Nghiên cứu bổ sung các quy định tiến bộ

(Pháp lý) - Bồi thường ngay cả khi không có lỗi; Bồi thường cho người thân của người bị oan; Nên có “độ mở” khi quy định về mức bồi thường; Tạm ứng bồi thường cho người bị oan... Đó là những quy định tiến bộ mà các chuyên gia pháp luật kiến nghị cần bổ sung vào Luật.

Bồi thường ngay cả khi không có lỗi

Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) đã qua 5 lần sửa đổi cơ bản. Tuy nhiên, những quy định về điều kiện và phạm vi của bồi thường nhà nước vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Theo Dự thảo quy định, trách nhiệm bồi thường nhà nước chỉ phát sinh khi có lỗi của công chức, cán bộ và cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy là phiến diện và chưa đầy đủ. Là một chuyên gia Luật Dân sự, Tiến sĩ Phùng Trung Tập (Giảng viên Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: Bản chất của trách nhiệm bồi thường của nhà nước là trách nhiệm dân sự, là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường của nhà nước được hiểu là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong hoạt động hành chính, hoạt động tố tụng và hoạt động thi hành án. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do cán bộ của mình gây ra cho cá nhân, pháp nhân khác khi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được nhà nước giao phó trong lĩnh vực hoạt động hành chính, hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Tập
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Tập)

Từ bản chất đó thì người thi hành công vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích của nhà nước, cho dù có lỗi hoặc không có lỗi mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác trong các hoạt động thì phải bồi thường. Có thể nhận định, trách nhiệm bồi thường của nhà nước là trách nhiệm không cần điều kiện lỗi bởi vậy nên dự thảo cần quy định rõ, để xác định trách nhiệm bồi thường ngay cả khi không có lỗi.
Tuy nhiên, TS Phùng Trung Tập cũng lưu ý: Việc phân biệt lỗi của người thi hành công vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ là cố ý hoặc vô ý gây thiêt hại cho cá nhân hoặc pháp nhân khác chỉ có ý nghĩa như là căn cứ xác định trách nhiệm của cá nhân có nghĩa vụ hoàn trả hay không có nghiã vụ hoàn trả khoản bồi thường thiệt hại mà nhà nước đã bồi thường cho cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại.

Về mức độ bồi thường, ông Tập cho rằng: Trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với cá nhân, pháp nhân bị gây thiệt hại trong hoạt động hành chính, hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án là trách nhiệm dân sự, theo nguyên tắc gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu, bồi thường toàn bộ và kịp thời theo quy định tại Điều 585 BLDS năm 2015. Còn nghĩa vụ hoàn lại của cá nhân thi hành công vụ đối với nhà nước là trách nhiệm vật chất, khoản tài sản hoàn trả do cơ quan nhà nước ấn định ở các mức độ khác nhau.

Việc làm rõ quy định, nhà nước phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi sẽ có ý nghĩa nâng cao trách nhiệm và sự tự rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, tự hoàn thiện mình của công chức, người hưởng lương từ ngân sách đối với nhân dân, đối với nhà nước và tránh được hoặc hạn chế được những sai sót không đáng có trong thời gian qua là các vụ án oan, gây thiệt hại cho cá nhân, làm mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan trong hoạt động hành chính, hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án.

Góp ý dự thảo quy định về trách nhiệm bồi thường, Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt) lại có góc nhìn khác: Trong khi thảo luận dự án Luật này, nhiều chuyên gia cho rằng vì ngân sách bồi thường hạn chế nên các trường hợp được bồi thường phải thu hẹp theo hướng quy định liệt kê trong dự thảo Luật. Tôi e rằng khó bổ sung quy định nhà nước phải bồi thường khi có thiệt hại nhưng không có lỗi bởi không phù hợp với tình hình Việt Nam.

Bồi thường cho cả người thân người bị oan

Về quyền yêu cầu bồi thường, hiện nay, Dự thảo quy định: “Người thừa kế của người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại chết. Trường hợp tổ chức chấm dứt tồn tại thì tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó có quyền yêu cầu bồi thường”. Trong trường hợp người bị oan chết, Dự thảo quy định về bồi thường thiệt hại về tinh thần cho những người thân thích của người bị oan mà bị chết trong trại giam hoặc bị tử hình oan, theo đó mức bồi thường là 360 tháng lương tối thiểu (nay có thể sửa lại là 360 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định). “Đây là các quy định tiến bộ, cần được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, thông qua” TS. Phùng Trung Tập nói.

Xuất phát từ thực tế, oan sai trong hình sự không chỉ khiến người bị oan đau đớn về tinh thần mà còn khiến người thân bị ảnh hưởng rất nhiều. Có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân của người bị oan. Tiến sĩ Tập cho rằng: Dù rất mong mỏi những quy định có lợi cho người dân, nhưng phải trên căn cứ pháp luật. Theo tôi, hiện trong Dự thảo đã có quy định người bị oan trong tố tụng hình sự mà được minh oan, còn sống thì tổn thất tinh thần của người này được bồi thường. Vì đã có khoản tiền bồi thường cho tổn thất tinh thần cho chính người bị oan, lợi ích này có mối liên hệ hữu cơ với quyền nhân thân của người bị oan, không thể chuyển dịch nên không nên quy định bồi thường cho thân nhân của họ nữa.

Một số Luật sư của Công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đang là người trực tiếp được ủy quyền đòi bồi thường cho cụ Trần Văn Thêm (người bị kết tội oan hơn nửa thế kỉ) lại chia sẻ góc nhìn khác trong vấn đề này: Có thể khẳng định thiệt hại về vật chất và tinh thần của người thân người bị oan trong án hình sự là rất lớn. Chồng mà đi tù thì vợ bị mang tiếng, con bị mang tiếng… Về danh nghĩa, khi người bị oan được bồi thường thì người thân của họ cũng được hưởng quyền lợi liên đới nhưng về mặt pháp lý thì người thân thích vẫn “chưa được giải oan”. Không có một chứng nhận nào từ phía cơ quan nhà nước để họ xuất trình với cơ quan công tác trường học…

 Luật sư Nguyễn Quang Ngọc
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc)

Thêm vào đó, người bị oan thì có người là độc thân, có người có một vợ một con, có người có một vợ nhiều con… Mức độ bị ảnh hưởng về tinh thần trong các trường hợp trên là khác nhau. Bởi vậy, theo các luật sư này thì nên quy định bồi thường về cả vật chất và tinh thần cho người thân (là hàng thừa kế thứ nhất) của người bị oan để phần nào chia sẻ những mất mát và tinh thần cho họ.

Nên có “độ mở” khi quy định về mức bồi thường

Hiện nay ở ta dân bị oan sai đã khổ nhưng sau đó lại phải đi xin để được bồi thường. “Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và là một loại trách nhiệm dân sự. Cho nên yếu tố hòa giải, thỏa thuận giữa người bị thiệt hại và cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường cũng nên được chú trọng. Trong trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường thì cá nhân, pháp nhân bị gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Để giảm phiền hà cho người bị thiệt hại, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên quy định cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính, hoạt động tố tụng, thi hành án là cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại” – TS. Phùng Trung Tập góp ý cho Dự thảo Luật.

Là người trực tiếp làm thủ tục đòi bồi thường cụ ông Trần Văn Thêm, các luật sư của Công ty Luật Hòa Lợi đã chỉ ra những bất cập của quy trình giải quyết bồi thường nhà nước hiện hành: Công ty chúng tôi đã và đang làm thủ tục đòi bồi thường cho cụ Thêm, cụ đã hơn 81 tuổi, chờ được nhận bồi thường trong thời gian quá lâu... Qua giải quyết vụ việc cụ thể chúng tôi nhận thấy hiện nay việc xét duyệt hồ sơ đòi bồi thường nhà nước kéo dài khiến nhiều người bị oan phải chờ đợi mòn mỏi. Không có quy định về vấn đề tạm ứng cho người bị oan, giá trị bồi thường cho thời gian ở tù oan còn thấp... Từ thực tế đó, các luật sư này kiến nghị: Luật cần quy định rõ thời hạn cho việc xét duyệt bồi thường. “Một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài” khổ sở rất nhiều nhưng mức bồi thường tính ra vẫn rất thấp. Với những người lao động chân tay, chạy chợ dựa trên các quy định của pháp luật để tính bồi thường thì chỉ được 150 nghìn đến 200 nghìn/1 ngày. Bởi vậy, theo tôi nên có độ mở khi quy định về mức bồi thường cho những người lao động bị oan sai, bị thiệt hại.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc thì cho rằng, những người bị oan sai khi được giải oan thường là những người có hoàn cảnh rất khó khăn. Hiện nay chưa có quy định về tạm ứng cho người được xác định là oan. Theo Luật sư Ngọc: Đối với những khoản bồi thường đã rõ ràng theo Luật, cần có quy định cho họ nhận tạm ứng, giải quyết khó khăn tạm thời cho họ. Nếu luật hóa được quy định này sẽ là rất nhân văn…

Phan Tĩnh (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin