Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 mới đây của Phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, đã đề xuất có quy định buộc các chủ ô tô mở tài khoản (TK) ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông.
Xung quanh đề xuất này, Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội.
Là người đã nhiều năm sử dụng xe ô tô, từ thực tiễn tham gia giao thông, luật sư có nhận xét gì về đề xuất trên?
Với cá nhân tôi, thì việc quy định chủ xe ô tô phải mở tài khoản tại Ngân hàng để tiện cho việc xử phạt chẳng có vấn đề gì. Hơn nữa có phải lúc nào cũng có cục tiền trong túi đâu nên việc phạt bằng việc trừ vào tài khoản không những vừa tiện cho cơ quan chức năng, vừa tiện cho người bị phạt mà còn tránh hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với người vi phạm là chính chủ của xe. Do đó phải nhìn vấn đề này ở bình diện chung, vào hoàn cảnh thực tế hiện nay; tiện cho cảnh sát thu tiền xử phạt nhưng trong nhiều trường hợp không hẳn đã tiện cho người dân.
Ví dụ tôi cho bạn mượn xe, chẳng may bạn tôi vi phạm giao thông bị xử phạt, lại trừ vảo tài khoản của tôi là không ổn. Với số tiền nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng lên đến năm, bảy triệu đồng là có vấn đề rồi. Gặp phải ông bạn biết điều, tự giác thì không sao; vớ phải ông bầy nhầy thì rắc rối vô cùng; lúc đó cãi chửi nhau hay khởi kiện ra tòa án? Có khi vì chuyện này mà mất cả anh em bè bạn.
Còn việc do nhiều xe chưa sang tên chính chủ khiến quá trình truy tìm chủ xe và xử phạt gặp nhiều khó khăn thì cơ quan Công an phải nghĩ ra các biện pháp quản lý khác, chứ không nên tiện cho mình mà đẩy cái khó cho dân. Chẳng hạn, với các lỗi vi phạm bị phạt nguội, thì gửi tài liệu xử phạt vi phạm đến chủ phương tiện, yêu cầu đến nộp phạt. Nếu không chấp hành, thì ghi nợ, tính lãi suất quá hạn, thông báo cho đơn vị đăng kiểm, nếu không nộp phạt sẽ không cho đăng kiểm.
Dưới góc nhìn pháp lý ông thấy việc buộc các chủ xe ô tô phải mở tài khoản có phù hợp với quy định của pháp luật?
Pháp luật hiện hành chưa có quy nào bắt buộc công dân phải mở tài khoản. Theo tôi một ngành không thể tự ban hành quy định bắt buộc mở tài khoản được bởi vấn đề này còn liên quan đến Luật dân sự, và một số ngành luật khác có liên quan. Do đó nếu có thì quy định này phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Tuy nhiên nếu “quy định buộc” là không ổn. Vả lại nếu tài khoản đó chỉ để phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông thì cũng lãng phí vì đã đóng băng một khoản tiền rất lớn của xã hội nói chung của công dân, doanh nghiệp nói riêng. Hơn nữa việc vi phạm luật giao thông còn có những lý do khách quan, không ai tiên liệu trước được, vậy số dư tài khoản có bao nhiêu là đủ?
Mặt khác đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, từ cá nhân, doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước. Đơn cử nếu quy định chủ xe ô tô buộc phải có tài khoản thì xe ô tô của một bộ ngành nào đó cũng phải mở tài khoản, nếu lái xe vi phạm bị xử phạt thì sẽ trừ tiền vào tài khoản của bộ ngành đó. Vậy ai sẽ bỏ tiền ra để trả vào số tiến bị trừ đó, trong khi đó lại là tiền ngân sách? Và theo quy định thì ngân sách có cho phép chi số tiền đó không?... Hơn nữa ai, cơ quan nào kiểm soát được số tiền có trong tài khoản. Nếu trong tài khoản của chủ xe hết tiền thì trừ vào đâu?
Từ những lý do trên, các cơ quan Nhà nước cần thận trọng cân nhắc trước khi ban hành quy định này.
Nhưng phương án mà Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đề xuất có quy định buộc các chủ ô tô mở tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông có rất nhiều tiến bộ?
Đúng, đây là một đề xuất rất hay giúp cơ quan quản lý cũng như người vi phạm giảm thiểu về thời gian cũng như thủ tục. Nhưng không thể “buộc” được, và nếu thực hiện cần phải có lộ trình, từ việc hiện đại hóa các phương tiện giám sát, liên thông dữ liệu trong cả nước đến quy định pháp luật đồng bộ, tăng cường năng lực quản lý... thì mới làm được.
Mặc dù vậy theo tôi cũng không nhất thiết phải có tài khoản thì việc xử phạt vi phạm giao thông mới tiện lợi, khả thi cao. Ở các nước châu Âu, hệ thống dữ liệu liên thông với nhau, anh là công dân nước này, sang nước khác mà vi phạm giao thông bị xử phạt nguội. Khi về nước phải khẩn trương nộp phạt, chậm nộp họ gửi số xe, phiếu phạt đến cảnh sát nơi cư trú số tiền tăng lên gấp đôi, gấp ba. Có chạy đằng giời, nhưng họ có buộc phải mở tài khoản đâu. Hy vọng trong tương lai chúng ta cũng làm được như thế.
Cảm ơn luật sư!
Theo Danviet