Lương 4,800,000 đồng mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động như thế nào?

03/10/2023 11:07

Người lao động hỏi: Hiện nay tôi đang hưởng mức lương theo hợp đồng lao động là 6,600,000 đồng/ tháng, tuy nhiên nhà trường đóng BHXH cho tôi với mức lương 4,800,000 đồng, vậy mức đóng BHXH của người lao động là bao nhiêu?

Thu Phương (Trường liên cấp Tây Hà Nội)

1-1696316718.jpg

Người dân làm các thủ tục tại BHXH quận Ba Đình, Hà Nội (Ảnh minh họa)

Luật sư Trần Đại Ngọc, Cty Luật TNHT Trần Nguyễn Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn người lao động cụ thể như sau:

Luật gia trả lời: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHXH đối với người lao động được xác định như sau:

- Bảo hiểm xã hội: 8% (Áp dụng với người ký hợp đồng từ đủ 01 tháng trở lên);

- Bảo hiểm thất nghiệp: 1% (Áp dụng với người ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên);

- Bảo hiểm y tế: 1,5% (Áp dụng với người ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên).

Như vậy, mức đóng BHXH của người lao động là 10.5%.

Hiện nay, công thức tính tiền đóng BHXH được xác định như sau:

Mức tiền đóng BHXH = 10,5% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Nếu tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là 4,800,000 đồng thì mức tiền đóng BHXH hàng tháng như sau:

Mức tiền đóng BHXH = 10,5% x 4,800,000 đồng = 504,000 đồng/tháng.

Lưu ý, cách tính trên chỉ áp dụng trong trường hợp 4,800,000 đồng đó là mức tiền lương tháng đóng BHXH (bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác thuộc diện tính đóng BHXH).

Trường hợp trong 4,800,000 đồng đó có các khoản tiền khác không thuộc diện tính đóng BHXH bắt buộc thì phải trừ ra. Cụ thể tính theo công thức sau:

Mức tiền đóng BHXH = 10,5% x (4,800,000 đồng - Các khoản không tính đóng bảo hiểm).

Khoản thu nhập nào không tính đóng BHXH

Căn cứ quy định tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có đề cập đến các khoản thu nhập không tính đóng BHXH như sau:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

...

26. Sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 30 như sau:

“...

3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.”.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì hiện nay, các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bao gồm:

Các khoản thu nhập không tính đóng BHXH: Thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động; Trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Nguyên tắc bảo hiểm xã hội được quy định ra sao?

Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Như vậy, hiện nay bạn đang thực hiện hợp đồng lao động với mức lương 6,600,000 đồng. Trên thực tế, để giảm chi phí đóng BHXH thì nhiều doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động tổng lương cao nhưng ghi nhận trong hợp đồng lao động mức lương theo công việc/chức danh và thường thấp hơn mức lương thực nhận, số tiền còn lại được quy về các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp không tính đóng BHXH. Việc làm này không trái với quy định pháp luật hiện hành, người lao động vẫn được nhận đủ tiền lương theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, người lao động cũng cần cân nhắc đến thỏa thuận này để đảm bảo quyền lợi BHXH của mình vì khi thanh toán tiền chế độ, cơ quan BHXH sẽ tính dựa trên mức lương tháng đóng BHXH, do đó khi đóng BHXH ở mức lương thấp hơn thì đồng nghĩa với việc các quyền lợi người lao động được hưởng cũng ở mức thấp hơn.

PV
Bạn đang đọc bài viết "Lương 4,800,000 đồng mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động như thế nào?" tại chuyên mục Thông tin cần biết. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin