Mặc dù các quy định này có ý nghĩa trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần được xem xét và góp ý một cách kỹ lưỡng.
Về phạm vi điều chỉnh và áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Đề xuất sửa đổi quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng “quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế và ưu đãi thuế TNDN, thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu”. Việc luật hóa sớm Nghị quyết số 107/2023/QH15 trong Dự thảo Luật vì những lý do sau đây:
Một là, mặc dù Nghị quyết số 107/2023/QH15 có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2024 và thời hạn kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung là từ 12 - 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính 2024, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc phải trì hoãn luật hóa các quy định về thuế TNDN bổ sung. Việc luật hóa cần được tiến hành sớm để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch tài chính và tuân thủ các nghĩa vụ thuế. Nếu đợi đến năm 2026 mới đánh giá và luật hóa thì quá trình thực hiện có thể gặp nhiều khó khăn và bất cập trong thực tế.
Hai là, việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một chính sách quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác quốc tế về thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia Diễn đàn Chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận (BEPS). Do đó, luật hóa sớm sẽ giúp doanh nghiệp và cơ quan thuế có đủ thời gian chuẩn bị và triển khai các biện pháp cần thiết, tránh các vướng mắc phát sinh khi chính sách này chính thức áp dụng.
Ba là, việc luật hóa các quy định về thuế TNDN bổ sung theo Nghị quyết số 107/2023/QH15 sẽ tạo ra sự minh bạch và đồng bộ cho hệ thống pháp luật thuế. Điều này đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, tránh việc phải điều chỉnh liên tục sau này. Nếu chỉ dựa vào nghị quyết mà chưa luật hóa, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý và bất ổn khi thực hiện chính sách thuế.
Bốn là, Nghị quyết số 107/2023/QH15 đã phản ánh xu hướng quốc tế về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và xử lý các hành vi trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam đã trở thành thành viên của Diễn đàn BEPS và cam kết thực hiện 4 hành động tối thiểu trong khuôn khổ này. Việc luật hóa các quy định đã có trong nghị quyết là cần thiết để khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc hợp tác quốc tế về thuế và đảm bảo rằng các quy định này phù hợp với xu thế chung trên thế giới.
Năm là, việc đánh giá hiệu quả và rà soát quá trình thực hiện có thể diễn ra song song với quá trình luật hóa. Trong trường hợp phát sinh vấn đề từ quá trình triển khai thực tế, hoàn toàn có thể bổ sung, điều chỉnh thông qua các quy định hướng dẫn chi tiết. Không nên trì hoãn luật hóa chỉ vì cần đánh giá thêm trong tương lai.
Sáu là, luật hóa sớm các quy định về thuế TNDN bổ sung sẽ góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế, tạo tiền đề cho những cải cách toàn diện trong tương lai. Đây là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống kinh tế toàn cầu và tăng cường tính cạnh tranh quốc gia.
Việc trì hoãn luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế, đồng thời làm giảm tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống pháp luật. Luật hóa sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn trong việc chuẩn bị và triển khai chính sách thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Về quy định cơ sở thường trú trong các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và trên nền tảng số
Một là, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần bổ sung khái niệm cơ sở thường trú để bao quát được các hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Có thể áp dụng cách tiếp cận quốc tế, trong đó khái niệm cơ sở thường trú không chỉ dựa trên hiện diện vật lý mà còn dựa trên các yếu tố như doanh thu, số lượng giao dịch, hoặc mức độ hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam. Điều này giúp xác định rõ ràng hơn đối tượng chịu thuế và tránh việc lợi dụng khoảng trống pháp lý để trốn thuế. hiện nay, nhiều quốc gia đã điều chỉnh luật thuế của họ để giải quyết vấn đề về cơ sở thường trú trong thương mại điện tử. Chẳng hạn, trong Khung hợp tác chống xói mòn thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD, các quốc gia được khuyến khích áp dụng nguyên tắc “significant economic presence” (hiện diện kinh tế đáng kể) để xác định cơ sở thường trú. Việt Nam nên tham khảo những kinh nghiệm này để hoàn thiện quy định về cơ sở thường trú, bảo đảm tính hiệu quả trong việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Hai là, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần bổ sung các quy định cụ thể để xác định “cơ sở thường trú ảo” đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử không có hiện diện vật lý tại Việt Nam.
Quy định này phải bao gồm các tiêu chí xác định cơ sở thường trú như: khối lượng giao dịch, doanh thu phát sinh tại Việt Nam, số lượng người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, hoặc mức độ tham gia của doanh nghiệp vào thị trường Việt Nam. Nhờ đó, chính sách thuế TNDN mới có thể đáp ứng được thực tiễn của loại hình kinh doanh này.
Tóm lại, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần điều chỉnh khái niệm cơ sở thường trú để phù hợp với thực tế của các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số và thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc này không chỉ giúp đảm bảo tính công bằng trong việc áp dụng thuế mà còn giúp Việt Nam quản lý tốt hơn các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ngăn chặn việc trốn thuế và xói mòn cơ sở thuế.
Về việc miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon, tiền lãi trái phiếu xanh, và chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành
Mặc dù các khoản thu nhập này có ý nghĩa trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững và đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường, tuy nhiên việc miễn thuế lại có thể dẫn đến một số hệ quả tiềm ẩn.
Một là, quy định miễn thuế cho thu nhập từ các hoạt động trên cần được xem xét cẩn thận trong bối cảnh phát triển của thị trường tín chỉ carbon và trái phiếu xanh tại Việt Nam. Thị trường này hiện đang ở giai đoạn sơ khai và chưa có sự ổn định, nếu miễn thuế quá sớm mà không có các quy định rõ ràng về tiêu chí và tiêu chuẩn, có thể dẫn đến những bất ổn và khó kiểm soát trong thực tiễn.
Hai là, miễn thuế cho các khoản thu nhập này có thể tạo ra sự mất cân bằng trong hệ thống thuế, gây khó khăn trong việc duy trì nguồn thu ngân sách. Các doanh nghiệp có thể tận dụng chính sách miễn thuế để tối ưu hóa lợi nhuận mà không thực sự đầu tư mạnh vào các hoạt động giảm phát thải hay dự án xanh. Điều này dẫn đến rủi ro trong việc thực hiện các mục tiêu môi trường
Ba là, việc miễn thuế có thể tạo ra lỗ hổng pháp lý, gây khó khăn trong quản lý và kiểm soát hoạt động chuyển nhượng tín chỉ các-bon và trái phiếu xanh. Các doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách này để thực hiện các giao dịch nhằm né tránh thuế hoặc khai thác kẽ hở trong quy định.
Bốn là, miễn thuế đối với các khoản thu nhập này chưa chắc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thay vì miễn thuế, việc xây dựng các cơ chế ưu đãi khác như giảm thuế theo tỷ lệ đầu tư vào hoạt động xanh, phát triển năng lượng tái tạo hay giảm phát thải có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Điều này vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc vào các dự án vì môi trường.
Việc miễn thuế cho thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon, và trái phiếu xanh cần được đánh giá một cách toàn diện. Thay vào đó, có thể cân nhắc áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế khác nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.