MB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 10% trong năm 2024

06/03/2024 18:39

Chiều 6/3, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) đã tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư về tình hình kinh doanh năm 2023 và triển vọng kinh doanh năm 2024.

Tại cuộc họp analysis meeting (gặp mặt nhà đầu tư), Chủ tịch MB cho biết, trong năm 2024 khó khăn vẫn hiện hữu, hy vọng nợ xấu đang đi ngang và đi xuống, cầu yếu thì khả năng tăng trưởng chậm lại. Mặc dù khối đầu tư nước ngoài (FDI) tốt, nhưng cầu tín dụng cá nhân (tài chính các nhân) đang trong tình trạng đi ngang. Biên lợi nhuận của ngành nói chung đang suy giảm trong năm 2023, nếu MB giữ được phương án đi ngang đã là tốt. MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 ở mức 10%.

picture1-1709731627.png
 

Ông Thái chia sẻ, trong quý I/2024, quy luật thị trường, tăng trưởng tín dụng không cao (thông thường tháng 1 tăng, tháng 2 và tháng 3 thường giảm), MB giữ được mức tăng dư nợ tín dụng ở mức đi ngang.

Nói về động lực tăng trưởng ngành ngân hàng trong năm 2024, theo TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng MB, đến từ nhiều yếu tố. Trước hết từ nền tảng vĩ mô tốt, doanh nghiệp sẽ tận dụng được thời cơ này, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng cao. Theo ông Đức, năm 2023 chỉ có động lực là đầu tư công, sang năm 2024 đến từ động lực xuất khẩu, cầu tiêu dùng đã phục hồi. Điều này sẽ hỗ trợ cho ngành ngân hàng tăng trưởng tốt hơn so với năm 2023.

Đối với hoạt động của MB, năm 2023, Ngân hàng đã giữ được nhịp tăng trưởng ổn định và chắc chắn. Các công ty thành viên tăng trưởng bền vững và giữ được thị phần, đơn cử như Công ty Chứng khoán MB (MBS), Công ty Bảo hiểm MB (MIC)… Lợi nhuận toàn tập đoàn hơn 26.300 tỷ đồng, ở mức cao nhất từ trước tới nay. Về chất lượng tài sản, nếu nhìn theo quý thì MB đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, các khoản nợ xấu đều được trích lập dự phòng tốt.

Cũng theo ông Đức, MB có sự chắc chắn, nhất quán, ổn định…, nhưng vẫn có sự quyết tâm chiến đấu thêm về “cá tính” đổi mới, sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, xuất phát từ lịch sử hình thành.

Tính từ năm 2017 đến 2024, vốn hoá MB ghi nhận tăng trưởng gấp 7 lần, cao hơn rất nhiều so với chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, cổ phiếu MBB vẫn đang giao dịch rẻ hơn nhiều so với thị trường.

“Người ta thường nói của rẻ là của ôi, nhưng với MB thì hoàn toàn khác”, ông Đức nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư, ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban Kế hoạch & Marketting MB cho biết, trong năm 2024, Ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao và trên nền tảng tăng trưởng như quý IV/2023, MB kỳ vọng lợi nhuận sẽ đạt hơn 28.800 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng của MB trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo, MB kỳ vọng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn.

Thứ nhất là đến từ bán lẻ. Nếu nhìn ở bên trong, MB đang có nhiều điều kiện thuận lợi để giúp chiến lược tăng trưởng này là hợp lý. Hiện MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến 2024 sẽ đạt 30 triệu. Các khách hàng đang sử dụng sản phẩm cơ bản nhất của MB là tiền vay thì có 453.000 khách hàng và đang tăng trưởng tốt. Đây là điểm rất kỳ vọng trong tương lai.

Dư nợ bán lẻ và dư nợ cho vay khách hàng siêu nhỏ (micro SME) đang chiếm 51% trong tổng cơ cấu nợ của MB và tốc độ tăng trưởng vẫn đang rất tốt, là động lực giúp MB tăng trưởng rất tốt trong 3-4 năm vừa qua. Hiện số lượng khách hàng tương tác thường xuyên trên App và BizMB rất cao, có khoảng 10-15% số lượng giao dịch vay có thể chuyển trên nền tảng số và hi vọng sẽ mở rộng trong năm 2024.

“Bán lẻ sẽ giúp CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn - PV) của MB tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Với bối cảnh 2024 khi các TCTD bước vào chu kỳ kinh tế mới, tức là mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thì lợi thế CASA và chi phí vốn sẽ giúp MB có điều kiện tốt để đưa đến khách hàng các khoản vay với chi phí hợp lý mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận cao trong tương lai”, ông Sơn chia sẻ.

Thứ hai đến từ chuyển đổi số. Những năm qua, MB đầu tư rất lớn cho chuyển đổi số, đang có kết nối với hệ sinh thái khách hàng trên khắp các nền tảng, tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng. Nhờ chuyển đổi số, số lượng giao dịch tăng trưởng rất cao nhưng chi phí vận hành và chi phí cho nhân sự giao dịch này lại giữ nguyên.

Động lực tăng trưởng thứ ba là hợp lực Tập đoàn. Hiện hệ sinh thái của MB là tập đoàn tài chính có đầy đủ các dịch vụ tài chính, từ chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…, tạo ra động lực nội sinh đầy đủ và lớn nhất ngành tài chính ngân hàng. Điều này đã thể hiện kết quả rõ ràng qua sự tăng trưởng của từng thành viên, chẳng hạn số lượng khách hàng của MBS tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 2 năm.

“Bên cạnh những thuận lợi, MB cũng xác định những khó khăn, thách thức nhất định. Đầu tiên là công tác quản trị tín dụng. Hiện MB đã triển khai mô hình quản trị rủi ro tín dụng nhiều tầng. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ESG để đảm bảo phát triển bền vững”, ông Sơn cho biết.

Tại cuộc họp, ông Thái cũng chia sẻ, dự kiến trong năm 2024, MB sẽ hoàn thành phương án nhận chuyển giao OceanBank.

Tại hội nghị nhà đầu tư chiều nay, chia sẻ về tình hình các khoản trái phiếu của Novaland và Tập đoàn Trung Nam, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQTNgân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB), cho biết phần dư nợ của Novaland tại MB đã giảm gần 50% dư nợ trong năm 2023. Tình hình các khoản vay của Novaland đang tốt lên. Ông cho biết doanh nghiệp đã tích cực giải quyết các thủ tục từ hai dự án quan trọng là Aqua ctity và Novaworld.

“Ở hai dự án này vấn đề quan trọng nhất là tiến trình pháp lý đang diễn ra khá đúng với tiến độ mà Chính phủ đã hỗ trợ và thông báo”, ông Thái cho hay.

Ông Lưu Trung Thái cho biết dư nợ của Novaland và các công ty con vẫn đang được phân loại ở Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) vì vẫn đang trong tiến trình trả nợ bình thường. "Tôi đánh giá khả năng phục hồi các dự án này tương đối khả quan", ông nói thêm.

Với Tập đoàn Trung Nam, MB tham gia ba dự án thành phần và các dự án này đều đóng điện đúng thời gian và đạt được mức giá tốt. Ba dự án này có dòng tiền trả nợ đều đặn, không có vướng mắc về khả năng trả nợ.

Về dư nợ của Tập đoàn SunGroup, ông cho hay các khoản vay vẫn ở nhóm 1 và các dự án có dư nợ đều là điểm mạnh của Tập đoàn, liên quan đến du lịch, có dòng tiền đều đặn.

Chia sẻ chung về việc cho vay bất động sản (BĐS), Chủ tịch MB cho biết ngân hàng đã thiết lập các chính sách và hạn mức cho vay BĐS hàng năm, cụ thể ngân kiểm soát ở mức độ cho phép, xoay quanh 8%. Ngân hàng đã và đang tập trung vào các dự án ở các địa phương lớn, có nhu cầu cao, tập trung phân khúc có giá thành hợp lý, số lượng khách hàng đông. Bên cạnh cho vay dự án thì ngân hàng cũng phát triển dự nợ từ khách hàng bán lẻ mua dự án.

Bùi Lộc
Bạn đang đọc bài viết "MB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 10% trong năm 2024" tại chuyên mục Thông tin kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin