Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu bổ sung quy định về quản lý trang mạng xã hội vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) bởi: “Trào lưu hiện nay là ít mua báo, trừ những nhà nghiên cứu, nhà này nhà kia thôi. Bây giờ người ta mở điện thoại ra, trên internet có hàng đống rồi... ”.
[caption id="attachment_135597" align="aligncenter" width="410"]
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.[/caption]
Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 18/2 về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn về quyền tự do báo chí của công dân.
Trong khi đó, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định lượng người tham gia vào các trang thông tin trên mạng ngày càng tăng nhưng nội dung trong dự thảo luật lại gần như vắng bóng nên không đáp ứng được thực tiễn hiện nay.
“Thông tin trên mạng có mấy loại: Của cơ quan báo chí cung cấp, trang mạng blog của cá nhân đăng ký ở trong nước và trang mạng ngoài phạm vi quốc gia. Nếu chưa kiểm soát được bên ngoài thì phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi Việt Nam trước đã. Nếu không ra được cái này thì luật chỉ đảm bảo 40%, còn 60% vẫn để trống trận địa này”- ông Ksor Phước khẳng định.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng công dân truy cập vào các trang mạng rất nhiều, mà dự thảo luật lại đưa việc quản lý lĩnh vực này bằng nghị định của Chính phủ là rất khó hiểu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết tại cuộc họp tháng 11/2015, Bộ Chính trị đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện Quy hoạch quản lý, phát triển báo chí tới năm 2025. Như vậy song song với việc sửa đổi Luật Báo chí lần này thì có quy hoạch báo chí lồng ghép với nhau.
Thừa nhận ảnh hưởng ngày càng lớn của truyền thông xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng đây là Luật Báo chí nên chỉ quản lý loại hình báo chí. Hiện nay đã có Nghị định 72 của Chính phủ quản lý về lĩnh vực truyền thông xã hội, trang tin điện tử và có chế tài rất chặt chẽ.
“Nếu đưa vào luật này thì vô hình chung công nhận trang tin điện tử, blog cá nhân cũng là báo chí. Blog cá nhân, mạng truyền thông xã hội là ngoài báo chí. Luật Báo chí chỉ quản lý loại hình báo chí, bởi chúng ta không chấp nhận tư nhân hóa báo chí rồi”- ông Son nói.
Không đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: Quyền tự do của công dân chỉ bị hạn chế bằng luật, không thể để nghị định xử lý vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, hiện nay có một số tập đoàn, tổng công ty có cơ quan báo chí. Tuy nhiên theo quy hoạch báo chí thì từng bước một các tập đoàn, tổng công ty sẽ không hoạt động báo chí, các tỉnh chỉ có 1 tờ báo và nhiều ấn phẩm; cấp sở không có báo chí.
“Tập đoàn, tổng công ty không có báo in, báo điện tử như hiện nay, các sở ngành không có báo in. Nhưng các tập đoàn, tổng công ty nếu cần thiết sẽ có tạp chí, như Vietnam Airlines sẽ có tạp chí trong ngành như Heritage ấy”- ông Son nói.
“Trào lưu hiện nay là ít mua báo, trừ những nhà nghiên cứu, nhà này nhà kia thôi. Bây giờ người ta mở điện thoại ra, trên đó internet có hàng đống. Nghị định mà đụng tới quyền tự do dân chủ là không được. Nếu chưa quy định cụ thể những chỗ này như ông Ksor Phước nói thì phải đưa vào đây nguyên tắc, còn bảo nói đã có nghị định rồi nên luật này không bao vùng đấy, nói đấy không phải báo chí thì không ổn chút nào”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Báo chí sửa đổi phải lấy Hiến pháp làm gốc, cương lĩnh quá trình sáng tạo, đổi mới. Phải tính toán để xã hội này dân chủ hơn, nhân dân được hưởng các quyền tự do, trừ những điều cấm đụng chạm tới quốc phòng an ninh, quyền tự do dân chủ thì phải hạn chế. “Cứ đàng hoàng mà làm, tôi tin là nhân dân ủng hộ. Các đồng chí bảo nó (các trang mạng, blog) không phải là báo thì là loại gì? Nó là loại đi đêm à? Nhưng nó như ban ngày rồi. Các đồng chí phải cố gắng đào sâu suy nghĩ, tập trung giải quyết một số điểm mà đất nước này đang vướng mắc, cơ hội của các đồng chí ở luật đây này, các đồng chí bảo để thông tư, nghị định này kia thì không ai chịu đâu”- ông Hùng chốt lại.
Kết luận buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm rất thận trọng luật này bởi đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thông suốt, chưa nhận được sự đồng thuận cao.
“Đây là những vấn đề nếu cần có thể nghiên cứu kỹ thêm như đồng chí Chủ tịch Quốc hội nêu. Nếu chưa thông qua được tại kỳ họp Quốc hội tới đây thì có thể phải lùi lại để có thời gian nghiên cứu. Ý tưởng là phát triển tới đâu quản lý tới đó và phải thể chế được Hiến pháp”- bà Phóng nói.
Theo Dantri