Hơi ấm của mùa đông

Mùa đông thì lạnh thật, nhưng hơi lạnh ấy kéo người ta sát lại, gần nhau hơn.

Đi làm về, mẹ chỉ mới khẽ húng hắng ho, đầu thấy hơi âm ấm. Nhưng rồi vẫn lao vào bếp nấu nướng dọn dẹp, giã sẵn một tô gừng già để bố và cả nhà ngâm chân đặng ngủ cho ngon giấc. Như thông lệ, thế thôi…

Ngày đầu trở lạnh. Nồi riêu cá bốc hơi nghi ngút khiến cô chị và cậu em liên tay đưa bát. Bố phải về sớm hơn thường nhật vì hoãn trận quần vợt buổi chiều, nên suốt bữa ăn chỉ thở vắn than dài, lẩm bẩm kêu mong sao trời nhanh hết rét, "chứ lạnh thế này, anh em khó đi giao lưu".

75

Cứ thế, cả nhà không ai để ý thấy mẹ ăn ít hơn ngày thường. Cũng không biết cả việc sau khi cả nhà đã ngâm chân xong, leo lên gác hết, thì một mình mẹ còn ở lại dưới phòng khách, đổ thêm nước nóng vào chậu và ngồi ngâm nốt chỗ xác gừng còn lại. Vì mẹ bắt đầu thấy chân tay mỏi rã rời, dấu hiệu của cảm lạnh.

Và đến sáng ngày hôm sau, khi chương trình thời tiết trên tivi thông báo đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới, thì mẹ đã không thể nhấc được tay, chân ra khỏi giường để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.

Con trai, con gái cuống cuồng vì dậy muộn, lao từ gác ra đường, quên khép cửa. Bố ở nhà giải quyết việc công ty qua email, nghe gió lạnh, rón rén đi xuống thấy xe của mẹ vẫn ở trong nhà thì mới hay mẹ ốm.

Bữa tối đó ngoài mấy món thức ăn hâm lại cho ba bố con, còn có thêm tô cháo hành tía tô bố nấu vội cho mẹ ăn giải cảm. Trong nhà ấm sực mà ngoài ô cửa gió cứ kêu rin rít. Mẹ quấn khăn sù sụ ngồi xúc cháo ăn, thay vì phải tất bật đứng lên đứng xuống tiếp thức ăn cho cả nhà như mọi bữa.

Mặt mẹ ửng hồng, mắt long lanh, không biết vì sốt hay vì đang nghe bố hỉ hả kể chuyện sau cả chục năm giờ mới nhớ ra cách nấu món cháo tía tô giải cảm. "Cũng may vì trời mưa, lạnh", con trai nói.

Vì nếu trời vẫn ửng nắng, khô ráo như mọi khi, thì bố vẫn đang tất bật ở công ty, nếu biết mẹ ốm thì cũng chỉ tranh thủ nhờ mấy cô nhân viên tạt qua hàng cháo xách về một hộp nhựa. Hàng cháo kề sát công ty, mua lúc nào cũng tiện, nhất là cho người ốm.

Nhưng ngoài trời gió đang gầm gào thế kia, mưa thâm cứ rả rích suốt ngày, nên bố mới có dịp ở nhà trổ tài nấu cháo, pha nước cam cho mẹ. Rồi thi thoảng đi ra đi vô hỏi han, đo nhiệt độ, lấy thêm khăn, thêm tất. Chỉ thiếu nước lôi hai tay mẹ ra khỏi chăn rồi hà hơi thổi và giữ thật chặt trong bàn tay sần sùi để giữ ấm cho mẹ, giống như cái thưở bố mẹ mới cưới nhau còn ở nhà thuê.

Bố bảo hồi đó sợ nhất mưa thâm gió bấc, vì bố mẹ chỉ có một cái xe máy, lúc nào cũng phải dậy thật sớm mới kịp giờ đi làm cho cả hai người. Lúc nào cũng ngong ngóng nghe đài báo rét. Chỉ mong mùa đông thật ngắn.

Dần dà, bố tích lũy được tiền, mở công ty ra làm ăn riêng, rồi mua được nhà, có xe bốn bánh. Những sáng mưa đông, lạnh đến mấy mẹ vẫn phóng xe máy đi làm vì không muốn làm bố mất thời gian đi tới đi lui chở mẹ bằng xe bốn bánh. Tiếng là có xe riêng, mà năm thì mười họa cả nhà mới có dịp đi chung, hầu hết đều là vào dịp tết phải đi thăm họ hàng.

Còn hôm nay.

Cơm nước xong, thay vì vù lên gác sập cửa phòng làm việc riêng, hai đứa con lui cui nán lại dọn bát đĩa và tán chuyện.

Bố xăng xái đi châm một bình trà nóng, đặt cạnh đĩa hoa quả rồi ngồi xuống bên cạnh mẹ, liên tay bóp vai cho mẹ. Cậu em học lớp bốn ao ước, ngày mai lạnh hơn nữa để được... nghỉ ở nhà chăm mẹ ốm.

Cậu liến láu kể, hôm nay trời lạnh nên cả lớp không ai đi ra ngoài mà xúm xít ngồi tán phét với nhau trong giờ ra chơi. Cuối buổi học, cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp và nói, nhà trường sắp có chuyến thăm các bạn ở trường kết nghĩa trên Hà Giang nên cô mong cả lớp về nhà tìm lại xem ai có quần áo cũ lành lặn nhớ mang đi đóng góp. Cả lớp cậu ai cũng nhao nhao nói, sẽ về xin thêm quần áo của người này, người nọ, và thi nhau xem ai sẽ gom được nhiều nhất.

Bố ngồi cạnh nghe kể vậy mới sực nhớ lời hứa hồi đầu năm về việc sẽ thu xếp thời gian đưa các con lên vùng cao chơi, để trải nghiệm một chút cuộc sống vất vả của trẻ em các trường vùng cao. Thấm thoắt đã một năm, và bố đã khất lần suốt từ mùa hè cho đến mùa thu vì không phút nào dứt được công việc. Mà, hình như bố còn "nợ" cả nhà kha khá những lời hứa.

Xem ra, đến lúc phải trả nợ rồi. Năm qua công ty làm ăn chật vật, năm tới tình hình cũng không sáng sủa hơn. Hồi chiều, lúc ngồi riêng với mẹ, bố đã đưa ra kế hoạch sẽ không tiếp tục "đầu tư nóng", chụp giật như vài năm rồi nữa. Đúng là cơ hội cứ đến liên tiếp khiến bố mải miết lao theo, không kịp nhận ra rất nhiều lỗ hổng trong hoạt động của công ty lâu nay, mà chỉ rình lúc kinh tế khủng hoảng là bộc lộ ra gần hết.

Cho nên, hết đợt nghỉ đông này, bố đang tính sẽ phải đầu tư trở lại cho chính nội bộ công ty, giữ lấy những cộng sự giỏi và tin cẩn, tìm chiến lược lâu dài trụ lại trong khủng hoảng. Và tất nhiên, con cái, gia đình sẽ phải là ưu tiên số một, như lời hứa của bố hồi mới mở công ty riêng.

Con gái ngồi bên thấy mẹ húng hắng ho vội nhắc bố và em lên phòng cho mẹ nghỉ. Đêm đó, con gái ôm gối sang gõ phòng mẹ đòi nằm cùng, nói, không sợ bị lây cảm lạnh vì con gái đang có nhiều rắc rối cần tâm sự với mẹ lắm. Mà hình như, mẹ với con gái chưa nói chuyện "tay đôi" với nhau lâu lắm rồi, kể từ sinh nhật năm ngoái, khi con gái đòi mẹ đổi điện thoại mà mẹ không chịu.

Rét về khuya như ngọt sắc hơn, khiến cả nhà như chỉ muốn thu lu trong vỏ kén. Bỗng nhiên dễ tính với nhau hơn, dễ mủi lòng hơn và lại càng muốn gần gũi và bù đắp cho nhau nhiều hơn. Kẻo mai kia nắng ấm lên rồi, nhà cửa mở toang náo nhiệt, còn đâu những rủ rỉ, sẻ chia trong gian phòng khép kín.

Theo Khampha

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin