Đại án 6.000 tỷ đồng tại VNCB: Đề nghị không thu hồi số tiền tăng vốn điều lệ

Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên không cho 4 bị cáo được hưởng án treo, giữ nguyên mức án với các bị cáo còn lại. VKS cũng đề nghị không thu hồi 4.500 tỷ đồng từ CB trả lại cho Phạm Công Danh.

Sáng 17/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xử phúc thẩm đại án gây thất thoát trên 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay là ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng - CB) với phần tranh luận.

Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

 Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.)

Theo VKS, tại tòa các bị cáo có ý kiến về việc tách vụ án ra thành 2 giai đoạn làm hình phạt đối với các bị cáo nặng hơn. Dù vậy, vụ án trong 2 giai đoạn tuy cùng gây thiệt hại cho CB, nhưng ở giai đoạn 1 xét xử các bị cáo về các hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức tín dụng để trực tiếp rút tiền của VNCB ra sử dụng. Còn trong giai đoạn 2 này, vụ án xét xử về hành vi cố ý làm trái trong việc sử dụng tiền gửi của VNCB để bảo lãnh trái pháp luật.

Đây là 2 vụ án, có 2 quyết định khởi tố vụ án chứ không phải cùng một quyết định khởi tố vụ án rồi tách ra thành hai vụ án khác nhau. Việc các bị cáo bị xét xử trong cả 2 giai đoạn không làm tăng trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Đối với kháng cáo cho rằng nguyên nhân dẫn đến các sai phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của bà Hứa Thị Phấn và các cá nhân điều hành ngân hàng Địa Tín (TrustBank), VKS nhận định, sai phạm xảy ra một phần có sự yếu kém của TrustBank nhưng không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những sai phạm. Cấp sơ thẩm cũng đã xem xét đến nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội và đã cân nhắc cho các bị cáo các mức án phù hợp.

Đối với các kháng cáo của những bị cáo xin hưởng án treo, đại diện VKS cho rằng, hậu quả từ hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, mức án ở cấp sơ thẩm là tương xứng nên không có cơ sở xem xét. Trong số các bị cáo xin hưởng án treo, có bị cáo Trần Hiệp có cung cấp hồ sơ đang bị bệnh ung thư giai đoạn 4 nên đề nghị HĐXX xem xét riêng trường hợp này.

4 bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh bị kháng nghị tăng án, không cho hưởng án treo. Đại diện VKS cho rằng, nhóm bị cáo này đã được hưởng án treo trong giai đoạn 1 của đại án VNCB, nếu tiếp tục áp dụng án treo trong vụ án này là vi phạm Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán nên đề nghị không cho 4 bị cáo này hưởng án treo.

Về phần dân sự, đại diện VKS đề nghị không thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng là tiền mà Phạm Công Danh dùng tên một số cá nhân chuyển về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB, nhưng sau đó không được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận.

Theo VKS, số tiền trên có nguồn gốc từ những sai phạm của Phạm Công Danh và đã được Danh sử dụng hết. Số tiền này cũng không phải là vật chứng của vụ án nên không có căn cứ để thu hồi từ CB để trả lại cho Danh.

Các kháng cáo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Trần Đình Quyết… đề nghị thu hồi các dòng tiền khác không có cơ sở nên VKS đề nghị bác kháng cáo.

Từ các nhận định nêu trên, đại diện VKS đề nghị sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng không cho 4 bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh được hưởng án treo, giữ nguyên hình phạt với các bị cáo còn lại. VKS đề nghị không thu số tiền 4.500 tỷ đồng từ CB để trả cho Phạm Công Danh nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/dai-an-6-000-ty-dong-tai-vncb-de-nghi-khong-thu-hoi-so-tien-tang-von-dieu-le-a415019.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin