Nghẽn lệnh chứng khoán, nhà đầu tư thiệt hại: Từ chế tài của thế giới, nhìn về Việt Nam

16/06/2021 07:52

(Pháp lý) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển vượt bậc về giao dịch và quy mô thanh khoản. Tuy nhiên tình trạng tắc nghẽn lệnh giao dịch diễn ra suốt từ cuối năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng tiêu cực, làm suy giảm niềm tin cũng như lợi ích của nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng này, ngoài giải pháp công nghệ cần có những chế tài thích đáng như kinh nghiệm pháp lý mà quốc tế từng áp dụng.

Thế giới: Từ chức, nộp phạt hàng chục triệu USD

Tháng 3/2018, sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã bị các cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ phạt 14 triệu USD cho các vi phạm bao gồm việc để ngừng giao dịch trong vòng 3 tiếng rưỡi trong tháng 7/2015. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết mức phạt này là mức phạt lớn nhất từ trước đến nay.

SEC cho biết vụ việc xảy ra trước đó khi thị trường bất ngờ đóng băng tại NYSE, nơi được coi là một trong những thị trường tài chính lớn nhất thế giới. Trong vòng 47 phút trước khi ngừng hoạt động, NYSE và NYSE American gặp phải những vấn đề căng thẳng khi các hệ thống giao dịch và những hệ thống máy tính khách hàng sử dụng để truy cập giao dịch bị tắc nghẽn.

Sàn Giao dịch liên lục địa Intercontinental Exchange Inc (ICE) cho biết: "Chúng tôi tin rằng vụ việc này là mối quan tâm lớn nhất của NYSE. Về phía chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo quy định và tập trung vào việc xây dựng, duy trì công nghệ, đảm bảo rằng thị trường hoạt động tốt".

Ngày 24/8/2015, hàng trăm ETFs bị tạm dừng giao dịch và nhiều cổ phiếu đã lao dốc. Ngày 31/3/2015, NYSE Arca đã tạm dừng giao dịch 134 chứng khoán trong khoảng 20 phút. Tuy nhiên, NYSE và NYSE American đã không có các thủ tục sao lưu đầy đủ trong khoảng một năm sau khi quy định SCI ban hành (các quy tắc của SEC điều chỉnh tính tuân thủ và tính toàn vẹn của hệ thống có hiệu lực từ tháng 11/2015).

Một vi phạm khác đó là một số lệnh tại NYSE và NYSE American từ năm 2008 - 2015 đã không được thông báo cho các nhà đầu tư (những lệnh này cho phép các nhà môi giới có thể giấu thanh khoản trên sàn giao dịch) và vi phạm luật chứng khoán của Mỹ.

Trước đó, tại Nhật Bản vào tháng 12/2005, ông Takuo Tsurushima đã chính thức thôi giữ chức chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) sau “sự cố J-com” để “thể hiện tinh thần trách nhiệm và củng cố lòng tin của giới kinh doanh chứng khoán”. "Tôi xin lỗi các nhà đầu tư về các sự cố này. Tôi quyết định từ chức để làm rõ trách nhiệm quản lý. Sở giao dịch chứng khoán Tokyo sẽ làm tất cả để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư" - Takuo Tsurushima gửi lời xin lỗi.

Ngoài vị chủ tịch, ông Sadao Yoshino, phụ trách hệ thống máy tính của TSE, và giám đốc điều hành Tomio Amano cũng từ chức. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi (thời điểm này) yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho thị trường và mở cuộc điều tra xem nguyên nhân sâu xa của sự cố.

Theo báo chí Nhật vào lúc sự cố diễn ra, việc từ chức của những nhân vật liên quan chỉ là việc “đặt lệnh mua nhầm nhưng không hủy được” nhưng đã để lại những hậu quả sâu sắc. Sau sai lầm, hơn 700.000 cổ phiếu J-Com đã giao dịch khiến cổ phiếu này được coi là có tính thanh khoản nhất trong ngày hôm đó. Ông Fukuda cho hay thiệt hại ban đầu đối với Mizuho khoảng 27 tỷ yen, tương đương 224 triệu USD, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.

Sau sự việc này niềm tin của các nhà đầu tư bị sút giảm nghiêm trọng bởi họ đang liên tưởng tới một loạt sự cố khác đã xảy ra trong quá khứ cũng tại sàn Tokyo. Ngày 30/11/2001, một công ty môi giới bán 610.000 cổ phiếu UBS AG qua sàn với giá 16 yen mỗi cổ phiếu, trong khi trước đó giá cổ phiếu này đạt 420.000 yen.

Việt Nam: Ai chịu trách nhiệm?

Hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh lần đầu vào nửa cuối tháng 12/2020. Tình trạng kéo dài suốt nhiều tháng nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, buộc nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước "sống chung với lũ".

Ngay sau khi xuất hiện, nhiều chuyên gia về thị trường chứng cho rằng việc nghẽn lệnh giao dịch ở sàn HoSE là sự cố nghiêm trọng có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán của Việt Nam – vốn đang được kỳ vọng của giới đầu tư trong và ngoài nước. Đáng nói, sự cố diễn ra trong thời gian dài không được khắc phục, khác hoàn toàn với thế giới khi chỉ diễn ra trong vài giờ hoặc ít phút.

Đơn cử phiên giao dịch ngày 22/12/2020, nhà đầu tư phản ánh không đặt được lệnh mua bán chứng khoán trong phiên ATC đối với các cổ phiếu niêm yết trên HOSE. Sang phiên 23/12, nhiều nhà đầu tư phản ánh từ 14 giờ chiều trở đi lệnh giao dịch bị treo khi mua các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, thậm chí không hủy lệnh được. Lần tiếp theo là phiên giao dịch hôm 24/12, lỗi treo lệnh/hủy lệnh và chậm trả kết quả cũng được nhà đầu tư phản ánh trong cuối phiên sáng.

Sang phiên chiều, việc khớp lệnh chỉ diễn ra bình thường chừng 15 phút đầu, sau đó nhà đầu tư không thể vào lệnh bình thường suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch. Tình trạng trên diễn ra suốt 3 tháng, cho đến tận thời điểm hiện tại mà chưa có thời gian chính xác khắc phục sự cố.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), điểm khác biệt nhất giữa Việt Nam và thế giới là vấn đề cơ chế chính sách quản lý và chế tài khi sự cố xảy ra. Khi thị trường xảy ra sự cố như sàn HoSE, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì tùy mức độ, cơ quan quản lý thị trường phải xin lỗi nhà đầu tư, xử phạt đơn vị chuyên trách, thậm chí có lãnh đạo bị cách chức. Nhưng ở Việt Nam thì chưa thấy ai nhận trách nhiệm hay đứng ra xin lỗi.

Trong khi đó, TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao ĐH Bristol tại Anh cho biết điều quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư là về vấn đề bồi thường tổn thất. Ông Tuấn lấy trường hợp hãng môi giới và quản lý tài sản Hargreaves Lansdown gặp trục trặc ở hệ thống giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư đã giao dịch trùng nhiều lần dẫn đến thiệt hại vào tháng 11/2020. Nhiều khách hàng yêu cầu Hargreaves Lansdown bồi thường và công ty này xử lý bằng cách khởi tạo lại vị thế và xóa đi những lệnh giao dịch trùng. Những tổn thất có liên quan công ty sẽ chịu và giải quyết với trung tâm thanh toán.

TS Tuấn cũng nhấn mạnh trong trường hợp HoSE nghẽn lệnh kéo dài, cách hành xử hợp lý là phải xác định rõ trách nhiệm của sở giao dịch này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công ty chứng khoán với nhà đầu tư. Điều này trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước và cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Quan trọng nhất: Khắc phục bằng cách nào?

Trong khi nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán vẫn tiếp tục diễn ra khiến giới đầu tư bức xúc, cơ quan quản lý đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn để khắc phục; trong đó có giải pháp chuyển bớt giao dịch từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thì hàng tỷ cổ phiếu lại sắp được đưa thêm lên sàn HOSE.

Việc nghẽn lệnh được lãnh đạo HOSE giải thích là do số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá số lượng lệnh thiết kế của cả hệ thống. Hệ thống của HOSE hiện sử dụng từ năm 2000 do đối tác Thái Lan cung cấp, với khả năng xử lý 900.000 lệnh ngày.

HOSE đã ký gói thầu xây dựng hệ thống mới với đối tác Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012 trị giá 600 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm nay sau nhiều lần lỗi hẹn.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng từng kỳ vọng, năm 2021, hệ thống công nghệ thông tin do HOSE làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động sẽ giúp thực hiện được một số nghiệp vụ như: giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về. Đây là điều mà các tổ chức xếp hạng thị trường đang rất trông đợi.

Chia sẻ về tiến độ triển khai hệ thống mới, ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HoSE cho biết, các chuyên gia nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ đầu tháng 12/2020 để triển khai công việc theo kế hoạch. Hiện nay, các chuyên gia đang kiểm tra lần cuối năng lực các thiết bị phần cứng, cài đặt các phần mềm và HoSE cũng đã thông báo tới các công ty chứng khoán chuẩn bị kế hoạch kiểm thử.

Trần Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Nghẽn lệnh chứng khoán, nhà đầu tư thiệt hại: Từ chế tài của thế giới, nhìn về Việt Nam" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin