nói.
Theo Danviet