Năm mới, động lực mới, khí thế mới

14/02/2016 02:29

(Pháp lý) - Những cây đào, cây mai đã bật ra những lộc biếc và chúm chím nụ xuân, như những sứ giả của thiên nhiên, báo hiệu Xuân mới Bính Thân, năm 2016 đã đến bên thềm.

Năm mới đến với đất nước ta cùng với một sự kiện trọng đại, Đại hội lần thứ XII của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, đề ra đường lối và những quyết sách lớn, đưa công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục tiến lên.
Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, năm tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp, nên là một năm có ý nghĩa đặc biệt. Năm 2016 sẽ có động lực mới, khí thế mới trên cơ sở những thành tựu kinh tế, xã hội đạt được, có tính nền móng của năm 2015, và cả chặng đường 5 năm 2011-2015.

[caption id="attachment_135432" align="aligncenter" width="410"]Hình ảnh về Tổ quốc, chủ quyền đất nước luôn là nội dung chính của đường hoa Xuân Hình ảnh về Tổ quốc, chủ quyền đất nước luôn là nội dung chính của đường hoa Xuân[/caption]

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng cao nhất trong tám năm qua, đạt khoảng 6,68%, vượt mức đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội có bước phát triển khá. An sinh xã hội được bảo đảm, dân chủ tiếp tục được phát huy. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng.

Nhìn lại 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản đến từ thành quả của mấy chục năm đổi mới, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia. Trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn. Trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá dầu thô giảm sâu, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là tình hình căng thẳng gay gắt ở Biển Đông... đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù nhiều chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho 5 năm 2011-2015 là khá cao do chưa lường hết những khó khăn thách thức, nhưng đến cuối nhiệm kỳ, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Năm 2016 này, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành, TPP có thể được các quốc gia phê chuẩn, mở ra những thời cơ và thách thức mới, Chính phủ đã xác quyết hàng loạt giải pháp, đường hướng vừa tổng quát, toàn diện, vừa cụ thể, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm và có thể nói, tất cả những giải pháp đó đều được đúc kết từ thực tiễn vô cùng sinh động và phong phú suốt 5 năm qua của tình hình đất nước. Bên cạnh những mặt được, vẫn còn những yếu kém cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết. Đó là, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp còn gặp khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; tái cơ cấu trong một số ngành, lĩnh vực còn chậm; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới. Đó là những vấn đề đặt ra cho năm 2016 và cả chặng đường 5 năm 2016-2020.

Về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, sau 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cả về nhận thức lẫn thực tiễn, chúng ta đều có bước tiến dài.

Tại Đại hội XI của Đảng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung và phát triển năm 2011) đã bổ sung một yếu tố kiểm soát quyền lực nhà nước. Lần đầu trong Văn kiện của Đảng ta đã ghi nhận một nguyên tắc: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Thể chế hóa các quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong gần 30 năm của Đảng ta, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 xác định: “1. Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; 2. Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Trước hết, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” là một nguyên tắc mới, chỉ đạo toàn bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nhưng cho đến nay không phải đã có sự nhận thức thống nhất, đầy đủ. Vì thế, trên thực tế việc thể chế hóa một cách minh bạch, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa Trung ương và địa phương chưa thật sự hợp lý, chưa phát huy đầy đủ hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm của mỗi quyền. Đây là vấn đề vừa mang tính chất lý luận, nhận thức, lẫn tổ chức thực hiện cần được tiếp tục làm rõ.

Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN thì nhiệm vụ hàng đầu là phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì thế, nâng cao chất lượng lập pháp để có những đạo luật, bộ luật thật sự trở thành rường cột, ổn định lâu dài, đủ sức đảm đương vai trò là phương tiện hàng đầu trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế và xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong những năm tới.

Cải cách hành chính phải mạnh mẽ hơn nữa... Cải cách tư pháp tuy được quan tâm, nhưng tiến hành còn chậm, nền tư pháp nước nhà chưa thật sự là biểu tượng của công bằng và công lý của một quốc gia dân chủ và pháp quyền, cho nên vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan sai, tồn đọng án, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động tư pháp. Vì thế, tiếp tục cải cách tư pháp vẫn là nhiệm vụ rất nặng nề và phải với quyết tâm cao hơn nữa trong thời gian tới.

Kiểm soát quyền lực nhà nước cũng là vấn đề mới, nhưng có vai trò to lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ngày càng thật sự của dân, do dân và vì dân; phòng chống sự lạm quyền, lộng quyền từ phía quyền lực nhà nước, góp phần đấu tranh có hiệu quả với phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, công chức. Vì thế, phải khẩn trương xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bao gồm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài nhà nước. Xây dựng đồng bộ các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong những năm tới.

Phòng chống tham nhũng vẫn là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không thể không tiếp tục với nhận thức tham nhũng là một thứ giặc nội xâm nguy hiểm.

Năm 2016, một năm có nhiều thuận lợi, thời cơ và cũng có nhiều thách thức, nhiều nhiệm vụ khó khăn phải giải quyết, đòi hỏi quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, của Nhà nước và của mỗi doanh nghiệp. Với động lực phát triển mới, khí thế mới, nhất định năm mới sẽ mang đến cho Việt Nam sức mạnh mới, thành công mới, xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân.

  Hà Thực

Bạn đang đọc bài viết "Năm mới, động lực mới, khí thế mới" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin