Nguyễn Nhật Ánh: Chú bé bí mật đến từ hôm qua

Nếu phải tìm ra một nhà văn cho lứa tuổi ương ương dở dở, một người kể chuyện như chúng hình dung và ao ước, vừa hồn nhiên vụng dại lại vừa bay bổng xôn xao... người đó ngày xưa là Nguyễn Nhật Ánh và ngày nay vẫn là Nguyễn Nhật Ánh.

[caption id="attachment_149412" align="aligncenter" width="410"]Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (phải) trong buổi ra mắt sách Ngày xưa có một chuyện tình - Ảnh: Nhã Linh Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (phải) trong buổi ra mắt sách Ngày xưa có một chuyện tình - Ảnh: Nhã Linh[/caption]

Anh canh giữ Neverland - miền đất ký ức ngọt ngào, kệ thời gian trôi, kệ trí nhớ bội bạc, kệ xã hội đổi thay... miền đất của những rung động đầu tiên ấy phải được bảo bọc vẹn tròn.

1. Nói một cách khác đi, với tuổi hoa nhiều mơ mộng, anh là nhà văn mãi mãi... Peter Pan! Ngay cả khi bọn trẻ lớn lên rồi, anh vẫn vậy, vẫn mãi mãi tuổi hoa niên!

Đó là sứ mệnh của anh. Anh thực thi nó một cách chân thành, cần mẫn. Và bọn trẻ dẫu lông bông ở đâu vẫn trở về với ngày hôm qua bằng tinh thần của một công dân Neverland.

Vì thế, chính tôi cũng là một công dân miền đất thần kỳ ấy, thích thú và cả hồi hộp khi bước vào những trang đầu của cuốn sách bởi nào chỉ đọc tâm sự của nhân vật, mà như đọc chính mình của những tháng ngày đã qua, một không gian trong trẻo, xanh rờn, một khoảng ước mơ vẹn tròn luôn đâu đó trong mỗi chúng ta.

Tôi cứ tưởng tượng mình mở cánh cổng vào nhà ông giáo Dưỡng, ông đi đâu vắng, bọn mướp vàng đang trổ đầy hoa, giá sách ở trong nhà im lìm mà kiêu hãnh, con mèo từ đâu tha chìa khóa đến chờ mình tra vào ổ... Giữa những cuốn sách thật cũ và thật nghiêm ngắn, tôi sẽ tìm thấy cuốn hồi ký mang tên Ngày xưa có một chuyện tình.

Điều thú vị của cuốn hồi ký tình yêu này là ở chỗ chuyện tình yêu được kể ra bởi những góc nhìn khác nhau của “những” người yêu nhau. Khác nhau về cảm xúc, khác nhau về nhận định, khác nhau về lý giải - phân tích... nhưng gặp nhau ở chỗ chân thành.

Thị trấn nghèo trong truyện là một thiên đường đáng sống biết bao, dẫu có thằng Hướng du côn nhưng Nguyễn Nhật Ánh mà, kiểu gì nó cũng là thằng tốt về sau; dẫu có mấy ông say quậy tưng làng xóm nhưng Nguyễn Nhật Ánh mà... lấy đâu ra chỗ cho điều gì không lương thiện.

Nguyễn Nhật Ánh: Tình yêu cũng cần phải lớn lên!

Bao nhiêu năm viết truyện, câu hỏi mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường bị “chất vấn” nhiều nhất là: chuyện tình các nhân vật trong truyện của ông rồi sẽ đi đến đâu?

“Vì đó là những rung động đầu đời của tuổi học trò nên tôi cũng không thể viết thêm gì. Nhưng cuốn sách này thì khác! - Nguyễn Nhật Ánh cởi mở chia sẻ trong buổi giới thiệu Ngày xưa có một chuyện tình sáng 14-9 tại Nhà xuất bản Trẻ.

"Tình yêu trong cuốn sách này khác với những mối tình trong Mắt biếc, Đi qua hoa cúc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... vì tôi đã để tình yêu đó thật sự lớn lên. Đào sâu đời sống nội tâm của từng tuyến nhân vật. Đặt ra cho họ rất nhiều chọn lựa: tình bạn hay tình yêu?

Con đường để trở thành một người tốt gian nan thế nào? Nên có thể khẳng định: đây không phải là cuốn sách đầu tiên viết về tình yêu của tôi, nhưng là cuốn sách đặc biệt nhất về tình yêu mà tôi từng viết”.

Ngày xưa có một chuyện tình chính thức phát hành ngày 18-9.

Thị trấn có ông giáo già nghiêm khắc, có ông cậu đầy bồ triết lý yêu đương, có người cha, người mẹ bươn bả sớm hôm nhưng thương yêu con nhất mực. Và một lũ trẻ con vẫn theo môtip yêu thương nhau, nghĩa hiệp bảo vệ nhau, khám phá những rung động về nhau...

Chúng bung nở như hoa thủy tiên sau cơn mưa buổi sớm, mọi chuyện đều tốt lành, rạng rỡ. Một thế giới đẹp đẽ, rõ ràng, khiến ta không khỏi mơ màng bàn chuyện ngày xưa.

Mà có lẽ cũng phải ngày xưa thật, ngày xưa mới có những vẻ đẹp thế này. Cũ, an toàn, dịu dàng và sâu sắc.

2. Nhớ những năm cuối cấp hai (cách đây cũng đã 20 năm), bọn học sinh đứa nào cũng thủ vài cuốn như Mắt biếc hay Cô gái đến từ hôm qua... - những cuốn truyện mỏng thôi mà chứa đựng biết bao tâm tình, biết bao rung động.

Biết bao là tò mò, háo hức, rồi cả những dọ dẫm, suy đoán, say mê. Chả biết anh Ánh viết cho ai, nhưng lúc đó lứa chúng tôi tìm thấy mình qua những trang sách ấy.

Đến giờ này, vẫn nhớ cái cảm giác xao xuyến mà má nóng ửng lên khi đang đọc trộm trong giờ lý, hay lúc lật trang cuối cùng, nước mắt ướt đẫm cả áo đồng phục đứa bạn thân...

Và thi thoảng, rất thi thoảng thôi, cái khối rung rinh ấy đột nhiên đỏ bừng lên, vẫy nhẹ một lần, như cái tai của “thằng quỷ nhỏ”...

Ngày xưa đọc Nguyễn Nhật Ánh, chỉ ước ao anh viết tiếp phần 2, rồi phần 3 tiếp nữa... để các nhân vật trong truyện lớn hẳn lên, yêu nhau thế nào, cưới nhau và sống bên nhau hạnh phúc đến trọn đời ra sao... 20 năm trôi qua, ước mơ mới thành hiện thực.

Trong Ngày xưa có một chuyện tình, nhà văn đã thử lớn lên cùng nhân vật... đã thử cùng nhân vật bước ra bên ngoài khoảnh mộng được chính anh bảo bọc bấy lâu nay.

Nhân vật cũng lớn lên cùng người đọc, nên lớp vỏ bên ngoài cũng có một chút đổi thay để hợp hơn với phong vị hiện đại. Dù chất lãng mạn, trong trẻo của sự “rất xưa” vẫn được bảo đảm vẹn tròn.

Trong cái ngày xưa ấy, tôi quý mến chú bé bí mật, người xuất hiện từ bên kia đồi... Nó vừa đúng là trẻ con, lại có chút gì già dặn rất dễ cảm thông. Những câu hỏi, những đối thoại, những tưởng tượng, những hành động - như khi chú bé làm một con kiến khổng lồ bằng đất sét để tặng cho cô bạn bị mù... luôn làm tim tôi dịu lại.

Biệt tài của Nguyễn Nhật Ánh là khi viết về tụi nhỏ, cho đến tận lúc chúng bắt đầu tuổi hoa rực rỡ, anh vẫn có thể diễn tả cái thần của những thiếu niên ấy, một cách rất đơn giản mà luôn khiến ta bất ngờ, rung động.

Và chả hiểu sao, trong hình dung của tôi về nhà văn, người kiến tạo nên thế giới Neverland dịu ngọt này, anh Ánh chính là chú bé bí mật, người xuất hiện từ bên kia đồi...

Chẳng cần tôi cầu mong, chú bé bí mật ấy sẽ mãi mãi tuổi hoa niên!

Theo Tuoitre

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin