‘Đáy giếng’ – Tiểu thuyết tái hiện nền kinh tế bao cấp

15/04/2016 22:13

Tiểu thuyết “Đáy giếng” của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy đã tái hiện nền kinh tế Việt Nam thời bao cấp thông qua hình ảnh một doanh nghiệp nhà nước điển hình lúc bấy giờ.

Bối cảnh chính của truyện diễn ra ở nhà máy rượu Vokado. Không gian tù túng sau cánh cổng sắt hoen rỉ và những bức tường vôi ẩm thấp lở rụng lả tả này chính là mô hình thu nhỏ của một nền kinh tế đi từ bao cấp đến thị trường với không ít những mặt trái của nó. Phạm Thị Bích Thủy đã xây dựng hệ thống những nhân vật điển hình mà bất cứ ai đã từng trải nghiệm trong một cơ quan nhà nước đều có thể bắt gặp hàng ngày.

Đó là một giám đốc Phương đầy đủ năng lực chuyên môn, khôn ngoan tháo vát, mưu cao kế hiểm nhưng vẫn thất bại trước một phe liên minh ma quỷ trong công ty là Hách vuông – Lý híp – Hợi lợn mà ngôn ngữ nôm na là “ăn cánh”. Cuối cùng, mọi nỗ lực của người đàn ông đối với công ty đành phải đầu hàng trước cỗ máy vừa thiếu trình độ vừa mang đầy đủ một thứ văn hóa khó gọi tên của một bộ phận những nhân sự đã bị cơ chế làm hỏng.

[caption id="attachment_138757" align="aligncenter" width="262"] Tiểu thuyết Đáy giếng do NXB Hội Nhà văn phát hành.
Tiểu thuyết Đáy giếng do NXB Hội Nhà văn phát hành.[/caption]

Chủ tịch hội đồng quản trị Lý híp, xuất thân từ công nhân nhà máy rồi lần hồi đi lên vị trí cao cấp nhất của công ty. Sau khi nghĩ ra trò cắt một mấu thang rồi gá lại như cũ tinh vi để hại một công nhân cấp thấp vì tội đã dám tố cáo những hành vi tham nhũng của Hách vuông – người tình của ông ta, Lý híp cười hi hí: “Ba đời nhà anh là chuyên gia cơ khí mà”. Một sự lột tả hình ảnh nhân vật thô lậu nhưng lại vô cùng tinh tế của tác giả khi hành vi ấy đã vẽ lên một loại chân dung điển hình mà phổ biến: Dốt nát và thiếu hiểu biết nhưng có chút ít chuyên môn thì lại sử dụng cái thứ “quý hiếm” đó vào việc nghĩ ra kế để hại người.

Đó còn là kế toán trưởng Hách vuông, một ả đàn bà đã dùng đủ mọi kế sách lừa lọc để phục vụ những mục đích ti tiện của bản thân, để lấy chồng, để thăng chức, để giành vị trí cho con, để tham nhũng đầy túi, để thỏa mãn bản năng dâm ô, sỹ diện, đố kỵ, để đẩy đồng nghiệp vào vòng lao lý. Tạo ra được một nhân vật điển hình là điều khó nhất đối với mọi nhà văn. Thành công của Đáy giếng chính là nhờ nhân vật Hách vuông này.

Mọi sự ghê tởm của các tuyến nhân vật, của doanh nghiệp, của nền kinh tế, của cả cơ chế dần dần hé lộ như từng bức màn sân khấu được vén lên, như người đầu bếp bóc từng lớp vỏ củ hành. Và cao trào của “vở kịch đời”, cũng là lúc sự trơ trẽn, ngu dốt, hài hước xuất hiện đầy đủ nhân dạng, chính là khi Hách vuông cho người đốt toàn bộ kho hàng của công ty để đỡ có hàng bán, để chống đỡ được sự mất mặt là hàng ế cuối năm. “Không làm được thì phá” là chuyện phổ biến trong các doanh nghiệp thời bấy giờ, nhưng phá theo cách của Hách vuông – Lý híp thì có lẽ trở thành điển hình của văn học nói chung.

Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Kể lại một câu chuyện mà giữ được bạn đọc suốt mấy trăm trang sách thật không dễ dàng gì. Đáy giếng là câu chuyện làm ăn, quan hệ giữa người và người trong guồng máy sản xuất dần dần hiện lên  dưới ngòi bút kể chuyện nhẩn nha đủng đỉnh của nhà văn. Nhẩn nha đủng đỉnh là một thủ thuật đòi hỏi  người viết phải có cái duyên văn tự. Nhìn chung đây là một mạch truyện luôn biến động mà sâu trầm vì sự sống dồi dào cuồn cuộn, liên tiếp có những làn sóng cao trào nhiều kịch tính, đặc biệt càng về cuối càng cuốn hút vì các sự kiện và tính cách nhân vật đã được đẩy đến đỉnh điểm. Nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Thành công của cuốn sách còn nằm ở phương diện này”.

Nhà phê bình Vũ Nho cũng khẳng định: “Cũng như ở hai tiểu thuyết trước, Thủy có nhân vật then chốt của cô cho câu chuyện Đáy giếng hay có lẽ cần phải nói rằng cô lại tìm ra nhân vật cho mình. Bởi ở đây là một nhân vật tầm thường nhưng rất lạ. Trong văn chương đương thời chúng ta bao nhiêu năm qua chưa thấy có một vai nữ chính nào thô lậu quái kiệt như nhân vật mụ kế toán già hỗn danh Hách vuông của tiểu thuyết Đáy giếng.”

[caption id="attachment_138758" align="aligncenter" width="303"] Tác giả Phạm Thị Bích Thủy.
Tác giả Phạm Thị Bích Thủy.[/caption]

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, tốt nghiệp MBA, PUT bằng Mỹ, cử nhân văn chương và tiếng Nga, Đại học Ghecsen Leningrad (Saint Petursburg), Liên bang Nga, cử nhân tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 1986 đến 2000 chị là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay, chị làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Hiện là quản trị viên cao cấp tại một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội.

Các tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn Chạy trốn (2013), tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), Tiếng sáo lạc (2015), Đáy giếng (2016).

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết " ‘Đáy giếng’ – Tiểu thuyết tái hiện nền kinh tế bao cấp" tại chuyên mục Sách hay. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin