Dân chủ đại diện

10/02/2016 03:21

Dân chủ không nằm ở các quyền năng to lớn của các vị đại biểu, mà nằm ở chế độ trách nhiệm của các vị đại biểu trước cử tri.

Bạn có bao giờ nhớ được những vị đại biểu mà mình đã bầu ra ở các cấp chính quyền là ai không? Câu trả lời không nói thẳng ra thì, có lẽ, cũng đã rõ với rất nhiều người. Chúng ta hầu nhưng ít nhớ được ai.

[caption id="attachment_135254" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Như những cử tri, chúng ta ai cũng có đại biểu ở tất cả bốn cấp chính quyền: xã, huyện, tỉnh, trung ương. Thế nhưng khi gặp phải một vấn đề nào đó trong cuộc sống, bạn lại thường lúng túng không biết phải kêu ai.

Ví dụ, nếu cơ quan hành chính om công việc của bạn hết ngày này sang tháng khác, thì bạn phải kêu ai? Nếu đường trước nhà bạn chưa mưa đã ngập, thì bạn phải kêu ai? Người đầu tiên bạn phải kêu, tất nhiên, là vị đại biểu của mình. Bạn có bao giờ làm như vậy không? Nếu không, bạn bầu ra người đại diện cho mình để làm gì?

Dân chủ không nằm ở các quyền năng to lớn của các vị đại biểu, mà nằm ở chế độ trách nhiệm của các vị đại biểu trước cử tri. Chế độ trách nhiệm này về cơ bản là rất khó xác lập nếu như chúng ta thậm chí còn không nhớ nổi đại biểu của mình là những ai. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều. Dưới đây là một vài nguyên nhân rất dễ nhận thấy.

Một là, nhận thức về trách nhiệm chính trị của chúng ta chưa cao. Chúng ta nhiều khi đi bầu như một nghĩa vụ phải làm cho xong, chứ không phải đi bầu để chọn người đại diện cho quyền và lợi ích của mình. Mà như vậy thì bầu xong là xong. Thực ra, bầu xong thì mọi việc chỉ mới bắt đầu. Vấn đề là người đại biểu được bầu sẽ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của bạn thế nào. Mà như thế nào thì bạn phải theo dõi mới biết được. Bạn làm sao có thể theo dõi, nếu như thậm chí bạn không nhớ nổi đại biểu mà mình đã bầu là ai?!

Muốn biết đại biểu của mình hoạt động như thế nào thì bạn phải tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu, phải tìm hiểu xem đại biểu đó đã phát biểu, đã biểu quyết như thế nào ở trong Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân. Bạn có bao giờ làm như thế không?

Hai là, hệ thống thông tin về các đại biểu cũng chưa thật phát triển. Nhiều khi bạn cũng muốn tìm gặp đại biểu của mình để đề đạt nguyện vọng và trao đổi về những vấn đề mà bạn quan tâm. Thế nhưng, vị đại biểu đó có thể gặp được ở đâu? Vào thời gian nào? Địa chỉ ra làm sao? Số điện thoại, địa chỉ email như thế nào? Đó là những câu hỏi mà nhiều khi bạn không biết tìn câu trả lời ở đâu cả.

Ba là, các đại biểu không phải bao giờ cũng hiệu năng trong việc giải quyết các vấn đề của người dân. Bạn có thể đến gặp đại biểu của mình một vài lần để đề đạt nguyện vọng hoặc nhờ giúp đỡ, nhưng ngoài những lời động viên chung chung khó có vấn đề nào của bạn được giải quyết. Trong trường hợp như vậy, bạn có muốn việc gì cũng đến gặp đại biểu của mình không? Đó là chưa nói tới việc thiết kế hệ thống động lực như thế nào để khuyến khích các vị đại biểu làm tròn trách nhiệm đối với dân vẫn còn là một vấn đề nan giải.

Cuối cùng, trong một nền dân chủ đại diện thì chức năng đại diện là quan trọng nhất. Muốn vận hành được chức năng này, thì mối quan hệ hữu cơ giữa người đại diện và người được đại diện phải được xác lập và vận hành trên thực tế. Và tất cả bắt đầu từ việc ghi nhớ tên và địa chỉ (điện thoại, email) của những đại biểu mà bạn đã bỏ phiếu ủy quyền.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết " Dân chủ đại diện" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin