Kinh nghiệm hướng tới liêm chính tư pháp ở các nước

(Pháp lý) - Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu có đưa ra hướng dẫn và khuyến nghị các quốc gia những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường liêm chính tư pháp. Dưới đây là kinh nghiệm của một số quốc gia mà tài liệu của mạng lưới phản ánh.

 Một Thẩm phán được bầu ra tại Mỹ
Một Thẩm phán được bầu ra tại Mỹ)

Lựa chọn thẩm phán bằng phương thức bầu

Ở các quốc gia thuộc Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, Thẩm phán thường được bổ nhiệm hoặc bầu chọn từ đội ngũ luật sư. Việc bầu thẩm phán từ đội ngũ luật sư được cho là có nhiều ưu điểm bởi người thẩm phán xuất phát từ thực tế, cùng hướng tới các giá trị nghề nghiệp, có sự hiểu biết chung về bản chất và nội dung của vai trò của mình trong quá trình xét xử.

Ở Hoa Kỳ, có rất nhiều phương thức khác nhau để lựa chọn thẩm phán, trong đó có hình thức lựa chọn bằng phương thức bầu. Việc bổ nhiệm thẩm phán bằng phương thức bầu phổ thông cho một số năm nhất định được thực hiện tại một số khu vực của Hoa Kỳ. Với hình thức lựa chọn này, công dân có quyền chọn thẩm phán của chính mình và cũng có thể chọn người khác trong lần bầu tiếp theo nếu không hài lòng với hiệu quả công tác của người được bầu trong nhiệm kỳ trước.

Bên cạnh nhiều ưu điểm, thì cơ chế tuyển dụng này cũng có những hạn chế nhất định. Một số người phê phán phương thức này cho rằng việc lựa chọn đó sẽ không đảm bảo sự chọn lựa dựa trên sự xuất sắc và không bảo vệ sự độc lập tư pháp một cách đầy đủ và tạo hình ảnh dễ dãi của các chức danh tư pháp. Để khắc phục những hạn chế nói trên, một số bang ở Hoa Kỳ thường thành lập các hội đồng, bao gồm đại diện của các nhóm đối tượng khác nhau như luật sư, luật gia và thường dân. Và họ sẽ là người trình Thống đốc Bang danh sách các luật sư đủ điều kiện. Thống đốc sau đó bổ nhiệm một người trong số đó làm thẩm phán và sau một nhiệm kỳ vài năm, vị thẩm phán này sẽ phải ra “tái cử”.

Tại một số bang (như Alaska, Arizona, Colorado và Utah), họ thành lập một cơ quan đặc biệt đã được tạo ra để đánh giá hiệu quả công tác của những thẩm phán sẽ đứng ra tái cử, thông qua việc tổ chức thăm dò ý kiến của các luật sư, luật gia và công dân có trình độ, trực tiếp biết về ứng xử tư pháp của những thẩm phán đó (tính liêm chính, khả năng pháp lý; kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc hiệu quả với nhân viên tòa án và các thẩm phán khác, sự đúng giờ và kỹ năng hành chính). Kết quả của những cuộc thăm dò khảo sát này sẽ được công khai trước khi diễn ra bầu cử dưới nhiều hình thức khác nhau làm cơ sở xem xét trước khi bỏ phiếu.

Thử thách bản lĩnh qua kiểm tra tâm lý

Công việc của thẩm phán là một công việc nhiều áp lực. Để đảm bảo có một người thẩm phán có năng lực, có độc lập thì tại một số quốc gia thành viên, trong đó có Áo, Hunggari và Hà Lan, việc lựa chọn các thẩm phán mới bao gồm cả kiểm tra tâm lý. Kiểm tra tâm lý bao gồm các bài kiểm tra trí thông minh, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng ra quyết định trong trạng thái căng thẳng và áp lực tinh thần khác.

Sau năm đào tạo đầu tiên (đào tạo chung đối với tất cả các nghề pháp lý), cử nhân luật có ý định học thêm ba năm nữa – là yêu cầu cần thiết để ứng tuyển vào các vị trí tư pháp - không những phải thi viết và vấn đáp mà còn phải trải qua một tập hợp các cuộc kiểm tra tâm lý. Những cuộc kiểm tra như vậy được tiến hành bởi một công ty tư nhân chuyên nghiệp theo từng nhóm 6 hoặc 7 ứng cử viên mỗi lần và kéo dài cả ngày. Ngoài các bài kiểm tra liên quan đến kỹ năng cá nhân như trí thông minh, cá tính và khả năng tập trung, mỗi ứng viên sẽ được phỏng vấn riêng. Bên cạnh đó còn có những cuộc thảo luận tổ chức dưới sự theo dõi, trong đó liệt kê các nội dung đã được xác định trước về các chủ đề như các phẩm chất cần thiết để trở thành một thẩm phán "giỏi", hoặc một nhà quản lý "tốt. Các phiên phỏng vấn và thảo luận nhóm đều được ghi hình để đảm bảo công khai, minh bạch.

Đánh giá trình độ chuyên môn

Việc đánh giá trình độ chuyên môn của thẩm phán có ý nghĩa quan trọng với chất lượng thẩm phán. Tại một số quốc gia thành viên của Mạng lưới, việc đánh giá chỉ diễn ra vào thời điểm thẩm phán được xem xét đề bạt. Tại các quốc gia thành viên khác, thẩm phán được đánh giá định kỳ. Ví dụ, tại Áo, Pháp và 16 bang của Liên bang Đức, nơi đánh giá định kỳ diễn ra vào những khoảng thời gian khác nhau, từ 2 đến 5 năm. Sau đó, các cuộc đánh giá như vậy sẽ được tiến hành khi phát sinh nhu cầu lựa chọn trong số thẩm phán những người đủ điều kiện hơn để đề bạt lên cấp cao hơn và vào các vị trí tuyển dụng còn trống ở khu vực tài phán.

Đa dạng hóa tiêu chí đánh giá một thẩm phán cũng là cách để có được thẩm phán chất lượng. Tại Pháp, các hình thức đánh giá gồm 4 nội dung (năng lực chuyên môn chung, chẳng hạn như khả năng quyết định, lắng nghe và trao đổi quan điểm với người khác, thích ứng với tình hình mới; kỹ năng pháp lý và kỹ thuật, chẳng hạn như khả năng sử dụng kiến thức của mình, khả năng chủ trì; kỹ năng tổ chức, như khả năng lãnh đạo nhóm, quản lý tòa án; khả năng lao động, các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức khác).

Thẩm phán phải được đào tạo thường xuyên

Trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, có nhiều quan điểm cho rằng thẩm phán đang tại nhiệm có thể vẫn cần được đào tạo, gần như bị coi là mang tính xúc phạm. Nhưng nay, tư duy này đã thay đổi theo thời gian. Các cơ quan đầu tiên dành riêng cho chức năng này được thành lập cách đây chưa tới 50 năm: Trường Thẩm phán Quốc gia của Pháp được thành lập vào năm 1958 và Trung tâm tư pháp Liên bang của Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1967. Kể từ đó, các sáng kiến nhằm cung cấp các chương trình đào tạo thường xuyên cho thẩm phán cũng như các tổ chức chuyên môn nhằm lập kế hoạch và quản lý các chương trình đã lan rộng dưới các hình thức khác nhau trên toàn thế giới.

Đào tạo thường xuyên, duy trì lương cao đối với Thẩm phán.. được coi là hai trong số các giải pháp hướng tới liêm chính (ảnh minh họa)
Đào tạo thường xuyên, duy trì lương cao đối với Thẩm phán.. được coi là hai trong số các giải pháp hướng tới liêm chính (ảnh minh họa))

Mục đích chính của đào tạo thường xuyên là cung cấp các chương trình nhằm thảo luận về tình hình phát triển luật pháp và cung cấp cho thẩm phán một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề liên quan đến giải thích những sửa đổi hoặc những lĩnh vực phức tạp, đặc thù của pháp luật hiện hành. Tại một vài quốc gia thành viên, việc đào tạo thường xuyên dành cho thẩm phán đã được mở rộng để bao gồm đạo đức tư pháp; kỹ năng quản lý và lãnh đạo, quản lý sổ ghi vụ việc; sử dụng công nghệ để tạo điều kiện và thúc đẩy các hoạt động tư pháp; sự phát triển của luật giữa các quốc gia hoặc luật quốc tế có thể ảnh hưởng đến công việc của thẩm phán. Các chương trình giảng dạy bao gồm những bài giảng trực tiếp của giảng viên tại địa điểm của trường trung tâm hoặc tại tòa án nơi việc giảng dạy thường do những người được đào tạo bởi trường trung tâm thực hiện.

Chú ý đến tiền lương và lương hưu

Để có độc lập tư pháp thì tiền lương và lương hưu của thẩm phán vô cùng quan trọng. Ở các nước thành viên như Canada , Italia và Hoa Kỳ, chế độ tiền lương và lương hưu của cán bộ tư pháp rất ưu việt.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng mức lương của thẩm phán liên bang không thể bị giảm đi trong những năm công tác của họ. Trong những năm gần đây, một số quốc gia thành viên đã thông qua các giải pháp linh hoạt hơn để tránh các cuộc đàm phán giữa thẩm phán và Chính phủ cũng như để đảm bảo rằng không thể có sự thao túng của Chính phủ đối với các cơ quan tư pháp hoặc biểu hiện của hiện tượng này, thông qua quá trình xây dựng các điều khoản về tiền công và các lợi ích về lao động khác đối với thẩm phán.

Tại Italia, một luật được ban hành năm 1984 quy định một cơ chế tự động nhằm tăng tiền lương và lương hưu của thẩm phán ba năm một lần theo cách duy trì mức tiền công của họ, cao hơn hẳn so với các nhân viên nhà nước khác. Tại Canada, từ năm 1997, các hội đồng hoặc tòa án về tiền lương trong ngành tư pháp được thành lập cho các thẩm phán liên bang cũng như thẩm phán tỉnh theo sắc lệnh hiến pháp. Nhiệm vụ của các hội đồng hoặc tòa án này là định kỳ xem xét lại các điều khoản tài chính của công tác tư pháp (tiền lương, trợ cấp hưu trí, công tác phí, v.v...) trên cơ sở các thông số luật định khác nhau, trong đó bao gồm chi phí sinh hoạt. Các hội đồng "trọng tài" như vậy bao gồm đại diện của hiệp hội thẩm phán cũng như chính phủ và thường có người đứng đầu là người đủ trình độ chuyên môn được cả hai bên đồng ý và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

Thi cử, bầu cử dân chủ trong hoạt động tư pháp, công khai trong việc chấm điểm; xem xét chất lượng thẩm phán qua các bản án ban hành; Đào tạo thường xuyên; duy trì lương cao hơn công chức thông thường và ổn định… được coi là các giải pháp nâng cao và hướng tới liêm chính tư pháp mà Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu khuyến cáo và áp dụng.

Vũ Anh Tuấn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin