Những quy định pháp luật về điều kiện và mức hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp

12/09/2023 16:51

Người lao động hỏi: Tôi được biết người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đuọc hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Vậy tôi xin hỏi về điều kiện hưởng và mức hưởng chế độ đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?

Nguyễn Trọng Thủy

Đội Quản lý thị trường huyện Phú Lương, Thái Nguyên

Luật gia trả lời: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Tuy nhiên, bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được nhờ việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kì hàng năm.  Về nội dung người lao động hỏi Luật sư Trần Đại Ngọc – Cty Luật TNHH Trần Nguyễn, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cụ thể như sau:

1-1701856264.jpg

Người sử dụng lao động phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động

sở pháp lý

Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;

Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/07/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc;

Thông tư số 15/2016/TT-BYT quy định bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội;

Quyết định số 01/QĐ-BHXH ngày 03/01/2014 về việc ban hành quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp 

Căn cứ vào Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;

 - Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. 

Trường hợp người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

Mức hưởng trợ cấp

Theo quy định Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải:

Thứ nhất, thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định.

- Khoản đồng chi trả các khoản không do bảo hiểm y tế chi trả đối với người tham gia bảo hiểm y tế;

- Phí giảm định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp suy giảm dưới 5%;

- Toàn bộ chi phí ý tế đối với người không tham gia bảo hiểm y tế.

Thứ hai, trả đủ lương trong thời gian nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Thứ ba, bồi thường

- Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm từ 11% đến 80%;

- Ít nhất 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết.

Thứ tư, sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

Ngoài ra, người lao động cũng được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Chế độ trợ cấp một lần:Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần và mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

- Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Chế độ trợ cấp hằng tháng: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng, mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

- Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.  

Chế độ trợ cấp phục vụ: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 của Luật An toàn, vệ sinh , hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Chế độ trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

Chế độ về phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình: Ngoài các khoản nêu trên, người lao động bị bệnh nghề nghiệp mà tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình tùy theo tình trạng bệnh tật.

Chế độ về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị: Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

- Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;

- Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

TVPL
Bạn đang đọc bài viết "Những quy định pháp luật về điều kiện và mức hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp" tại chuyên mục Thông tin cần biết. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin