Đại biểu Trần Hoàng Ngân - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - đề xuất đưa quan chức đi thăm nhà tù tại phiên thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), chiều 9-11.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết đưa học viên đi tham quan nhà tù cũng là một nội dung dự tính trong chương trình thực tế giảng dạy tại Học viện Cán bộ TP.HCM.
Tham quan nhà tù để biết sợ
"Tôi rất đồng ý là ở bậc đại học và cao hơn chúng ta phải hết sức lưu ý giáo dục Luật phòng chống tham nhũng", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Ông cho biết tại Học viện Cán bộ TP.HCM, nơi ông Ngân làm hiệu trưởng, dự kiến sẽ đưa nội dung tham quan nhà tù vào chương trình đi thực tế với các lớp đào tạo bồi dưỡng cho một số cán bộ, công chức.
Nhà tù là nơi mà tội phạm, những người tham nhũng đang bị xử lý, trả giá cho hành vi tham nhũng của mình. Tôi nghĩ rằng việc tham quan nhà tù sẽ là một bài học thực tiễn"
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Chia sẻ về đề xuất này, Bí thư Thành ủy - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết khi ông học về quản lý nhà nước tại Mỹ thì nội dung tham quan nhà tù cũng đã có trong chương trình học.
Ngoài ra, theo ông Nhân, các học viên còn đi tham quan các bãi rác cực kỳ ô nhiễm, sau đó được đi thực tập trong các doanh nghiệp để có thực tiễn cao nhất.
Bỏ trống giáo dục về chống tham nhũng
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Lâm Đình Thắng, phó bí thư Quận ủy Bình Thạnh (TP.HCM), đã đề xuất phải có giáo dục bắt buộc về Luật phòng chống tham nhũng với các cá nhân, tổ chức liên quan.
Lý do, theo ông Thắng, là vì thực tế dù Luật phòng chống tham nhũng đã có nhưng nhiều cá nhân, tổ chức liên quan lại không hiểu gì về luật, vì thế nếu giáo dục bắt buộc thì thực tế hiệu quả tuyên truyền sẽ cao.
Theo khảo sát của ông Thắng, do chưa có cơ chế giáo dục bắt buộc nên sinh viên ba trường đại học đào tạo chính ra cán bộ công chức là Đại học Nội vụ, Học viện Hành chính quốc gia và Đại học Luật "vẫn chưa được đào tạo đầy đủ về vấn đề phòng chống tham nhũng".
Cụ thể, ông Thắng cho biết chỉ có Học viện Hành chính quốc gia là có đào tạo về đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng.
Trong khi đó Đại học Luật chỉ đào tạo nội dung chống tham nhũng cho sinh viên chất lượng cao, còn Đại học Nội vụ cũng chỉ có nội dung này ở một số chuyên ngành.
"Sau này dù đi làm nhà nước hay đi tư vấn doanh nghiệp thì các cử nhân tốt nghiệp ở những trường này đều sẽ có liên quan ít nhiều đến nội dung phòng chống tham nhũng. Nhưng quá trình đào tạo chưa ý thức được đầy đủ", đại biểu Lâm Đình Thắng nói.
Ngoài ra, theo đại biểu Thắng, ngay cả với các chương trình khởi nghiệp cho thanh niên cũng không thấy nói về đạo đức kinh doanh, không hối lộ... trong khi một số nước như Singapore thì ngay chương trình phổ thông học sinh đã được học đầy đủ nội dung phòng chống tham nhũng.
"Chúng ta đòi hỏi phòng chống tham nhũng nhưng không có cơ chế để cán bộ nắm và hiểu luật thì rất khó", đại biểu Lâm Đình Thắng nhận định.
Theo Tuoitre