PAPI 2017: Hà Nội, TP.HCM đứng cuối bảng về phòng, chống tham nhũng

Kết quả báo cáo PAPI 2017 cho thấy chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam có nhiều điểm sáng, tỷ lệ "lót tay" vào Nhà nước giảm.

Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017 được công bố sáng 4/4 cho thấy những điểm tích cực trong kiểm soát tham nhũng. Tuy nhiên, người dân ngày càng quan ngại về vấn đề đói nghèo, ô nhiễm môi trường và công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương.

Tham nhũng giảm

Năm 2017, người dân đánh giá tích cực hơn về nỗ lực phòng chống, kiểm soát tham nhũng. Các địa phương có điểm cao nhất ở chỉ số này tập trung ở miền Trung và Nam Bộ như Quảng Bình, Bình Định, Ninh Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ… Các tỉnh thấp nhất có tên Hà Nội, Yên Bái, Lai Châu, Đắk Lắk, Bình Dương, TP.HCM...

 43% người dân cho rằng không phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước . Ảnh: Đoàn Nguyên.
43% người dân cho rằng không phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước . Ảnh: Đoàn Nguyên.)

Bên cạnh đó, 64% người dân khẳng định chính quyền không dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng, 55% người được hỏi cho biết không phải chi thêm tiền để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tỷ lệ người dân không phải chi thêm tiền để được quan tâm khi đi khám chữa bệnh tăng nhẹ, với 61%. Ngoài ra, 43% người dân cho rằng không phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước, tăng so với năm 2016.

Tuy nhiên, báo cáo của PAPI cho thấy một số tiêu chí trong lĩnh vực kiểm soát tham nhũng giảm sút. Khoảng 40% biết về Luật Phòng chống tham nhũng, con số này giảm đáng kể. Theo kết quả khảo sát, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân cũng tăng lên, thể hiện qua mức tiền bị vòi vĩnh khiến người dân lên tiếng tố giác là 27,5 triệu đồng.

 74,5% người dân cho rằng cần mối quan hệ "thân quen" khi thi tuyển vào các vị trí công chức địa phương. Nguồn: PAPI. Ảnh: T.M.
74,5% người dân cho rằng cần mối quan hệ "thân quen" khi thi tuyển vào các vị trí công chức địa phương. Nguồn: PAPI. Ảnh: T.M.)

Tỷ lệ người bị vòi vĩnh đã tố giác hành vi đòi hối lộ ở mức rất thấp, chỉ khoảng 3%. Một dấu hiệu tiêu cực khác là chỉ 35% người dân cho biết chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng.

Thiếu minh bạch trong sử dụng đất đai

Trong khi đó, sự minh bạch thông tin, đặc biệt là thông tin đất đai còn nhiều tồn tại. Chỉ 15% người dân biết được kế hoạch sử dụng đất ở địa phương mình, 4% người được hỏi cho biết có dịp góp ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. PAPI cũng đánh giá việc sửa đổi quy hoạch sử dụng đất ở địa phương vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân.

Minh bạch trong sử dụng đất đai vẫn là vấn đề muôn thuở trong nhiều năm nay, không có chuyển biến. Phân tích rõ hơn, TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, chia sẻ: “Rõ ràng, sự không minh bạch thông tin đất đai dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau. Năm vừa qua, vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội), làng biển Nam Ô (Đà Nẵng) là những ví dụ điển hình, người dân và chính quyền đã xảy ra xung đột".

 TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng. Ảnh: T.M.
TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng. Ảnh: T.M.)

Trong năm 2017, lần đầu tiên PAPI nêu câu hỏi về việc người dân có đóng thuế thu nhập cá nhân hay không, kết quả chỉ có 6,8% đóng thuế.

Một phát hiện đáng lưu ý của nghiên cứu PAPI 2017 cho thấy đói nghèo vẫn là mối quan ngại lớn nhất của người dân trong nhiều năm qua, 28% người trả lời cho rằng Nhà nước cần ưu tiên giải quyết vấn đề này.

TS Giang lý giải 2 nguyên nhân chính: “Đời sống, thu nhập được cải thiện song an sinh xã hội không đảm bảo, sự chênh lệch giàu nghèo khiến người dân luôn lo sợ rơi vào bẫy nghèo đói".

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là khảo sát xã hội học tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.

Từ năm 2009 đến 2017, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm gần 103.059 người dân trên toàn quốc. Đây là cơ sở để các cấp chính quyền có thể nắm bắt được phần nào kỳ vọng của người dân đối với nền quản trị và hành chính công của đất nước.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin