Nới cửa cho ứng viên ĐBQH

Cần tăng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người ngoài Đảng vì số lượng ĐBQH ngoài Đảng hiện quá ít.

Đó là vấn đề được nhiều ĐB thảo luận sôi nổi tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khóa XIV do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hôm 16-2.

[caption id="attachment_135590" align="aligncenter" width="410"]Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đứng) đề nghị cần có quy định xử phạt tổ chức, cá nhân cản trở nhà báo tác nghiệp trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) Ảnh: Nguyễn Nam Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đứng) đề nghị cần có quy định xử phạt tổ chức, cá nhân cản trở nhà báo tác nghiệp trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) Ảnh: Nguyễn Nam[/caption]

Điều này thật ra không phải mới. Tại nhiệm kỳ QH Việt Nam khóa I năm 1946 - QH đầu tiên của nước Việt Nam độc lập - trong 333 ĐB được bầu có 10 ĐB nữ; 34 ĐB dân tộc thiểu số; 43% là người không đảng phái; 36% thuộc Mặt trận Việt Minh; 14% thuộc Đảng Dân chủ Việt Nam; 7% thuộc Đảng Xã hội Việt Nam. Qua đó thể hiện sự chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa hợp dân tộc, tập trung lực lượng đoàn kết dân tộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bây giờ, chúng ta cũng hoàn toàn có thể làm được điều này nếu xác định giai đoạn hiện nay phải tập hợp mọi nguồn lực, mọi trí tuệ người Việt để chung sức cùng nhau đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, đói nghèo, nhanh chóng trở thành một quốc gia tiên tiến, phát triển, đủ sức bảo vệ cho được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Mong muốn này phải hiện hữu, thấm nhuần sâu sắc trong mọi cấp, từ chính quyền cơ sở đến lãnh đạo cao nhất.

Qua 3 nhiệm kỳ QH gần đây, số lượng ĐBQH là người ngoài Đảng giảm dần. Cụ thể: khóa XI 68/498 (13,6%); khóa XII 43/493 (8,7%); khóa XIII 42/500 (8,4%); ấy là chưa kể có nhiều trường hợp ĐBQH ngoài Đảng đến giữa nhiệm kỳ được kết nạp vào Đảng.

Phần đông ý kiến ở hội nghị hiệp thương hôm 16-2 cho rằng QH có 500 ĐB mà thành phần ngoài Đảng dự kiến chỉ 35 người thì ít quá, trong khi hiện có nhiều ứng viên ưu tú ngoài Đảng. Cũng không khỏi băn khoăn trước tỉ lệ dành cho ĐB khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân (DNTN), quá ít trong khi những năm qua, mức đóng góp của khối này cho kinh tế - xã hội đất nước luôn khá cao. Do đó, theo lẽ công bằng, phải tăng thêm số lượng ứng viên là chủ doanh nghiệp để họ có cơ hội tham gia đóng góp trí tuệ cho cơ quan quyền lực cao nhất này.

Đất nước chỉ có 4,5 triệu đảng viên/hơn 90 triệu dân, vậy tăng ĐBQH là người ngoài Đảng là hợp tình, hợp lý. Muốn tăng cơ cấu ĐBQH ngoài Đảng, ngoài mong muốn thật sự chân thành còn phải có một chiến lược. Những ĐB này có thể là chủ DNTN hay trí thức và đủ điều kiện đảm nhận được nhiệm vụ ĐBQH. Trên hết là phải tổ chức hiệp thương thật sự dân chủ, công tâm, vượt lên trên mọi định kiến giáo điều, xơ cứng. Người xưa có câu “núi không chê đất cát, đá tảng thì mới gọi là núi cao; biển không chê khe rạch nhỏ thì mới gọi là biển sâu”. Lãnh đạo là dùng người, vậy dùng người phải có khí độ. Chỉ khi lòng dạ rộng rãi mới có thể dung chứa và dung chứa kể cả những con người mà thiên hạ khó dung chứa thì mới mong hoàn thành nghiệp lớn.

Khóa XIV là nhiệm kỳ hội nhập, đòi hỏi QH cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn. Muốn đổi mới phải có cách làm mới, tư duy mới và trên hết phải có những nhân tố mới góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức để quyết định chính xác các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Theo NLD

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin