'Có tiếng người trong gió' viết về nạn buôn bán nội tạng trẻ em

27/03/2016 15:11

Tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đi sâu vào nạn mua bán, kinh doanh nội tạng người của thế giới tội phạm xuyên quốc gia.

Tên sách: Có tiếng người trong gió
Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy
Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2016

Đã là tiểu thuyết thứ tư của Nguyễn Xuân Thủy (sau Biển xanh màu lá, Sát thủ online, Nhắm mắt nhìn trời) nên khi cầm trên tay Có tiếng người trong gió, người đọc sẽ hỏi ngay: Cuốn này viết về điều gì?

Đọc đến trang cuối cùng sẽ trả lời được như thế này: Cuốn sách viết về một tổ chuyên án đã phải rất nhọc công để điều tra, khám phá ra một mảng tối của thế giới tội phạm - lại là tội phạm xuyên quốc gia - đó là mua bán, kinh doanh nội tạng người.

Nhưng tiểu thuyết không triển khai theo hướng một câu chuyện vụ án thông thường mà người đọc ngay lập tức bị hút vào chuyện một người mẹ đi tìm con. Tại sao lại có chuyện mẹ đi tìm con? Tại sao đứa con đó lại mất tích? Nếu nó còn sống thì đã là một chàng trai 16 tuổi, và hiện giờ nó ở đâu? Người mẹ ấy vì sao phải bước chân qua biên giới để tìm lại máu mủ ruột rà của mình nơi xứ người? Tại sao công cuộc tìm kiếm dài dằng dặc ấy vẫn không có kết quả? Trả lời được từng đó câu hỏi, cũng có nghĩa là đã khám phá xong tuyến truyện thứ nhất của tiểu thuyết. Cũng có nghĩa là lý lịch nhân vật chính và thứ chính đã lần lượt hiện hình.

[caption id="attachment_137702" align="aligncenter" width="269"] Bìa sách "Có tiếng người trong gió".
Bìa sách "Có tiếng người trong gió".[/caption]

Nhưng Nguyễn Xuân Thủy cũng giống như một số nhà văn 7x hiện nay, rất có ý thức hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết, nếu chỉ với một tuyến truyện truyền thống với đơn điểm nhìn tự sự sẽ không đủ thỏa mãn cho sự sáng tạo của cây bút văn xuôi đang bước vào độ sung sức này. Có tiếng người trong gió, vì thế, xuất hiện tuyến truyện thứ hai, ảo diệu, ám ảnh, mới mẻ và độc đáo hơn nhiều, được trình ra, lồng ghép song song với tuyến truyện thứ nhất.

Đó là chuyện của linh hồn các chàng trai trẻ vốn được nuôi dưỡng trong một địa danh có tên là Tuyết Sơn Thạch. Tại sao lại là và chỉ là linh hồn của các chàng trai trẻ? Bởi họ được nuôi dưỡng đến độ tuổi đẹp nhất của đời người thì các bộ phận trong cơ thể đã lần lượt được lấy đi để phục vụ cho những ý đồ phi nhân tính, nên những thể xác ở độ tuổi đôi mươi sẽ mãi mãi dừng lại, chấm dứt sự sống ở đây, chính thức kết thúc kiếp làm người. Từ câu chuyện của các linh hồn này, người đọc lần lượt đối diện những trang văn ám ảnh nhất của tiểu thuyết. Các linh hồn kể về việc họ, từ những đứa trẻ bị bắt cóc ở các bệnh viện, nhà ga, bến tàu… được đưa về đây, nuôi dưỡng như những “con vật đặc biệt”, để rồi bị lấy đi nội tạng và chết một cách oan khuất dưới dao mổ của đồng loại, mà không biết vì sao mình lại… chết!

Đến đây, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy bắt đầu kích thích khả năng nhận thức của bạn đọc để gợi lên những mơ hồ suy đoán. Đứa trẻ bị bắt cóc năm xưa của người mẹ đang đi tìm con ở tuyến truyện thứ nhất kia là ai trong số những thanh niên bị bắt vào Tuyết Sơn Thạch này? Đứa bé đó đang là một linh hồn kể chuyện cho chúng ta nghe hay còn là một thân xác đang bị cắt cứa hàng ngày để lấy đi từng phần nội tạng? Liệu người mẹ có gặp được con mình không? Nếu gặp thì bằng cách nào đưa được con ra khỏi lãnh địa tội ác vốn được các băng nhóm tội phạm kiểm soát chặt chẽ như mê cung giữa trần gian này? Và nếu đứa trẻ đó đã chết thì cuộc tìm kiếm có trở nên vô vọng? Những linh hồn không còn thể xác lành lặn kia liệu có thể gửi được thông điệp gì cho người sống? Thông điệp ấy có giúp được gì cho việc chặn đứng bàn tay tội ác khủng khiếp kia không?

Lại những câu hỏi đặt ra, và đó là động lực đưa người đọc tiếp tục khám phá cuốn tiểu thuyết quá ư rậm rạp tình đời, tình người này. Thông thường câu trả lời sẽ nằm ở phía trước, và mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ở phần kết của cuốn tiểu thuyết. Nhưng không phải cái kết nào của tiểu thuyết cũng thỏa mãn những câu hỏi đầy suy tư của bạn đọc. Chính vì thế, tuyến truyện thứ ba có lý do để xuất hiện, để hỗ trợ, để góp thêm vào dòng chảy tự sự chút ánh sáng soi tỏ những ngóc ngách thẳm sâu của cuốn sách. Tuyến truyện thứ ba thuật lại quá trình điều tra của ban chuyên án với những hoạt động mang tính nghiệp vụ để đi đến việc tổ chức tội phạm tội xuyên quốc gia bị phát hiện, bị bắt giữ và toàn bộ đường dây liên quan dù là nằm trên đất Trung Quốc hay bên này biên giới Việt Nam đều bị bóc gỡ.

Từng viết về đời sống của bộ đội ngoài Trường Sa, về tội phạm internet, về bi kịch trí thức trẻ thời đô thị hóa, đến cuốn tiểu thuyết thứ tư, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy lại làm bạn đọc ngạc nhiên trước mảng đề tài còn khá mới mẻ: Buôn bán và đánh cắp nội tạng trẻ em. Với sức sáng tạo dồi dào, Có tiếng người trong gió cho thấy một năng lực tiểu thuyết đang được khẳng định cũng như những ám ảnh từ trang viết của anh là kết quả của một tài năng bắt đầu vào độ chín.

Buổi ra mắt tiểu thuyết Có tiếng người trong gió sẽ diễn ra lúc 14h ngày 30/3 trong khuôn khổ Hội sách Mùa Xuân được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết "'Có tiếng người trong gió' viết về nạn buôn bán nội tạng trẻ em" tại chuyên mục Sách hay. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin