Nhận diện một số thủ đoạn phổ biến của tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

01/08/2023 09:00

(Pháp lý). Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Trong thời gian vừa qua, tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, của tập thể với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Bài viết nêu một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm cơ sở, tiền đề để các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) nhận diện và có giải pháp đấu tranh với tội phạm này trong thời gian tới.

anh-minh-hoa-1667368628.jpg

Qua nghiên cứu các vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra trong thời gian qua, nhận thấy nổi lên một số phương thức, thủ đoạn phổ biến sau đây:

Thứ nhất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấp bán đất trái phép, trái quy định, thu tiền để ngoài sổ sách, chi tiêu sai quy định để vụ lợi.

Thủ đoạn này thường do những người có chức vụ, quyền hạn công tác tại các cơ quan, tổ chức của Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, thuộc thẩm quyền của UBND các cấp, các phòng, ban, cán bộ địa chính v.v. thực hiện. Ví dụ như trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ diễn ra tại dự án cấp đất giãn dân phường LHP, thành phố PL, tỉnh HN năm 2014. Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh HN xác định: Trong quá trình thực hiện dự án cấp đất giãn dân phường LHP năm 2004, L.V.Q – nguyên Chủ tịch UBND phường LHP và Chủ tịch Hội đồng xét cấp đất giãn dân đã thông đồng, bàn bạc với T.N.P – nguyên Bí thư Đảng ủy phường LHP là đại diện Thường trực Đảng ủy phường tham dự và chỉ đạo việc xét cấp đất giãn dân không chấp hành và thực hiện theo các quy định xét cấp đất, đồng thời chỉ đạo P.V.Đ – cán bộ địa chính phường LHP lập danh sách đề nghị cấp đất cho 08 hộ không thuộc đối tượng cấp đất giãn dân phường LHP, không thực hiện đúng quy định về đấu giá đất của UBND thành phố PL nhằm hưởng lợi bất chính với số tiền 367.850.000 đồng. Trong đó, L.V.Q hưởng lợi số tiền 150.425.000 đồng, TNP hưởng lợi số tiền là 217.425.000 đồng.

Thứ hai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa những người không nằm trong diện hộ nghèo vào diện hộ nghèo để được nhận chế độ bảo trợ xã hội gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Điển hình là vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã CG, huyện DT, tỉnh HN (nay là thị xã DT, tỉnh HN). Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện DT xác định: Năm 2008, năm 2009 và năm 2010, V.Đ.V – nguyên Trưởng thôn PT, V.V.L – nguyên Bí thư chi bộ thôn PT và L.Đ.N – cán bộ lao động thương binh và xã hội xã CG, huyện DT, tỉnh HN đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao ghép 59 người không thuộc diện hộ nghèo vào các hộ nghèo của thôn PT để họ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có một số người đã đi khám, chữa bệnh được Bảo hiểm xã hội tỉnh HN chi trả, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 185.659.213 đồng.

Thứ ba, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao lập khống hồ sơ khai tăng giá trị đền bù thiệt hại trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, thu tiền chênh lệch để hưởng lợi.

Điển hình như vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ diễn ra tại dự án xây dựng trung tâm kinh doanh và sản xuất dịch vụ tổng hợp số 36 thuộc địa bàn thôn TT, xã LP, huyện TL, tỉnh HN. Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện TL xác định, khi thực hiện chủ trương của tỉnh ủy HN về dồn ô đổi thửa, P.D.N – nguyên Trưởng thôn TT, xã LP, huyện TL, tỉnh HN đã tự ý đưa 1277m2 đất lúa do UBND xã quản lý tại cánh đồng NS thôn TT vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hai gia đình N.V.T và N.V.V, không giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người có quyền sử dụng hợp pháp. Khi nhà nước thực hiện việc thu hồi diện tích đất nông nghiệp để thực hiện dự án trung tâm kinh doanh và sản xuất dịch vụ tổng hợp số 36, vì động cơ cá nhân P.D.N đã tự mình lập khống hai hồ sơ kê khai áp giá bồi thường hỗ trợ để lấy số tiền bồi thường hỗ trợ chênh lệch là 169.457.000 đồng. Số tiền này sau đó được P.D.N gửi tiết kiệm đứng tên mình tại Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện TL chi nhánh Non với lãi suất 14%/năm.

Thứ tư, về thủ đoạn che giấu tội phạm

Qua nghiên cứu cũng như trao đổi với các ĐTV thuộc các đơn vị CSKT Công an các đơn vị, địa phương được phân công thụ lý, điều tra loại tội phạm này cho thấy quá trình thực hiện tội phạm, các đối tượng phạm tội thường sử dụng các thủ đoạn che giấu tội phạm phổ biến như:

Lợi dụng mối quan hệ với những người có chức quyền trong các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc tìm người có thế lực để bao che cho hành vi phạm tội gây cản trở khó khăn trong hoạt động điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Tiêu hủy hoặc tìm cách sửa chữa, tẩy xóa các tài liệu, hóa đơn, chứng từ, hợp đồng kinh tế khống; khai báo quanh co, gian dối thậm chí từ chối khai báo trước Cơ quan điều tra; tìm cách cất giấu, tẩu tán, chuyển hóa tài sản chiếm đoạt được dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm hợp lý hóa nguồn gốc của các tài sản.

Hạch toán các khoản tiền thất thoát đã chiếm đoạt vào các tài khoản công nợ hoặc tiền đang chuyển; tìm mọi cách để vô hiệu hóa hoạt động của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra; sử dụng kiểm toán nhằm bịt kín những sơ hở, sai sót để đối phó, qua mặt người quản lý và các cơ quan chức năng.

Ví dụ: Trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại dự án xây dựng trung tâm kinh doanh và sản xuất dịch vụ tổng hợp số 36 thuộc địa bàn thôn TT, xã LP, huyện TL, tỉnh HN. Đối tượng P.D.N – nguyên Trưởng thôn TT đã dùng thủ đoạn gian dối, nhờ N.V.P – thư ký thôn TT ký hộ tên N.V.T và N.V.V vào đơn tự nguyện xin thu hồi đất và biên bản kiểm kê đất, tài sản trên đất nhằm mục đích che giấu hành vi phạm tội của mình.

Hay như trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã CG, huyện DT, tỉnh HN. V.Đ.V, V.V.L và L.Đ.N đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao ghép 59 người không thuộc diện hộ nghèo vào các hộ nghèo của thôn PT để họ được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hồ sơ lưu giữ thông tin về các trường hợp này tại UBND xã CG đã bị L.Đ.N tìm cách tiêu hủy, từ đó cũng gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình điều tra làm rõ vụ án.

Trên đây là một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra ở nước ta trong thời gian qua. Việc nhận diện và xác định rõ các thủ đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các CQTHTT có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này trong thời gian tới./.  

 

ThS. Lê Trung Dũng và ThS. Trần Trung Hiếu

( Học viện Cảnh sát Nhân dân)


Tài liệu tham khảo:

1. Lại Sơn Tùng (2020), Đề tài cơ sở “Điều tra tội phạm lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Nam”, Học viện Cảnh sát nhân dân;

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện một số thủ đoạn phổ biến của tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin